Doanh nghiệp cần làm gì khi quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm?

Hường Hoàng - 07:56, 13/07/2022

TheLEADERKhi một tài sản trí tuệ càng có giá trị, thì khả năng tài sản đó bị các doanh nghiệp khác lợi dụng và xâm phạm càng cao. Vậy các doanh nghiệp thường có chiến lược như thế nào để ngăn chặn các bên khác xâm phạm sở hữu trí tuệ của mình?

Doanh nghiệp cần làm gì khi quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm?
Doanh nghiệp có nhất thiết phải khởi kiện khi bị vi phạm sở hữu trí tuệ (Pháp lý khởi nghiệp - Thư viện pháp luật)

Mặc dù đã cố gắng hết sức để ngăn chặn, nhưng vẫn có người bắt chước, sao chép hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vậy doanh nghiệp phải làm gì? Các biện pháp của doanh nghiệp là gì? Doanh nghiệp có cân nhắc đến chi phí và lợi ích của các phương án không? Hay chỉ đơn thuần là chạy đến tòa?

Đánh giá kỹ lưỡng về trường hợp xâm phạm

Trước khi quyết định biện pháp, nhìn chung doanh nghiệp nên xác định xem người xâm phạm là ai (là nhà sản xuất, nhà phân phối chính hay những người bán lẻ); xác định mức độ của vấn đề; cân nhắc xem liệu vấn đề này có khả năng gia tăng hay không. Và cuối cùng, nếu có thể, doanh nghiệp nên tính toán những thiệt hại trực tiếp và gián tiếp mà mình đã phải chịu hoặc sẽ phải chịu.

Khi đã biết được bản chất của vấn đề một cách rõ ràng, doanh nghiệp hãy tập trung cân nhắc những chi phí và lợi ích của biện pháp mà họ định xử lý. Tuy nhiên, khi bị xâm phạm quyền, doanh nghiệp cũng nên nhớ rằng đôi khi họ nên hành động càng nhanh càng tốt chứ đừng chờ đợi quá lâu.

Khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp có thể áp dụng những biện pháp sau.

Thứ nhất, nếu việc xâm phạm quyền không gây ra những thiệt hại đáng kể về thu nhập, lợi nhuận và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể ‘‘bỏ qua’’ những sự việc này.

Nếu hoạt động xâm phạm này đã hoặc có khả năng gây ra những ảnh hưởng đáng kể, doanh nghiệp cần phải tìm ra bên vi phạm chính càng nhanh càng tốt và xử lý chúng một cách có hệ thống và nhanh gọn nhất. Rõ ràng là, để xử lý những tình huống này, doanh nghiệp cần phải cân nhắc thận trọng về ưu điểm và nhược điểm của các biện pháp xử lý.

Doanh nghiệp cũng cần đánh giá về khả năng thắng kiện, thiệt hại và mức bồi thường hợp lý mà họ có thể nhận được từ bên vi phạm. Và nếu quyết định cuối cùng có lợi cho doanh nghiệp, doanh nghiệp nên đánh giá xem họ có thể sẽ trả bao nhiêu cho chi phí thuê luật sư.

Xử lý xâm phạm

Nếu một doanh nghiệp có tranh chấp với một doanh nghiệp mà họ đã ký hợp đồng (ví dụ, hợp đồng li-xăng) thì hãy kiểm tra xem trong hợp đồng có điều khoản về trọng tài và hòa giải hay không. Việc đưa ra các điều khoản đặc biệt vào trong hợp đồng đối với việc giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài và hòa giải có thể giúp doanh nghiệp tránh được những chi phí tố tụng tốn kém. Thậm chí đôi khi, ngay cả khi không có điều khoản trong hợp đồng hoặc không có hợp đồng, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp như trọng tài và hòa giải.

Khi thấy ai đó đang xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thuộc công ty mình, doanh nghiệp có thể xem xét việc gửi thư (thường được biết đến là ‘‘thư yêu cầu tạm dừng’’) cho bên có hành vi xâm phạm để thông báo cho họ về khả năng xung đột giữa quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của bên xâm phạm (xác định chính xác lĩnh vực mâu thuẫn) và đề xuất một giải pháp hợp lý cho vấn đề này.

Mọi người thường khuyên các doanh nghiệp nên tìm kiếm sự trợ giúp của luật sư khi viết thư "yêu cầu tạm dừng" nhằm tránh các vụ kiện do người bị cáo buộc vi phạm khởi xướng để phản đối đó là họ không thực hiện hoặc sắp thực hiện bất kỳ hành vi vi phạm nào. Trong trường hợp xâm phạm này không phải là xâm phạm quốc tế, cách này thường có hiệu quả vì trong hầu hết các trường hợp, kẻ xâm phạm quyền sẽ không tiếp tục thực hiện những hoạt động này hoặc đồng ý đàm phán một thỏa thuận li-xăng.

Xử lý hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ quốc tế

Khi doanh nghiệp gặp phải một hành vi xâm phạm quốc tế, cụ thể là bị làm hàng giả và hàng vi phạm bản quyền, doanh nghiệp có thể phải tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ quan thực thi pháp luật để đánh úp tại cơ sở kinh doanh của người xâm phạm quyền nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm và bảo vệ chứng cứ có liên quan. Hơn thế, các cơ quan tư pháp có thẩm quyền sẽ buộc người xâm phạm quyền phải thông báo cho doanh nghiệp về danh tính của các bên thứ ba có liên quan trong việc sản xuất và phân phối hàng hóa hoặc dịch vụ vi phạm, cũng như các kênh phân phối của họ.

Là lực lượng hữu hiệu ngăn chặn các hành vi vi phạm, các cơ quan tư pháp có thể ra lệnh tiêu hủy hoặc loại bỏ những hàng hóa vi phạm ra khỏi các kênh thương mại theo yêu cầu của doanh nghiệp, mà không phải cần bồi thường dưới bất kỳ hình thức nào.

Doanh nghiệp có thể tiến hành khởi kiên dân sự. Tòa án thường đưa ra một loạt chế tài nhằm đền bù cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm. Các chế tài này bao gồm việc đền bù thiệt hại, lệnh của tòa, lệnh kê khai lợi nhuận và lệnh giao nộp hàng hóa xâm phạm cho chủ sở hữu quyền. Pháp luật về sở hữu trí tuệ còn có các quy định về trách nhiêm hình sự đối với việc sản xuất và buôn bán hàng hóa xâm phạm. Hình phạt đối với hành vi xâm phạm có liên quan có thể là phạt tù hoặc phạt tiền.

Trong một trường hợp bất kỳ, khi xảy ra tranh chấp hoặc xâm phạm, trước khi chính thức khởi kiện, doanh nghiệp hãy tham vấn ý kiến của chuyên gia pháp lý về sở hữu trí tuệ nhằm đánh giá chính xác sao cho doanh nghiệp chọn được biện pháp xử lý thuận lợi nhất với chi phí thấp nhất. Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ với các cơ quan hải quan trên cơ sở nộp phí cũng là một hoạt động rất cần thiết trong trường hợp trên thị trường có các loại hàng giả nhãn hiệu hoặc hàng xâm phạm bản quyền đến từ quốc gia khác.