Diễn viên Quốc Trường: Kinh doanh giỏi, đóng phim hay

Quỳnh Như - 08:53, 27/01/2020

TheLEADERThoạt trông, Quốc Trường là một người khá chân chất và bỗ bã; nhưng kỳ lạ là tính cách của anh lại trái ngược với những gì mọi người cảm nhận: Hết sức nghiêm túc và sâu sắc, dù với sự nghiệp phim ảnh hay kinh doanh.

Diễn viên Quốc Trường: Kinh doanh giỏi, đóng phim hay
Diễn viên Quốc Trường.

Có thể nói, 2019 là năm huy hoàng nhất trong cuộc đời Quốc Trường, dù với tư cách diễn viên hay với tư cách một doanh nhân – nhà sáng lập mì cay Sasin.

Bộ phim “Về nhà đi con” do anh thủ vai thứ chính trở thành một hiện tượng có một không hai trong lịch sử phim ảnh Việt Nam, nó không những trở thành ‘bộ phim quốc dân’ nhà nhà người người đều xem, mà nó còn được giới truyền thông quan tâm một cách thái quá, khi họ theo sát từng tập phim cũng như nhất cử nhất động của các diễn viên trong phim.

Trong dàn diễn viên nam, Quốc Trường là người nhận được nhiều sự quan tâm nhất, không chỉ vì anh trẻ tuổi đẹp trai diễn xuất hay mà còn vì sự nghiệp kinh doanh rực rỡ - khác biệt nhất nhì giới nghệ sỹ. Sau khi bộ phim đóng máy, anh đã tổ chức nhiều buổi họp fan offline và có rất nhiều khán giả trẻ - nhất là các thiếu nữ tham dự, chẳng khác gì buổi họp fan của các idol Hàn Quốc.

Với việc là người “thai nghén” ra Sasin – chuỗi mì cay phong cách Hàn Quốc lớn nhất Việt Nam, cùng hình thức nhượng quyền từ rất sớm, có lúc chuỗi Sasin lên con số 100 cửa hàng, trải dài từ Nam đến Bắc; cho tới thời điểm này, anh chính là diễn viên kinh doanh giỏi nhất và doanh nhân đóng phim hay nhất Việt Nam.

Diễn viên kinh doanh giỏi

Trong giới showbiz Việt và cả thế giới, nghệ sỹ đi kinh doanh không hiếm, có người thành công có người thất bại, nhưng hầu hết giới nghệ sỹ thường đi kinh doanh khi bản thân đã có những chỗ đứng nhất định cũng như hay làm những thứ liên quan mật thiết đến giới showbiz như thời trang, thẩm mỹ viện, mỹ phẩm, thực phẩm tốt cho sức khỏe… để tận dụng những mối quan hệ trong ngành cũng như lượng khách hàng có sẵn trong giới.

Trong khi đó, con đường kinh doanh của Quốc Trường lại phát triển theo chiều hướng ngược lại, anh dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh cùng thời điểm chập chững vào nghề diễn viên cũng như lĩnh vực thoạt trông chẳng liên quan gì đến giới showbiz hào nhoáng – mì cay 7 cấp độ.

Theo chia sẻ của Quốc Trường, nguyên do đầu tiên khiến anh nhảy vào mảng mì cay là bởi lời rủ rê của bạn bè cũng như sẵn có máu thích buôn bán trong người. Cách đây 3 năm, một người bạn làm nghề đầu bếp trong nhóm của anh sáng tạo ra món mì cay 7 cấp độ theo phong cách Hàn Quốc nhưng lại không có vốn để mở quán. Biết chuyện, Quốc Trường cùng 2 người bạn nữa trong nhóm đã đứng ra hùn tiền mở quán, để bán món mà người bạn đã sáng tạo, rồi đặt tên là Sasin.

