Giải pháp căn cơ để giảm giá thịt lợn

Quỳnh Chi - 08:22, 22/04/2020

TheLEADERGiá thịt lợn do cung cầu trên thị trường quyết định, nên muốn ghìm giá thịt lợn xuống mức thấp, cần tăng cung thông qua đẩy mạnh tái đàn trên cả nước và nhập khẩu thịt lợn.

Giải pháp căn cơ để giảm giá thịt lợn
Giá thịt lợn tiếp tục tăng cao

Nguyên nhân giá thịt lợn tăng mạnh

Trái với mục tiêu giảm giá xuống 70.000 đồng mỗi kg lợn hơi từ đầu tháng này, giá thịt lợn vẫn như con ngựa bất kham. Chỉ sau ba tuần kể từ khi lãnh đạo Chính phủ hợp với 15 doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến và phân phối thực phẩm lớn nhằm kéo giá thịt lợn xuống, cả giá lợn hơi và thịt lợn trên thị trường lại tiếp tục tăng lên. 

Cụ thể, giá mỗi kg thịt lợn thành phẩm đến nay đã tăng 15.000 đồng lên mức 145.000-165.000 đồng/kg, trong khi giá lợn hơi cũng tăng khoảng 7.000-8.000 đồng/kg lên mức 80.000 - 90.000 đồng/kg.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương cho rằng, giá bán lẻ mặt hàng thịt lợn thành phẩm phụ thuộc rất nhiều vào giá lợn hơi. Giá lợn hơi càng cao, giá bán lẻ mặt hàng thịt lợn thành phẩm cũng tăng cao theo tỷ lệ tương ứng. 

"Biện pháp tối ưu nhằm giảm giá thịt lợn thành phẩm là giảm giá lợn hơi”, đại diện Vụ Thị trường trong nước nhận định.

Theo phân tích của vụ này, mặc dù giá lợn hơi và tình hình cung cầu thị trường có thay đổi theo từng thời điểm khác nhau nhưng giá thịt lợn thành phẩm thường cao hơn giá lợn hơi 1,7-1,9 lần. Tỷ lệ này từ trước đến nay vẫn được duy trì tương đối ổn định ngay cả khi giá mặt hàng thịt lợn xuống thấp cần “giải cứu”.

Trong giai đoạn giá lợn hơi xuống mức thấp vào đầu năm ngoái, ở mức 30.000-35.000 đồng/kg, giá thịt lợn thành phẩm tại chợ phổ biến ở mức 55.000-70.000đ/kg. 

Giá lợn hơi giai đoạn đầu tháng 4/2020 ở mức 73.000-78.000đ/kg, giá lợn thành phẩm tại chợ phổ biến ở mức 130.000-150.000đ/kg. Hiện nay, giá lợn hơi ở mức 80.000-90.000 đồng/kg, giá thịt lợn thành phẩm tại chợ phổ biến ở mức 145.000-165.000đ/kg.

Các chuyên gia Bộ Công thương lý giải việc chênh lệch giá lợn hơi và thịt lợn do chi phí khâu trung gian quá lớn. Một là việc chênh lệch giá lợn hơi qua các khâu của chuỗi cung ứng từ cơ sở chăn nuôi, đại lý phân phối, giết mổ đến bán lẻ thịt lợn thành phẩm. Hai là chênh lệch giá qua các công đoạn pha lóc, giết mổ từ lợn hơi thành thịt lợn thành phẩm.

Như vậy, bên cạnh một số yếu tố khác như tốc độ tái đàn chậm, chênh lệch cung cầu, phụ phẩm sau giết mổ khó tiêu thụ và thậm chí là có đồn đoán về thực trạng ghim hàng đẩy giá thì cơ cấu giá bất hợp lý với mức phí trung gian quá cao cũng là nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến mức giá thịt lợn thành phẩm.

Chăn nuôi lợn hiện nay phần lớn là phân tán, quy mô nhỏ lẻ. Trong đó, các cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình nhỏ lẻ cung ứng khoảng 60 - 65% thịt lợn và tiêu thụ tại các vùng miền phần lớn phụ thuộc vào các tiểu thương là hộ kinh doanh và cá nhân, mua gom và giết mổ bán cho các tiểu thương tại các chợ, cơ sở bán lẻ. Chính điều này gây khó khăn cho việc tổ chức lưu thông phân phối cũng như quản lý hoạt động của các thương nhân nhỏ lẻ ở khâu trung gian.

Đáng chú ý, trong ba mô hình cung ứng thịt lợn ra thị trường, các kênh phân phối truyền thống qua nhiều khâu trung gian hiện đang chiếm đa số trong kênh phân phối mặt hàng thịt lợn. Cụ thể, lợn hơi từ các trang trại, cơ sở chăn nuôi được phân phối qua các đại lý (cấp 1, cấp 2) đến các lò giết mổ. Đối với các lò mổ tập trung, quy mô lớn, lợn mảnh sau khi pha lóc sẽ được các đại lý mua buôn phân phối đến các cơ sở bán lẻ như chợ, cửa hàng. Đối với các lò mổ nhỏ lẻ, lợn mảnh sau khi pha lóc sẽ bán trực tiếp cho các tiểu thương để bán lẻ tại chợ hoặc bán cho khách hàng mua buôn như bếp ăn tập thể, nhà hàng, cơ sở chế biến...

Mô hình phân phối thứ hai chỉ qua một khâu trung gian. Lợn hơi được các công ty chế biến, giết mổ như Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan, Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh... mua trực tiếp từ các trang trại, công ty chăn nuôi. Sau khi giết mổ, pha lóc thì được phân phối trực tiếp tại các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh hoặc đưa đến các khách hàng mua với số lượng lớn như trường học, bếp ăn công nghiệp.

Thứ ba là mô hình phân phối trực tiếp, không qua trung gian. Lợn hơi được các công ty chăn nuôi trực tiếp giết mổ, sau đó trực tiếp phân phối tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thuộc hệ thống của công ty. Mô hình này hiện chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong chuỗi cung ứng, chủ yếu là của doanh nghiệp lớn như Masan Meatlife (sở hữu hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+), CP và Dabaco.

Trong khi đó, theo nguyên tắc quản lý giá hiện nay, ngoài các mặt hàng do Nhà nước quản lý nằm trong danh mục bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá, hầu hết mặt hàng nông sản còn lại, trong đó có thịt lợn, được lưu thông theo nguyên tắc thị trường là cạnh tranh theo quy luật cung cầu, giá cả do thị trường quyết định. Nhà nước không tham gia quản lý trực tiếp vào quá trình mua bán trên thị trường, chỉ điều tiết thị trường thông qua các quy định, cơ chế, chính sách chung mang tính định hướng.

Vì thế, để giảm tối đa khâu trung gian thì giải pháp căn cơ là hoạt động chăn nuôi, giết mổ phải được tập trung, giảm đầu mối.

2 giải pháp căn cơ

Theo Vụ Thị trường trong nước, bản chất tăng giá thịt lợn hiện nay vẫn là do thiếu nguồn cung, thậm chí thiếu hơn nhiều con số 20% do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa tái đàn. Vì vậy, giải pháp căn cơ nhất vẫn phải là đảm bảo nguồn cung bằng cách đẩy nhanh việc tái đàn trong cả nước. 

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm nay dự kiến tương đương năm ngoái, trong đó, quý II/2020 đạt hơn 900 nghìn tấn, quý III đạt hơn 1 triệu tấn và quý IV gần 1,1 triệu. Bộ này cho rằng, đến hai quý cuối năm mới cơ bản đáp ứng được phần lớn nhu cầu thịt lợn.

Để bù đắp phần thiếu hụt, qua đó bình ổn giá, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho rằng giải pháp ngắn hạn trước mắt là nhập khẩu thật nhiều thịt lợn để bổ sung nguồn cung. Theo đó, đảm bảo tổng số lượng nhập khẩu đủ 100 nghìn tấn thịt lợn ngay trong tháng 4 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng nhằm bình ổn thị trường trong thời gian tới.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 45.000 tấn thịt lợn.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị Bộ Tài chính thực hiện việc kiểm tra yếu tố hình thành giá mặt hàng lợn hơi tại một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn, nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định. Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa mặt hàng thịt lợn vào danh mục mặt hàng bình ổn giá nhằm giúp cơ quan quản lý nhà nước có công cụ quản lý điều hành hiệu quả hơn để bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn như áp giá trần và thực hiện đăng ký giá trong trường hợp các biện pháp ưu tiên số 1 là việc tăng nguồn cung, tái đàn và nhập khẩu thịt lợn để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đảm nhiệm không thực hiện được.

Bộ Công thương kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với cơ quan chức năng liên quan tại địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp chăn nuôi lợn thực hiện thực hiện đúng cam kết giảm giá bán. 

Bộ Công thương cho biết, phản ánh của một số thương nhân cho biết, các thương nhân hiện khó mua được lợn hơi với giá 70.000đ/kg theo đúng cam kết của các doanh nghiệp hoặc mua được với giá cam kết nhưng số lượng mua lại giảm.

Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng thịt lợn trên địa bàn thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hang.

Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, các bộ ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong đó có mặt hàng thịt lợn, nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh thịt lợn không rõ nguồn gốc, xử lý và giám sát chặt chẽ việc đầu cơ, tích trữ, thu mua, buôn bán, vận chuyển lợn sống trái phép tại các khu vực biên giới.

Đồng thời, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Hiện nay, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chưa được thành lập, chưa có bộ máy tổ chức nên hiện chưa thể tiến hành điều tra, xử lý trong trường hợp phát hiện vi phạm theo trình tự, thủ tục tố tụng cạnh tranh.