Giải mã ‘ma trận' Phở Thìn

Nguyễn Thái Hải Lâm (*) - 16:56, 27/02/2023

TheLEADERNhững ngày gần đây, truyền thông cũng như mạng xã hội quan tâm chuyện nhượng quyền thương mại giữa ông Nguyễn Trọng Thìn với ông Đoàn Hải Trung, trong đó có liên quan đến nhãn hiệu “Phở Thìn”. Tuy nhiên, trên thực tế, cả hai bên đều chưa sở hữu nhãn hiệu này mà một bên thứ ba - không liên quan đến tranh chấp đang sở hữu.

Giải mã ‘ma trận' Phở Thìn
Ma trận "Phở Thìn" thời gian gần đây thể hiện sự thiếu quan tâm và hiểu biết về pháp luật sở hữu trí tuệ của nhiều doanh nghiệp Việt (Ảnh: Soha)

Để làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến nhãn hiệu “Phở Thìn”, bài viết này làm rõ chủ sở hữu của nhãn hiệu “Phở Thìn” và một vài nhận định về chuyện nhượng quyền thương mại nêu trên.

Hà Nội có hai quán phở “ông Thìn” lâu đời

Quán “Phở Thìn 13 Lò Đúc” được ông Nguyễn Trọng Thìn mở vào năm 1979 tại địa chỉ: Số 13, phố Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Với mùi vị và cách chế biến đặc trưng, Phở Thìn 13 Lò Đúc nhanh chóng được nhiều người tại Hà Nội biết đến và ưa thích.

Ra đời sớm hơn một phần tư thế kỷ, “Phở Thìn Bờ Hồ” được ông Bùi Chí Thìn mở từ khoảng năm 1954. Do địa thế ban đầu của quán nằm đối diện Hồ Gươm nên hay được gọi là “Phở Thìn Bờ Hồ”. Khi ông Bùi Chí Thìn qua đời vào năm 2001, quán phở vẫn được những người con của ông kế thừa và tiếp tục kinh doanh với tên gọi “Phở Thìn Bờ Hồ”.

Giải mã ma trận 'Phở Thìn'
Ngoài tranh chấp với VieThin, công chúng cũng đang băn khoăn đối với mối quan hệ giữa Phở Thìn 13 Lò Đúc và Phở Thìn Bờ Hồ (Ảnh: Thể thao văn hóa)

Như vậy, hai quán phở trứ danh tại Hà Nội có chủ sử hữu khác nhau nhưng trùng tên “cha đẻ”. Có lẽ vì sự trùng hợp thú vị này mà để tiện phân biệt, người ta kèm theo địa chỉ của quán.

Ai là chủ sở hữu nhãn hiệu “Phở Thìn”

Hiện nay, qua tra cứu tại Thư viện số về sở hữu công nghiệp, có thể thấy nhãn hiệu chữ “Phở Thìn” được đăng ký bảo hộ với nhóm 43 - dịch vụ ăn uống (cửa hàng bán phở). Nhãn hiệu này được ông Bùi Chí Đạt – con trai ông Bùi Chí Thìn (chủ quán “Phở Thìn Bờ Hồ”) nộp đơn đăng ký vào ngày 20/11/2003 và được cấp văn bằng bảo hộ vào ngày 18/3/2005 và bảo hộ tới ngày 20/11/2013 (hiện nay đã hết thời hạn bảo hộ do ông Đạt không gia hạn).

Vào 26/12/2014, ông Bùi Chí Đạt nộp lại đơn đăng ký nhãn hiệu chữ “Phở Thìn” với nhóm 43 và được cấp văn bằng bảo hộ vào ngày 16/3/2017, thời hạn bảo hộ đến ngày 26/12/2024 (có thể gia hạn nhiều lần, mỗi lần 10 năm).

Như vậy, nhãn hiệu chữ Phở Thìn hiện nay đang được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho ông Bùi Chí Đạt với nhóm 43 - dịch vụ ăn uống (cửa hàng bán phở). Ông Đạt là con trai của ông Bùi Chí Thìn – “cha đẻ” của quán “Phở Thìn Bờ Hồ”. Giữa làn sóng thông tin về nhượng quyền “Phở Thìn”, đại diện quán cũng từng trả lời báo chí: “nhà tôi bán phở, không bán thương hiệu, nhằm khẳng định mình hoàn toàn không liên quan đến các mâu thuẫn giữa ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Hải Trung mà truyền thông đưa tin trong thời gian qua.

Về phía mình, ông Nguyễn Trọng Thìn – chủ quán “Phở Thìn 13 Lò Đúc” cũng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu liên quan đến “Phở Thìn” dưới dạng hình và chữ nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ, cụ thể như sau:

STT

NHÃN HIỆU

SỐ ĐƠN

NGÀY

NỘP ĐƠN

TÌNH TRẠNG

01

Chữ “PHỞ THÌN”

4-2009-07432

20/04/2009

Ngày 14/07/2010, Cục có Văn bản thông báo kết quả xét nghiệm nội dung

(từ chối).