Mặc dù không nói ra, nhưng đây còn có thể là phương án dự phòng của Quốc Trường nếu nhỡ đâu anh không thành công với nghề diễn viên. Vì như chúng ta biết, dù đã xuất đạo được khoảng 10 năm và được đánh giá là một diễn viên có thực lực, nhưng phải đến bây giờ, cái tên Quốc Trường mới ‘bạo phát’ và được rất nhiều người Việt Nam cũng như khu vực biết đến. Thêm nữa, nghề diễn viên không phải là nghề kiếm được quá nhiều tiền, nếu không quá nổi tiếng.

Lúc đó, như thú nhận của Quốc Trường, chẳng ai trong số những người bạn của anh và ngay cả chính bản thân anh lại có thể tưởng tượng được sự lớn mạnh của Sasin như ở thời điểm hiện tại. Nhưng bằng sự đoàn kết đồng lòng của bộ tứ nói trên cộng với quyết định táo bạo nhưng sáng suốt của ban lãnh đạo startup này – cho nhượng quyền ngay từ khi Sasin có chút tiếng tăm, đã giúp Sasin đi nhanh và đi xa như thế.

Quốc Trường chia sẻ ‘bí quyết’ thành công khi nhượng quyền Sasin:

“Sẽ có hai lựa chọn: một là nhượng quyền đi nhanh nhưng kiểm soát chất lượng khó và hai là chậm mà chắc.

Nếu như mình đi tiên phong, nhưng số lượng cửa hàng ít hơn người ta, thì nhiều khi bị lãng quên, người ta cứ nghĩ thương hiệu nào có nhiều cửa hàng nhất mới là người đi đầu tiên. Nếu Sasin cứ chậm mà chắc, đến khi đánh tới những vùng đất mới như Hà Nội, Đà Lạt, Huế thì người ta đã ăn những thương hiệu khác và họ quen với khẩu vị của những thương hiệu đó, nghĩ rằng đó mới là vị của mì cay chứ không phải như Sasin.

Theo đó, chúng tôi phải nhượng quyền thương hiệu để mở rộng và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, rồi sau đó mới quay lại kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn.

Sasin kiểm soát chất lượng thực phẩm bằng cách cung cấp cho toàn hệ thống mì, nước lèo, kim chi và cá viên chiên. Cái gì có thể tự làm được chúng tôi sẽ tự làm. Sasin có một nhà máy sản xuất mì và xưởng sản xuất kim chi, cá viên chiên và nước lèo. Những loại hải sản và rau chủ quán sẽ tự cung cấp thì chẳng nhẽ họ lại đi mua đồ ôi thiu?

Diễn viên Quốc Trường: Kinh doanh giỏi, đóng phim hay
Diễn viên Quốc Trường tại nhà hàng mì cay Sasin.

Chủ quán sẽ quản lý nhân viên, rồi trong từng vùng sẽ có quản lý vùng và những quản lý vùng đó sẽ có người của Sasin giám sát. Người giám sát đó sẽ chịu sự quản lý của 3 thành viên sáng lập. Sasin còn có những tổ đi kiểm tra đột xuất, trà trộn vào quán “giả vờ” làm khách hàng. Ví dụ, họ đi ăn chơi sau đó chụp hình đưa lên: ‘Trường ơi, mình thấy quán này có vấn đề à nha’. Sasin sẽ đưa ra quyết định: Yêu cầu chủ quán phải chấn chỉnh, nếu để xảy ra lần 2, Sasin sẽ chấm dứt hợp tác”.

Những tưởng Quốc Trường đã rất hài lòng với những thành tựu mà mình có cùng Sasin, nhưng không, anh nói rằng, mình muốn món mì cay Sasin sẽ trở thành một món ăn quốc dân như Phở. Anh muốn rằng, nó sẽ nằm trong top 5 sự lựa chọn của các gia đình Việt Nam dùng để thay thế nếu người ta không nấu cơm. Chắc chắn mì cay không thể bằng phở, nhưng Quốc Trường muốn nó sẽ tiệm cận với hủ tiếu hoặc vượt qua hủ tiếu. Khi người ta ngán phở sẽ chuyển sang ăn mì cay!

Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng kể trên, Quốc Trường và những người sáng lập còn lại đang trong quá trình tái cơ cấu lại Sasin.

“Chúng tôi sẽ tự mở khoảng 40% và còn 60% nhượng quyền, nhưng sẽ nhắm đến nhượng quyền cho những người ở tầng lớp khác. Tức là, mì cay Sasin sẽ được nâng cấp lên, những người nhượng quyền mới này sẽ có tư duy và tài chính tốt hơn. Sau khi mì cay Sasin đã chinh phục được tầng lớp bình dân, chúng tôi muốn nó tiếp tục chinh phục tầng lớp trung lưu, thượng lưu khó tính, tức là 98 người còn lại chưa ăn mì cay. Tức là phân khúc khách hàng của Sasin sẽ được nở ra. Người ta thường nói là “nồi nào úp vung nấy”, tôi hy vọng sau khi nâng cấp mì cay Sasin thì khách hàng của Sasin cũng được nâng cấp”, Quốc Trường chia sẻ.

Thế nên, dạo gần đây, chúng ta đã thấy không ít cửa hàng Sasin liên tục khai trương ở những địa điểm to đẹp ở mặt tiền các đường phố lớn hoặc trung tâm thương mại, chứ không nằm thu mình ở những ngõ nhỏ - phố nhỏ như trước kia. Ngoài quy mô và vị trí, phong cách thiết kế của quán cũng thay đổi đáng kể so với trước đây, khi nội thất trong quán được bài trí sáng sủa – sạch sẽ - sang chảnh và có gu hơn trước đây.

Đồng thời, menu cũng Sasin đã được nâng cấp lên một tầng mức mới khi sử dụng các nguyên liệu cao cấp như bò Mỹ, tôm càng, hải sản tươi sống và đặc biệt là có thêm nhiều món mới ngoài mì – lẩu hải sản, lẩu Tomyum, cơm trộn, bò bít tết… Quả thật, Quốc Trường và Sasin đã không ‘nói chơi’ khi có ý định tấn công vào phân khúc trung và cao cấp!

Sau vài tháng “điên cuồng” chấm dứt hợp đồng với nhiều đối tác, làm hợp đồng mới với các đối tác khác cũng như tự mình mở quán, hiện Sasin còn lại khoảng 50 cơ sở, giảm một nửa so với cách đây chưa lâu.

“Như mọi mô hình chuỗi F&B khác, trong 3 năm đầu Sasin cũng tập trung sinh sôi nảy nở, 2 năm tiếp theo sẽ thanh lọc và chuyển đổi vị trí. Đó là chiến lược của chúng tôi trong 5 năm đầu tiên làm Sasin”, Quốc Trường giải thích vì sao họ lại quyết định “lột xác” trong thời điểm này.

Với những chuyển biến hiện tại của Sasin, chẳng biết thương hiệu này sẽ đi đến đâu, nhưng dù sao Quốc Trường và các founder của Sasin vẫn còn thể hiện được sắc nét tinh thần của startup: dám nghĩ, dám làm.

Doanh nhân đóng phim hay nhất Việt Nam

Trong kinh doanh anh dũng cảm và táo bạo bao nhiêu, thì ở lĩnh vực phim ảnh, Quốc Trường cũng dũng cảm và táo bạo như thế.

Ngay bộ phim đầu tay “Hạnh phúc có thật”, anh đã nhận đóng vai Vinh – chàng trai trẻ có mối quan hệ yêu đương tay ba với một người phụ nữ và một người đồng tính nam lớn tuổi. Tiếp theo, trong bộ phim giúp anh được nhiều khán giả miền Nam biết đến là “Gạo nếp gạo tẻ”, Quốc Trường cũng đóng vai khá ác khi dụ dỗ nhân vật chính tên Hân ngoại tình sau đó lừa tiền người yêu và còn bắt cóc Hân để tống tiền. Đến nhân vật Vũ trong “Về nhà đi con”, dù không phải là người ác nhưng Vũ đúng là một “trai hư” chính hiệu.

