Đến lúc ‘tuyên chiến’ với rác thải

Hoàng Đông - 10:44, 10/07/2023

TheLEADERNhật Bản tuyên bố cuộc chiến với rác thải từ năm 1973, mở đầu cho 20 năm ròng rã thành công “làm sạch” đất nước. Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Công ty CP VietCycle, cho rằng, có lẽ đã đến lúc Việt Nam cần làm điều tương tự.

Đến lúc ‘tuyên chiến’ với rác thải
Ông Hoàng Đức Vượng. Ảnh: Hoàng Anh

Đô thị hóa diễn ra với tốc độ cao khiến lượng rác thải đô thị cũng gia tăng với tốc độ chóng mặt. Theo ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, Chủ tịch Công ty CP VietCycle, 70% lượng rác thải nhựa đến từ các hoạt động của đô thị, đa phần là nhựa có giá trị và khả năng tái chế cao.

30% rác thải nhựa xuất phát từ nông thôn. Đây thường là rác nhựa có giá trị thấp, thậm chí độc hại do được sử dụng làm bao bì một số hóa chất như thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với năng lực thu gom, xử lý có hạn, rác nhựa nông thôn thường bị đốt hoặc chôn lấp, khiến ô nhiễm lan ra cả không khí và nguồn nước.

Theo ông Vượng, có 3 dòng chảy chính của rác thải nhựa, bao gồm được thu gom bởi các đơn vị công lập, sau đó xử lý chủ yếu bằng cách chôn lấp; được hộ gia đình thu gom rồi bán cho đồng nát, ve chai, chuyển về làng nghề tái chế và bị thất thoát trực tiếp ra môi trường rồi kết thúc vòng đời ở sông hồ, kênh rạch. Dù chảy theo dòng nào, lượng rác này cũng gây ra không ít hệ lụy.

Rác thải nhựa chỉ là một phần câu chuyện. Ông Nguyễn Thi, chuyên viên chính của Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết, hơn 60% lượng chất thải rắn phát sinh là rác thải hữu cơ, chủ yếu từ thực phẩm cũ, hỏng, dư thừa. Đây là nguồn chính phát sinh mùi khó chịu hay sự sinh sôi của dịch bệnh và những loài vật gây hại.

Theo đại diện Vụ Pháp chế, ùn ứ rác thải tại các điểm tập kết đang là một thực trạng mang tính lâu dài, bởi nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng nhưng các biện pháp giảm thiểu xả thải chưa được triển khai hiệu quả. Mặt khác, xử lý chất thải cũng chủ yếu dựa vào chôn lấp, chưa ứng dụng được nhiều phương pháp tiên tiến hơn.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra nhiều quy định liên quan đến phân loại rác thải tại nguồn, thu phí rác thải theo khối lượng, hay các công cụ hướng đến kinh tế tuần hoàn, đặt trách nhiệm thu gom, tái chế bắt buộc cho nhà sản xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, với vai trò là một người làm chính sách, ông Thi nhìn nhận, vẫn còn thiếu những quy định mang tính kỹ thuật như hướng dẫn phân loại, thu gom hay định mức chi phí thu gom, xử lý, tái chế…

Trong đó, để quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chính sách phân loại tại nguồn rất quan trọng và đã được chứng minh tính hiệu quả ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ông Thi cho biết, Bộ Tài nguyên và môi trường đang từng bước hoàn thiện những quy định kỹ thuật để triển khai chính sách này muộn nhất vào năm 2025 ở toàn bộ các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Có lẽ chúng ta cũng đã đến lúc phải tuyên chiến với rác thải
Ông Hoàng Đức Vượng
Chủ tịch VietCycle

Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường cũng như chính quyền các cấp, ông Vượng đề xuất, có lẽ đã đến lúc cần “tuyên bố chiến tranh với rác thải”.

“Năm 1973, Nhật Bản tuyên chiến với rác thải, kết quả là nước Nhật giải quyết được khủng hoảng rác thải 20 năm sau đó. Có lẽ chúng ta cũng đã đến lúc phải tuyên chiến với rác thải”, Chủ tịch VietCycle gợi ý.

“Đứa bé” sẵn sàng lớn sau 40 năm

Ngành công nghiệp tái chế hình thành suốt 40 năm qua, mở rộng ra với tốc độ “mỗi tháng một làng nghề tái chế”. Xử lý chất thải ra thành nhiều loại sản phẩm được phân phối trên thị trường nhưng hệ thống những làng nghề tái chế gây ô nhiễm thứ cấp nghiêm trọng do không được hỗ trợ, không được hướng dẫn bài bản. Công nghệ tái chế cũng không có nhiều sự cải tiến, khiến sản phẩm tái chế kém chất lượng.

Đó là lý do ông Vượng gọi tái chế là ngành công nghiệp “40 năm nhưng vẫn là em bé”.

Mong là EPR được thực thi tốt để những doanh nghiệp tái chế như chúng tôi sẵn sàng đầu tư bài bản công nghệ, quy trình tiên tiến
Ông Hoàng Đức Vượng
Chủ tịch VietCycle

Nghị quyết số 29-NQ/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do Bộ Chính trị ban hành vào năm 2022, đã chính thức đưa tái chế trở thành ngành công nghiệp ưu tiên của đất nước. Cùng với đó, công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu phải chịu trách nhiệm thu gom, xử lý và tái chế nhiều loại chất thải cũng đang đi vào hiệu lực.

Có nhiều năm làm nghề tái chế, ông Vượng đánh giá cao những chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho ngành công nghiệp tái chế. “Các doanh nghiệp tái chế đang rất “phấn khích”, chờ đợi công cụ EPR được thực thi như thế nào. Mong là EPR được thực thi tốt để chúng tôi sẵn sàng đầu tư bài bản công nghệ, quy trình tiên tiến”, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh nói.

Những doanh nghiệp trong ngành công nghiệp tái chế đang sẵn sàng đón cơ hội chuyển mình dưới tác động của chính sách từ phía Chính phủ. Tuy nhiên, ông Vượng nhận định, cần phải có cả sự đồng hành của chính quyền địa phương.

Thực tế, do mang nhiều tiếng xấu nên một số dự án tái chế không nhận được sự ủng hộ từ phía chính quyền địa phương. Ông Vượng mong muốn các địa phương có thể đưa vào quy hoạch không gian nhất định cho ngành công nghiệp tái chế để giúp các doanh nghiệp tái chế phát triển, bởi “tỉnh, thành phố nào cũng cần phải có khu vực riêng để xử lý rác thải hiệu quả, giống như trong nhà phải có khu vực để rác riêng”.