Dữ liệu - "Nhiên liệu" thúc đẩy kinh tế toàn cầu

Hường Hoàng - 10:04, 28/11/2022

TheLEADERBạn ăn gì sáng nay? Bạn cao bao nhiêu? Lần cuối cùng bạn mua sắm trực tuyến là khi nào?... Dữ liệu xuất hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống của chúng ta, vậy chính phủ các nước cần làm gì để có thể điều chỉnh dữ liệu một cách phù hợp?

Dữ liệu - "Nhiên liệu" thúc đẩy kinh tế toàn cầu
Dữ liệu - một trong những nguồn nhiên liệu quan trọng làm khởi chạy nền kinh tế tương lai (Ảnh: Verdict)

Trong vài năm qua, khả năng lưu trữ và phân tích dữ liệu của con người đã tăng lên theo cấp số nhân. Điều đó đặt ra những câu hỏi phức tạp như: làm thế nào để định giá, khai thác, chia sẻ dữ liệu một cách an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, những quyền nào liên quan đến dữ liệu cần được công nhận và bảo vệ?

Đây là một số chủ đề thảo luận trong phiên thứ tư, hội nghị WIPO Conversation về sở hữu trí tuệ và những công nghệ tiên tiến, diễn ra vào tháng 9 năm 2021. Những công nghệ đó bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật (IoT) và người máy. Theo ước tính, đây sẽ là thị trường trị giá 3,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Hơn 1.600 người từ 130 quốc gia đã đăng ký tham gia phiên họp. Năm giờ thảo luận trong phiên họp xoay quanh vấn đề bảo vệ và quản lý dữ liệu, vai trò của sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cách cân bằng quyền truy cập và kiểm soát, cũng như những ứng dụng của dữ liệu trong nghiên cứu và kinh doanh.

Có thể thấy ứng dụng của dữ liệu rất đa dạng, từ việc sử dụng AI để tạo ra âm nhạc cho đến việc theo dõi hành vi của những con ong trong tổ để bảo vệ loài ong khỏi tuyệt chủng.

Phát biểu trong cuộc họp, Tổng giám đốc WIPO Daren Tang cho biết đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình số hóa. Dự kiến, năm 2023 ​​sẽ có đến 43 tỷ thiết bị mới kết nối Internet vạn vật và hơn 1 triệu thuê bao 5G đăng ký mới mỗi ngày.

Dữ liệu: Nhiên liệu thúc đẩy kinh tế toàn cầu
Ông Daren Tang, Tổng giám đốc WIPO, phát biểu trong hội nghị (Ảnh: WIPO/Berrod)

Ông Tang nhận định: “Nếu số hóa là động cơ của nền kinh tế tương lai, thì dữ liệu chính là nhiên liệu. Khả năng kết nối ngày càng tăng và dữ liệu đang thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ tiên tiến. Trong một thế giới có tính liên kết cao, điều quan trọng là chúng ta hiểu được bản chất của dữ liệu và giá trị của nó.”

Giá trị của dữ liệu

Nói về giá trị nổi bật của dữ liệu, ông Dean Jolliffe, nhà kinh tế trưởng thuộc Nhóm Dữ liệu Phát triển của Ngân hàng Thế giới, cho biết: “Dữ liệu, vượt xa AI trong một thế giới hoàn toàn kết nối”.

Năm 1999, cơn bão BOB 06 tàn phá bang Odisha của Ấn Độ đã giết chết gần 10.000 người. Các cơ quan quản lý thảm họa nhà nước được giao nhiệm vụ thu thập, đánh giá và phân tích dữ liệu thời tiết của sự kiện này.

Và sau đó, khi một cơn bão có quy mô tương tự tấn công Odisha vào năm 2013, nhờ vào hệ thống dữ liệu được tập hợp trước đó, hơn 1 triệu người đã sơ tán thành công và hàng nghìn người đã được cứu sống.

Ông Jolliffe cho biết, trường hợp của bang Odisha cho thấy khi áp dụng một cách nghiêm ngặt, giá trị của dữ liệu sẽ tăng lên: “Bằng cách xây dựng một hệ thống khiến dữ liệu trở nên dễ truy cập và dễ tương tác, với những phát kiến có thể được truyền đi một cách dễ dàng và kịp thời, dữ liệu sẽ trở nên vô giá”.

Với những thiết bị và cảm biến thông minh đang phổ biến hiện nay, dữ liệu có thể làm thay đổi mọi khía cạnh của doanh nghiệp và xã hội. Trong đó, theo bà Aruba Khalid, Nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại quỹ Dubai Future Foundation ở UAE: “Mục đích và quy mô áp dụng sẽ có tầm ảnh hưởng mang tính quyết định giá trị của dữ liệu”.

Chẳng hạn, với mục đích điều chỉnh hoạt động kinh doanh và tối ưu hóa chi phí, nhiều doanh nghiệp và tổ chức đã sử dụng dữ liệu rất hiệu quả. Ví dụ, nhà sản xuất máy bay Airbus đã cắt giảm thời gian giao hàng của nhà cung cấp từ vài tuần xuống chỉ còn vài giờ bằng cách chia sẻ dữ liệu thiết kế và kỹ thuật.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng dữ liệu để tạo ra các sản phẩm phù hợp hơn với người dùng (chẳng hạn như Amazon, Netflix và Facebook), hay tạo ra những lĩnh vực hoàn toàn mới, chưa từng xuất hiện trước đây (như các ngành dựa vào dữ liệu vệ tinh và y học cá nhân hóa).

Giá trị tư nhân và giá trị xã hội

Những ví dụ trên cho thấy các sản phẩm sáng tạo thường được tạo nên từ những dữ liệu kết hợp từ nhiều nguồn khác nhau. Và việc ngăn chặn hoạt động chia sẻ dữ liệu sẽ khiến cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra không hiệu quả.

Theo bà Diane Coyle, Giáo sư về Chính sách công Bennett tại Đại học Cambridge ở Anh, việc chia sẻ dữ liệu là rất cần thiết, và không chỉ thế, một số dữ liệu nên được chia sẻ miễn phí.

Ngoài giá trị kinh tế, dữ liệu còn mang giá trị xã hội. Tuy vậy, giá trị xã hội là một giá trị rất khó để lượng hóa, đồng thời cũng khó thu hút các nhà đầu tư tư nhân. Và vì lý do đó, trong một thời gian dài, chính phủ các nước đã cung cấp các dữ liệu như số liệu thống kê quốc gia như một loại hàng hóa công.

Giáo sư Coyle nhận định: “Can thiệp chính sách có thể tạo ra những giá trị tốt đẹp hơn, bởi có những giá trị xã hội mà các công ty tư nhân và cá nhân không thể nắm bắt được”.

Trong khi đó, bà Caroline Wanjiru Muchiri, công tác tại Trung tâm Luật Công nghệ Thông tin và Sở hữu Trí tuệ, Đại học Strathmore ở Kenya, nhấn mạnh rằng các quốc gia khác nhau sẽ có mức độ chia sẻ dữ liệu khác nhau.

Ví dụ, ở một số quốc gia châu Phi, việc cung cấp dịch vụ công phụ thuộc vào khả năng truy cập dữ liệu. Trong khi đó, ở nơi đây, các tổ chức như tổ chức tôn giáo và cơ quan nhân đạo là bên nắm giữ khối lượng lớn các dữ liệu quan trọng.

Giáo sư Jiro Kokuryo, Khoa Quản lý Chính sách tại Đại học Keio, Nhật Bản lại đặt ra câu hỏi rằng liệu cách tiếp cận dữ liệu theo kiểu phương Tây có phù hợp với các quốc gia châu Á hay không. Bởi trong văn hóa của các quốc gia châu Á, tính cộng đồng sẽ quan trọng hơn tính cá nhân, vì vậy dữ liệu có thể sẽ đạt giá trị cao nhất khi thuộc về toàn xã hội.

Ông nói: “Chúng tôi đề cao sự hài hòa và tôn trọng cộng đồng, thay vì quyền sở hữu của mỗi cá nhân. Vì vậy, chúng ta cần suy nghĩ về đặc tính văn hóa của nền kinh tế kỹ thuật số”.

Tính cấu trúc và tương tác của dữ liệu

Tổng giám đốc WIPO Tang cho biết chỉ trong hai năm qua, loài người đã tạo ra 90% tổng lượng dữ liệu trên toàn thế giới. Và mỗi ngày lượng dữ liệu được tạo ra lớn hơn 2.500 lần so với lượng dữ liệu được lưu trữ trong Thư viện Anh.

Tuy nhiên, quy mô khổng lồ của dữ liệu đặt ra thách thức: làm sao để chúng ta có thể xác định được đâu là các dữ liệu liên quan đến nhau và làm cách nào để có thể thúc đẩy khả năng tương tác, đảm bảo tính công bằng và toàn diện, đồng thời giảm thiểu sự thiếu hiệu quả trong việc chia sẻ dữ liệu?

Giáo sư Coyle cho biết bối cảnh dữ liệu là điều vô cùng quan trọng. Dữ liệu y tế có thể rất hiệu quả trong việc chẩn đoán hoặc dự đoán bệnh khi và chỉ khi nó được kết hợp với các thông tin khác. Thêm vào đó, một số dữ liệu có thể giữ nguyên giá trị ngay cả sau khi được sử dụng, nhưng một số dữ liệu (như dữ liệu về giao thông hoặc thời tiết) có thể giảm giá trị rất nhanh.

Hiểu biết chi tiết về dữ liệu, đồng thời xem xét bối cảnh dữ liệu, xây dựng dữ liệu có cấu trúc sẽ khiến quá trình khai thác và chia sẻ dữ liệu trở nên hiệu quả hơn.

Trong bài phát biểu của mình, Kung-Chung Liu, Giáo sư Luật tại Đại học Quản lý Singapore, đã đề xuất một tiêu chuẩn thống nhất về định dạng dữ liệu để có thể thúc đẩy giao dịch dữ liệu nội địa xuyên biên giới.

Ma trận quy định

Những cuộc thảo luận về việc giao dịch và chia sẻ dữ liệu đã đặt ra các câu hỏi khó về cách xác định, phân loại và quản lý dữ liệu. Chẳng hạn những câu hỏi về bảo mật, đạo đức, quyền riêng tư, quyền sở hữu và các vấn đề khác liên quan đến dữ liệu.

Nhiều khu vực đã đặt ra những thỏa thuận để giải quyết các vấn đề này. Nhiều thỏa thuận trong số đó liên quan đến các quyền cơ bản của con người.

Kể từ khi Internet phát triển, các thỏa thuận và quy định rất chú trọng việc bảo vệ quyền riêng tư đối với những dữ liệu nhạy cảm. Ngày nay, quyền riêng tư tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của nhiều nhà lập pháp trong bối cảnh lo ngại về vi phạm an ninh, tôn trọng tính bảo mật và mất kiểm soát dữ liệu cá nhân.

Dữ liệu: Nhiên liệu thúc đẩy kinh tế toàn cầu 1
Trên thế giới vẫn còn nhiều quy định chồng chéo, vướng mắc trong luật định về dữ liệu (Ảnh: utah778 / iStock / Getty Images Plus)

Tuy vậy, theo giáo sư Coyle, việc tập trung quá nhiều vào quyền riêng tư cũng khiến chúng ta bỏ lỡ một số giá trị sử dụng của dữ liệu. Vấn đề này cần phải có câu trả lời.

Cụ thể, các nhà lập pháp có thể đưa ra những quy định về việc các dữ liệu nhạy cảm hay dữ liệu cá nhân chỉ được sử dụng cho một số mục đích cụ thể, đồng thời thiết lập những nguyên tắc về công bằng và nhân phẩm khi sử dụng những loại dữ liệu này.

Dù giải pháp nào được áp dụng, dữ liệu phải được theo dõi để đảm bảo tính toàn vẹn. Khi giải quyết những vấn đề này, các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ nên xem xét kĩ động lực thúc đẩy việc sử dụng các dữ liệu đó.

Sau khi đã tham vấn những ý kiến ​​đóng góp của các bên liên quan và các quốc gia thành viên, vào tháng 11 năm 2021, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Khuyến nghị đạo đức về trí tuệ nhân tạo.

Khuyến nghị bao gồm 10 nguyên tắc để đảm bảo rằng “việc phát triển và sử dụng công nghệ AI được định hướng dựa trên nghiên cứu khoa học cũng như hoạt động phân tích và đánh giá đạo đức”. Khuyến nghị này cũng đề cập đến quyền riêng tư, hoạt động chia sẻ và quản trị dữ liệu.