02

Hình “Phở Thìn 13 Lò Đúc – Hà Nội, hình”

4-2020-54870

29/12/2020

Đang giải quyết

03

Hình Phở Thìn 13 Lò Đúc, hình”

4-2020-16585

15/05/2020

Đang giải quyết

04

Hình Phở Thìn 13 Lò Đúc - Hà Nội, hình”

4-2020-16584

15/05/2020

Đang giải quyết

05

Hình Phở Thìn 1979 13 Lò Đúc - Hà Nội, hình”

4-2020-54870

29/12/2020

Đang giải quyết

Như vậy, cả 05 nhãn hiệu mà ông Nguyễn Trọng Thìn đăng ký đều chưa được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có đơn đăng ký nhãn hiệu chữ “Phở Thìn” đã bị Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối.

Có thể do nhãn hiệu chữ “Phở Thìn” đã được ông Bùi Chí Đạt đăng ký và được bảo hộ trước đó nên theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (nôm na hiểu là “ai nộp đơn trước mà đủ điều kiện bảo hộ thì cấp bằng cho người nộp trước”), đơn đăng ký của ông Nguyễn Trọng Thìn bị từ chối. Trong trường hợp đó, khả năng 04 đơn đăng ký nhãn hiệu còn lại của ông Thìn bị Cục Sở hữu trí tuệ từ chối là rất cao (do có chứa dấu hiệu “Phở Thìn”).

Về phía ông Đoàn Hải Trung – là người đang mâu thuẫn về nhượng quyền thương mại với ông Nguyễn Trọng Thìn cũng đã nộp đơn đăng ký đối với nhãn hiệu “Phở VieThin”, cụ thể như dưới đây:

Giải mã ma trận 'Phở Thìn' 1
(Nguồn : wipopublish)

Có thể thấy, hai nhãn hiệu mà ông Trung đăng ký cũng chưa được cấp văn bằng bảo hộ.

Ngoài việc đăng ký nhãn hiệu với tư cách cá nhân nêu trên, một số pháp nhân do ông Trung và ông Thìn làm người đại diện theo pháp luật cũng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Cụ thể:

- Công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội đăng ký cho nhãn hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc”, số đơn: 4-2022-24166, nộp đơn ngày 22/6/2022. Công ty này được thành lập ngày 13/01/2021, địa chỉ: 13, phố Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội, người đại diện theo pháp luật là ông NGUYỄN TRỌNG THÌN và ĐOÀN HẢI TRUNG. Hiện đơn đăng ký này cũng chưa được cấp văn bằng bảo hộ.

- Công Ty Hợp Danh Bảo Tồn Và Phát Triển Thương Hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội cũng nộp đơn đăng ký với nhãn hiệu liên quan đến chữ “Thìn” như dưới đây:

Giải mã ma trận 'Phở Thìn' 2
Nguồn: wipopublish

Công ty này được thành lập ngày 20/01/2022, địa chỉ: Số 13, phố Lò Đúc, Phường Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Trọng Thìn và Đoàn Hải Trung, hiện tạm ngừng kinh doanh.

Như vậy, các đơn đăng ký nhãn hiệu nêu trên cũng chưa được cấp văn bằng bảo hộ.

Đến tranh chấp một đối tượng mà mình không sở hữu?

Theo quy định hiện hành, quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký, trừ nhãn hiệu nổi tiếng có cơ chế bảo hộ riêng – không thuộc phạm vi của bài viết này[1].

Như trình bày nêu trên, cá nhân ông Nguyễn Trọng Thìn hay ông Đoàn Hải Trung đều chưa được cấp văn bằng bảo hộ đối với các nhãn hiệu đã đăng ký. Do vậy, quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hiệu này chưa phát sinh. Hay nói cách khác, cả ông Thìn và ông Trung đều chưa phải là chủ sở hữu nhãn hiệu theo quy định hiện hành.

Tương tự, đối với các công ty do ông Trung hoặc ông Thìn là người đại diện theo pháp luật cũng chưa được cấp văn bằng bảo hộ đối với các nhãn hiệu đã đăng ký. Vì vậy, hệ quả pháp lý cũng tương tự, các công ty này chưa phải là chủ sở hữu nhãn hiệu theo quy định hiện hành.

Qua đó, có thể việc ông Thìn hay ông Trung đang cho rằng mình mới là người sở hữu nhãn hiệu “Phở Thìn”, từ đó cấp quyền sử dụng nhãn hiệu này cho các chủ thể khác là không phù hợp.

Theo truyền thông, có thể thấy ông Nguyễn Trọng Thìn dường như đã từng nhượng quyền thương hiệu “Phở Thìn”, bao gồm việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu “Phở Thìn”. Tuy nhiên, đối với nhãn hiệu này, quyền sở hữu trí tuệ chưa phát sinh, ông Thìn không thể cấp quyền sử dụng cho bất kỳ ai, trong đó có ông Đoàn Hải Trung. Dĩ nhiên, ông Trung cũng không thể cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Phở Thìn” cho bất kỳ chủ thể nào vì cũng không phải là chủ sở hữu văn bằng bảo hộ hay được phép cấp quyền sử dụng đối với nhãn hiệu này.

