Dự báo tiềm năng thị trường Edtech Việt Nam năm 2023

Hương Giang - 13:16, 23/02/2023

TheLEADERVới số lượng học sinh, sinh viên lớn, độ phủ Internet cao, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng trong việc phát triển mảng công nghệ giáo dục (edtech) trong khu vực.

Dự báo tiềm năng thị trường Edtech Việt Nam năm 2023
Thị trường edtech của Việt Nam có thể đạt 3 tỷ USD năm 2023 (Ảnh: Tomoya Onishi)

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam có hơn 5 triệu trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo và mầm non, gần 18 triệu học sinh tiểu học, trung học cơ sở và hơn 1,7 triệu học sinh trung học phổ thông, chiếm gần 25% dân số cả nước.

Với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 44,3%, Việt Nam đang nằm trong top 10 thị trường giáo dục trực tuyến phát triển nhanh nhất toàn cầu. Theo Báo cáo khởi nghiệp của Nextrans, trong giai đoạn 2019-2023, thị trường edtech của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ khoảng 20,2% và có khả năng đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2023.

Thị trường công nghệ giáo dục của Việt Nam bắt đầu phát triển khi nhu cầu học trực tuyến của học sinh tăng nhanh. Trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng của các công ty giáo dục trực tuyến có thể lên tới hơn 150%. Không còn phát triển mạnh mẽ như trong thời kỳ đại dịch COVID-19, hiện tại, thị trường edtech vẫn còn nhiều dư địa phát triển.

Từ năm 2021, các startup edtech của Vietnam bắt đầu cất cánh, đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ của phụ huynh và học sinh về các dịch vụ giáo dục sáng tạo, hiệu quả so với mô hình giáo dục truyền thống. Đây cũng là bước đệm vững chắc giúp Việt Nam chuẩn bị nguồn nhân lực cần thiết và duy trì sức hút với các tập đoàn nước ngoài trong 10 năm tới.

Mặc dù số lượng thương vụ và tổng giá trị đầu tư vào edtech Việt Nam năm 2022 thấp hơn nhưng năm 2022 vẫn đánh dấu kỷ lục đầu tư cao thứ hai với nhiều tín hiệu tích cực.

Trong năm 2022, các công ty khởi nghiệp công nghệ giáo dục Việt Nam đã nhận được 8 khoản đầu tư với tổng số tiền là 46,8 triệu USD vào năm 2022. So với các năm trước, giá trị đầu tư năm 2022 thấp hơn mức đỉnh của năm 2021 (158 triệu USD) nhưng vẫn cao hơn so với năm 2020 và 2019.

Dự báo tiềm năng thị trường Edtech Việt Nam năm 2023
Số thương vụ và tổng giá trị số vốn đầu tư vào Edtech qua các năm (Nguồn: Nextrans analysis)

Năm 2021, tổng vốn đầu tư vào edtech chủ yếu đến từ 2 thương vụ vào các startup phát triển ở giai đoạn sau (bao gồm EQuest 100 triệu USD và Elsa 15 triệu USD). Trong khi đó, tổng vốn đầu tư năm 2022 lại chủ yếu đến từ các startup mới nổi giai đoạn trước (Edupia, Marathon, Vuihoc, Azota,..). Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy sự phát triển nhanh chóng của một thế hệ startup mới sau đại dịch covid 19.

Động lực tăng trưởng chính ngành công nghệ giáo dục

Tăngchi tiêu cho giáo dục 

Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức chi cho giáo dục đào tạo cao hàng đầu thế giới. Theo Bain & Company, trung bình một gia đình Việt Nam dành khoảng 20% thu nhập khả dụng cho hoạt động giáo dục con cái, so với mức 6-15% ở các nước Đông Nam Á khác, thuộc hàng cao nhất thế giới và chỉ đứng sau Malaysia ở Đông Nam Á.

Theo Tổng cục thống kê, chi tiêu hàng năm cho giáo dục đã tăng 2,3 lần trong thập kỷ qua, đạt 7,1 triệu đồng/học sinh vào năm 2020 và ước tính tăng lên 7,3 triệu đồng/học sinh vào năm 2021. Theo báo cáo của Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Việt Nam, Việt Nam đã chi 4,9% GDP cho giáo dục trong giai đoạn 2011-2020.

Về GDP, mức chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam đạt 4,9%, cao hơn các nước láng giềng như Campuchia (1,9%), Singapore (2,9%) và Lào (3,3%).

Dự báo tiềm năng thị trường Edtech Việt Nam năm 2023 1
Tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục tính trên GDP trong giai đoạn 2011-2022 (Nguồn: Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Việt Nam)

Tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng edtech

Ở Việt Nam, tỷ lệ số lượng học sinh trên một giáo viên cao hơn nhiều so với các quốc gia như Singapore và Malaysia. Điều này có thể đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó việc thiếu đầu tư cho giáo dục cũng như cơ sở hạ tầng (nhất là khu vực nông thôn) là lí do chính. Trong lĩnh vực này, ngoài bản thân doanh nghiệp edtech nhận được các khoản đầu tư, cơ sở hạ tầng edtech cũng nhận được những khoản đầu tư lớn.

Dự báo tiềm năng thị trường Edtech Việt Nam năm 2023 2
Tỷ lệ số lượng giáo viên trên một sinh viên tại các quốc gia Đông Nam Á năm 2019 (Nguồn: UNESCO)

Dự kiến, cuối năm 2023, tỷ lệ sử dụng Internet tại Việt Nam sẽ tăng lên 75%, tạo điều kiện cho việc mở rộng thị trường công nghệ giáo dục. Với tỷ lệ sử dụng internet trên 70%, xu hướng giáo dục trực tuyến được dự đoán sẽ vẫn ở mức cao.

Thêm vào đó, chi phí internet cũng đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của EdTech trong khu vực. Chi phí trên mỗi Gigabyte ở Việt Nam so với thu nhập tương ứng của người dân tương đối thấp và do đó khả năng người dân có thể tiếp cận việc học trực tuyến cao lên.

Định hướng dài hạn của Chính phủ

Vào tháng 7 năm 2021, chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 áp dụng hình thức đào tạo trực tuyến tại 90% trường đại học, 80% trường trung học phổ thông và cơ sở dạy nghề. Điều này sẽ giúp Việt Nam chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao hơn đối với nhu cầu trong tương lai, đặc biệt là đào tạo các kỹ năng số.

Với những nỗ lực trên, chỉ trong 12 tháng năm 2021, gần 80% học sinh Việt Nam đã áp dụng phương pháp học trực tuyến do chính sách giãn cách xã hội. Trong thời gian này, Việt Nam đứng thứ 17/200 quốc gia ứng dụng công nghệ thông tin, kịp thời ứng phó với đại dịch.