Mặc dù luôn trân trọng nghiệp diễn, nhưng với sự thành công của Sasin, dường như Quốc Trường xem diễn xuất là niềm vui, thỏa mãn đam mê của bản thân hơn là để kiếm tiền; nên anh hầu như không bằng mọi cách phải đóng vai chính mới nhận phim hay giữ gìn hình tượng, vì như chúng ta thấy ở trên, những vai diễn giúp anh thành danh đều không phải là kép chính sạch đẹp.

“Đóng ‘Về nhà đi con’ là lần thứ hai tôi ra Bắc diễn. Lần đầu tiên tôi ra Bắc là đóng cho một bộ phim tư nhân của một tập đoàn, cách đây đã 9 năm.

Về cơ duyên, việc nhận phim là có quá nhiều yếu tố đưa đẩy. Bên VFC trực tiếp gọi điện mời tôi tham gia dự án. Tôi không thể nhận phim khi phải ở ngoài Bắc nửa năm trời như vậy được, công việc của tôi trong Nam còn quá chừng. Có thể nói, việc tôi nhận phim này ngoài nội dung kịch bản còn liên quan đến chuyện kinh doanh.

Lúc đó, hệ thống ngoài Bắc của Sasin khoảng 20 quán và đang gặp nhiều vấn đề, nên tôi muốn cải tổ lại. Chúng tôi muốn xây dựng tất cả lại. Tôi muốn ra Bắc để thanh lọc chi nhánh nào đã xuống cấp hoặc không hợp tác được nữa. Tôi sẽ trả cọc, để tự mở và phải mở chỉn chu và lớn, giống như Golden Gate. Tôi đang học theo Golden Gate chứ tất nhiên mình không thể bằng họ được. Bên Golden Gate có quỹ đầu tư, còn mình phải tự thân vận động.

Đó là một trong những yếu tố để tôi nhận phim. Nếu tôi ra Bắc mấy tháng và không đóng phim thì sẽ bị cuốn theo việc ăn nhậu. Với nữa, chẳng nhẽ tôi cứ ngày bay ra rồi ngày bay vô?

Thời gian làm việc tuy không nhiều, nhưng lại cần sự lâu dài, chứ đâu ra Bắc một lần nói chuyện là được việc. Thế nên, cái chuyện tôi nhận phim hợp lý lắm. Ngày đi quay tôi làm việc, những người rủ tôi nhậu, tôi sẽ bảo mình bận đóng phim rồi, có cớ để từ chối. Không thì chết (cười), bởi mọi người ngoài Bắc rất quý tôi.

Thế nên, tôi nằm mơ cũng không nghĩ là nó sẽ nổi đình nổi đám cỡ đó! Lúc mới đầu nhận phim cứ nghĩ là mình ra Bắc lo chuyện Sasin và có thêm công việc để làm, được gặp gỡ khán giả ở đây, chỉ vậy thôi. Giống như cuộc đời em được sắp đặt thật tròn trịa để phải nhận phim đó vậy”, Quốc Trường từng thổ lộ về cơ duyên đến với đoàn phim “Về nhà đi con” như thế.

Sau rất nhiều năm kinh doanh, bây giờ Quốc Trường không còn tư duy của một nghệ sỹ hay diễn viên mà là tư duy của một doanh nhân. Anh không chỉ tận dụng triệt để danh tiếng từ bộ phim “Về nhà đi con” để thu lại một lượng người hâm mộ khổng lồ, hiện tại Facebook của anh đã có gần 467 ngàn người theo dõi hay tô đậm thêm danh tiếng của Sasin trong lòng thực khách mà anh còn vừa ra kênh nấu ăn riêng với sự tài trợ của nhãn hàng Chinsu và Seoul Spa tên là “Vào bếp đi con”.

Trong con người Quốc Trường, có lẽ phần nghệ sỹ và phần doanh nhân đã trộn lẫn với nhau, không còn phân biệt rõ ràng, anh sẽ thấy cơ hội đóng phim thông qua kinh doanh và thấy cơ hội kinh doanh thông qua đóng phim!