Trên thực tế, có thể ông Nguyễn Trọng Thìn chỉ quan tâm đến việc chuyển giao bí quyết nấu phở ngon, làm nên tên tuổi của mình mà ít quan tâm đến khía cạnh pháp lý trong nhượng quyền, trong đó có việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu trong hoạt động này. Từ đó, các bên nảy sinh tranh chấp khi có xung đột về lợi ích trong quá trình hợp tác, phát triển mô hình nhượng quyền.

Vì sao có “ma trận” Phở Thìn?

Trước hết, phải kể đến sự quan tâm bảo hộ nhãn hiệu chưa được ông Nguyễn Trọng Thìn chú trọng đúng mức. Điều này đã làm vụ việc tưởng chừng đơn giản trở nên phức tạp và khiến người quan tâm bối rối trước nhiều luồng thông tin khác nhau.

Mặc dù được thành lập từ năm 1979 và sớm tạo được uy tín nhờ vào món phở nhưng mãi tới năm 2009, ông Nguyễn Trọng Thìn mới nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đầu tiên đối với chữ “Phở Thìn”. Lúc này, theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, đơn đăng ký của ông Thìn bị từ chối do trùng nhãn hiệu và nhóm hàng hóa, dịch vụ với đơn đăng ký của ông Bùi Chí Đạt đã nộp trước đó. Gần một thập kỷ sau lần bị từ chối, ông Thìn mới nộp tiếp 4 đơn đăng ký nhãn hiệu hình và chữ và hiện vẫn chưa được cấp văn bằng bảo hộ.

Có thể trong thời gian dài tạo lập uy tín với người tiêu dùng, thực khách bản địa có xu hướng tìm đến đúng địa chỉ quán phở của ông Thìn, tại số 13 Lò Đúc để thưởng thức, hay người ta còn gọi là “quán gốc”. Tuy nhiên, nếu mở rộng mô hình kinh doanh tại nhiều nơi, việc để thực khách “nhận diện” bằng cách này không còn ổn. Thay vào đó, nếu sở hữu một nhãn hiệu đã được bảo hộ có thể giúp thực khách nhận ra và tìm đến đúng quán “Phở Thìn 13 Lò Đúc”, không nhầm lẫn với phở của người khác cung cấp.

Phải nói thêm, trong hơn 30 năm hoạt động, dù chưa được cấp văn bằng bảo hộ nhưng thông qua hoạt động dạy nấu phở, ông Thìn ngoài việc chuyển giao công thức nấu còn cho phép người học mở các cửa hàng dưới tên gọi “Phở Thìn”. Nếu một học viên đơn thuần về mở quán phở tại nhà thì có lẽ cũng khó gây ảnh hưởng đến lợi ích của ông Thìn, ngay cả khi có sử dụng nhãn hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc”. Tuy nhiên, trong bối cảnh học viên có chiến lược kinh doanh, truyền thông bài bản, có tham vọng phát triển mô hình kinh doanh thì ông Thìn hoàn toàn có thể đánh mất vị thế của mình và nhãn hiệu “phở Thìn 13 Lò Đúc”. Trường hợp xung đột lợi ích với ông Đoàn Hải Trung là một điển hình như vậy.

Chưa kể, việc không bảo hộ nhãn hiệu trong bối cảnh cho phép học viên sử dụng làm cho quán “Phở Thìn” xuất hiện ở nhiều địa phương khác với chất lượng khác nhau. Thực khách khó lòng phân biệt được đâu là quán “phở Thìn 13 Lò Đúc”, đâu là quán phở chỉ thuần túy trùng tên. Việc thực khách thưởng thức món phở với chất lượng không như ý có thể đem lại cảm nhận, ấn tượng không tốt về “phở Thìn 13 Lò Đúc” nói chung. Hoặc đơn giản hơn, vì có quá nhiều quán phở “xưng danh” là “phở Thìn 13 Lò Đúc”, không biết thật/giả, chất lượng thế nào, nên có thể chọn một quán phở khác có chất lượng đảm bảo hơn. Trong những trường hợp này, về lâu dài đều ảnh hưởng không tốt đến việc phát triển kinh doanh của ông Thìn.

Rất tiếc, do chưa bảo hộ nhãn hiệu, giờ đây ông Thìn phải đối diện với các xung đột về lợi ích, có liên quan trực tiếp đến nhãn hiệu và đẩy vụ việc đi xa hơn với các vấn đề khác xung quanh việc nhượng quyền thương mại, hợp tác thành lập công ty…mà chắc chắn việc giải quyết các vấn đề này không thể trong một sớm, một chiều.

(*) Luật sư đang cộng tác tại Văn phòng Luật sư NGUYỄN & TRẦN.

[1] Điều 6.3 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.