Động thái mở cửa bất ngờ của 'vua hàng hiệu’

Hứa Phương - 11:28, 13/06/2023

TheLEADERIPPG đang theo đuổi 45 dự án đầu tư trên cả nước.

Động thái mở cửa bất ngờ của 'vua hàng hiệu’
Chủ tịch IPPG Jonathan Hạnh Nguyễn kỳ vọng lớn vào TP. HCM

Vốn nổi tiếng là công ty gia đình chuyên phân phối hàng hiệu nhưng Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, đã suy nghĩ đến việc 'mở cửa', trở thành công ty đại chúng.

Ý định này được ông tiết lộ tại Hội nghị Đô thị văn hóa công nghiệp hội tụ được tổ chức tại TP. HCM mới đây với sự tham gia của các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam. Mục đích việc trở thành công ty đại chúng là giúp IPPG thu hút được nhiều nhà đầu tư, huy động nguồn lực tham gia đầu tư, phát triển các dự án của tập đoàn dự định triển khai trong thời gian tới. 

“Chúng tôi mong chờ, đón nhận sự hợp tác của các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Được biết, IPPG đang có 45 đề án dự định triển khai phạm vi cả nước. Trong đó, IPPG xác định TP. HCM được coi là địa điểm tập trung đầu tư trong thời gian tới với kỳ vọng thành phố hướng đến phát triển du lịch kết hợp mua sắm, trung tâm tài chính - thương mại để hút khách quốc tế.

Chủ tịch IPPG cho rằng TP. HCM cần có các cơ chế chính sách ưu đãi đột phá mang tính cạnh tranh quốc tế và nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 chuẩn bị được Quốc hội thông qua là hành lang pháp lý cần thiết. Do đó, ông đã đề xuất 8 đề án đột phá kinh tế cho thành TP.HCM.

Thứ nhất, là dự án đầu tư trung tâm tài chính. Chủ tịch IPPG cho rằng nền tài chính của thành phố là kênh dẫn vốn quan trọng cho cả nền kinh tế, trong khi nhu cầu nguồn lực để phát triển cho thành phố trong 25 năm tới là rất lớn. Hiện nguồn lực trong nước vẫn chưa đảm bảo, do đó nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài rất quan trọng.

Tuy nhiên, để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược có uy tín, cần có các cơ chế chính sách ưu đãi đột phá mang tính cạnh tranh quốc tế. 

Theo ý kiến của Công ty tư vấn luật và tài chính Shearman & Sterling, nếu phát triển trung tâm tài chính, TP.HCM sẽ có nhiều lợi ích. Thành phố sẽ quy tụ nhiều định chế tài chính hàng đầu thế giới, góp phần phát triển thị trường tài chính TP.HCM lên tầm khu vực và quốc tế, là kênh hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư công cho thành phố.

Trung tâm tài chính cũng sẽ tác động lan tỏa đối với cả nước, tạo hiệu ứng gia tăng độ hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư và phát triển hạ tầng, tạo các chuỗi cung ứng gắn với dịch vụ tài chính và các dịch vụ thương mại cao cấp khác.

Theo tính toán của nhóm tư vấn, trung tâm tài chính có thể giúp tăng thu ngân sách nhà nước từ 8-10%, thậm chí cao hơn tùy thuộc vào hoạt động của các nhà đầu tư trong trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam.

Thứ hai, khai thác hệ thống kinh doanh ngầm khu đô thị trung tâm. Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… không chỉ kinh doanh trên mặt đất mà đã có các trung tâm ngầm chuyên kinh doanh các cửa hàng miễn thuế, được kết nối với nhau bằng hệ thống hầm dưới lòng đất. Các trung tâm này đã và đang thu hút hàng chục triệu khách quốc tế đến mua sắm.

Ở Việt Nam, IPPG sẽ đưa vào kinh doanh cửa hàng miễn thuế tại Hà Nội, Đà Nẵng vào cuối năm nay, nếu có thêm cửa hàng miễn thuế ngầm dưới phố ở TP. HCM sẽ hỗ trợ liên kết với các tour du lịch để phát triển nguồn du khách ổn định cho thành phố, tạo cộng hưởng làm phát sinh nhu cầu và tăng mức tiêu dùng của khách du lịch đối với các dịch vụ khác như khách sạn, ăn uống, vận chuyển.