Quyền sở hữu trí tuệ phù hợp

Hầu hết các loại dữ liệu không hoàn toàn phù hợp với các khung pháp lý hiện hành.

Như ông Bret Hrivnak, công tác tại Hiệp hội bảo vệ sở hữu trí tuệ quốc tế (AIPPI), đã nói: Quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ “những sáng tạo trí óc” nhưng hầu hết dữ liệu đều không mang tính sáng tạo. Bằng sáng chế có thể bảo vệ các quy trình sử dụng dữ liệu hoặc cách dữ liệu được tạo ra, chứ không bảo vệ bản thân dữ liệu.

Luật bản quyền có thể bảo vệ một số loại dữ liệu nhưng đó thường chỉ là những dữ liệu có cấu trúc và mang tính nguyên bản. Vì vậy, theo ông Hrivnak: “Trong trường hợp các quyền sở hữu trí tuệ bị hạn chế, giải pháp thay thế là bí mật thương mại và luật hợp đồng.

Bà Elisabeth Kasznar Fekete, luật sư cao cấp của văn phòng sở hữu trí tuệ Kasznar Leonardos ở Brazil cho biết, bí mật thương mại có thể giúp các doanh nghiệp, tổ chức bảo vệ dữ liệu một cách linh hoạt. Bà cũng cho biết thêm rằng “một hợp đồng chính xác” sẽ có những quy định cụ thể hơn so với luật sở hữu trí tuệ và việc cấp phép sử dụng dữ liệu.

Bà cho rằng: “Chúng ta cần tạo ra một hệ thống kết nối giữa chủ sở hữu dữ liệu và những người muốn xin cấp phép dữ liệu. Sở hữu trí tuệ phải đi theo con đường kinh doanh đang diễn ra hàng ngày”.

Từ năm 1996, Liên minh châu Âu EU có những quy định riêng để bảo vệ những doanh nghiệp, tổ chức có sự đầu tư đáng kế trong việc thu thập và tổng hợp, tạo nên cơ sở dữ liệu.

Vậy liệu hoạt động bảo vệ cơ sở dữ liệu có đồng nghĩa với việc bảo vệ những dữ liệu đầu ra do AI tạo ra trong quá trình khai thác các dữ liệu đầu vào hay không? Quá trình xử lý có được thực hiện bằng cách tạo dữ liệu hoặc thu thập dữ liệu của hệ thống AI không?

Theo bà Tatiana Eleni Synodinou, Phó giáo sư về Luật tư nhân và thương mại tại Đại học Síp, đến giờ vẫn chưa rõ luật có bảo vệ những loại cơ sở dữ liệu này hay không.

Khai thác dữ liệu - quá trình trích xuất những bộ dữ liệu lớn – đã đặt ra một số vấn đề gây tranh cãi, đặc biệt là khi các dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền. Một số quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản, đã quy định nhiều ngoại lệ trong việc khai thác bản quyền của văn bản và dữ liệu, nhằm thúc đẩy sự phát triển của AI.

Tuy nhiên, theo luật bản quyền của Hoa Kỳ, việc một cá nhân, một tổ chức có được phép khai thác dữ liệu hay không phụ thuộc vào việc mục đích của hoạt động khai thác đó có phải là một ngoại lệ hợp lý (fair uses) hay không.

EU đã triển khai một điều khoản cho phép khai thác dữ liệu và văn bản để nghiên cứu. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc sử dụng dữ liệu nhằm mục đích thương mại và phi thương mại thường rất mong manh.

Kết luận

Những vấn đề đặt ra xung quanh hệ thống dữ liệu rất rộng và phức tạp. Các quốc gia cần nâng cấp hệ thống sở hữu trí tuệ để hỗ trợ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo dựa trên dữ liệu, hoạt động khai thác văn bản và dữ liệu, đáp ứng nhu cầu minh bạch và tin cậy về dữ liệu, cũng như tạo sự cân bằng giữa các đối thủ cạnh tranh.

Hệ thống sở hữu trí tuệ có thể khuyến khích hoạt động đầu tư vào việc tạo dữ liệu, hoặc cản trở việc truy cập dữ liệu, thông qua quyền cơ sở dữ liệu, các điều khoản khai thác dữ liệu và những quy định hạn chế phù hợp.