Thứ ba, dự án đầu tư khu trung tâm mua sắm cao cấp tại trung tâm thành phố. Để TP. HCM xứng tầm một thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước, Chủ tịch IPPG mong muốn mở rộng thêm các địa điểm mua sắm với những thương hiệu cao cấp tại trung tâm thành phố, như các khu mua sắm hàng hiệu đẳng cấp ở các nước Singapore, Milan ở Ý, Paris ở Pháp.

Ngoài ra, việc mở thêm các cửa hàng tại trung tâm thành phố cũng là yêu cầu của các thương hiệu đẳng cấp trước khi họ đồng ý cho IPPG mở các cửa hàng giảm giá của họ tại các khu Premium Outlets (khu mua sắm phi thuế quan).

Thứ tư, xây dựng dự án khu đô thị dịch vụ thương mại, phi thuế quan và công viên giải trí chuyên đề. Đây sẽ là nơi các du khách quốc tế và nội địa rất thích tìm đến khi đi du lịch để mua những món hàng hiệu cao cấp qua mùa với giá giảm từ 50-80%.

Còn công viên giải trí như Disneyland sẽ mang lại trải nghiệm và dịch vụ độc đáo cho du khách. Theo đánh giá của chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc), riêng khu Disneyland đem lại sự tăng trưởng 1,5% GDP và tổ hợp Marina Bay Sands đóng góp 2% GDP cho Singapore.

"Hiệu quả đã thấy rõ ràng, tại sao Việt Nam không làm khi cơ hội có trong tay?", ông Johnathan Hạnh Nguyễn đặt câu hỏi.

Thứ năm, xây dựng dự án khu đô thị tài chính và thương mại, ví đây như con đường hàng hiệu Orchard Road ở Singapore.

Do khu vực mua sắm hàng hiệu ở trung tâm thành phố có giới hạn trong việc mở rộng mặt bằng nên chủ tịch IPPG đề xuất đầu tư khu đô thị tài chính và thương mại tại TP. Thủ Đức. Khu đô thị này kết hợp với khu trung tâm tài chính Thủ Thiêm, tạo thành một tổng thể liên hoàn, phát triển đồng bộ theo định hướng quy hoạch của TP.Thủ Đức về dài hạn.

Thứ sáu, thực hiện chương trình hoàn thuế VAT. Ở các nước trên thế giới, việc hoàn thuế VAT cho du khách đã được đầu tư rất bài bản, là công cụ tích cực hỗ trợ việc kích cầu mua sắm cho du khách. Tại Việt Nam, hiện nay chỉ có IPPG và một vài doanh nghiệp tham gia chương trình hoàn thuế VAT do Tổng cục Hải quan phát động từ năm 2015, và việc hoàn thuế chưa mang lại sự thoải mái tối đa cho du khách.

Thứ bảy, dự án đầu tư tổng kho dịch vụ hậu cần logistics tại TP.Thủ Đức. Để hoàn thành mục tiêu TP.HCM trở thành thành phố thông minh, dịch vụ công nghiệp hiện đại thì việc phát triển một hệ thống vận chuyển hàng hóa một cách chuyên nghiệp trong thời đại kỷ nguyên số, thương mại điện tử và xuất nhập khẩu tăng cao như hiện nay là rất cần thiết.

Lãnh đạo IPPG cho biết đã đề xuất nghiên cứu đầu tư khu kho logistics tại TP.Thủ Đức và chuỗi kho trung tâm TP.Thủ Đức sẽ là một mắt xích trong chuỗi vận hành hệ thống vận chuyển của tập đoàn.

Thứ tám, dự án đầu tư chương trình giáo dục trí tuệ thông minh (AI). IPPG mong muốn lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo TP. HCM quan tâm, nghiên cứu và triển khai chương trình AI và robot để học sinh phổ thông các cấp sớm tiếp cận và trải nghiệm chương trình để phát triển kiến thức, tạo sự đam mê và định hướng nghề nghiệp. Chính nguồn nhân lực chất lượng cao này sẽ hỗ trợ, làm tăng tiềm lực và sức mạnh của thành phố trong việc phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững trong tương lai.

IPPG hiện là tập đoàn gia đình có 17 công ty thành viên, 18 công ty liên doanh liên kết. Đây là đơn vị phân phối chính thức của 92 thương hiệu toàn cầu trong lĩnh vực thời trang, đồ ăn, rượu. Hiện tại, các vị trí chủ chốt trong HĐQT của IPPG đều do thành viên gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn nắm giữ nên  ông còn được mệnh danh là "vua hàng hiệu" tại Việt Nam.

Ngoài chức vụ Chủ tịch IPPG, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn là Chủ tịch Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC); Chủ tịch Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO).