Gỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe có thể giúp Ả-rập Xê-út cải thiện nền kinh tế

Bảo Anh - 11:37, 29/09/2017

TheLEADERPhụ nữ Ả Rập đang ăn mừng vì cuối cùng, sau nhiều năm kêu gọi thay đổi, họ cũng được phép lái xe ô tô.

Gỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe có thể giúp Ả-rập Xê-út cải thiện nền kinh tế
Kinh tế Ả Rập Xê út sẽ được hưởng lợi từ việc phụ nữ được phép lái xe. Ảnh: AboutHer

Trong nhiều năm qua, phụ nữ Ả-rập Xê-út đã kêu gọi thay đổi, và một số thậm chí đã bị bắt vì phản đối lại lệnh cấm lái xe. Và cuối cùng, những nỗ lực đó cũng được đền đáp bằng sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe của hoàng gia nước này vào thứ Ba (27/9).

Quốc vương Salman đã chỉ đạo thành lập một cơ quan cấp bộ trong vòng 30 ngày tới để tham vấn về việc dỡ bỏ lệnh cấm trước tháng 6/2018.

Đây được coi là bước tiến đáng kinh ngạc trong nỗ lực cải tổ nền kinh tế của Ả-rập Xê-út, dẫn đầu bởi thái tử trẻ, Mohammed bin Salman.

Trọng tâm của chương trình cải cách - Tầm nhìn 2030 - là chấm dứt sự phụ thuộc của đất nước vào năng lượng hóa thạch trong thập kỷ tới. Điều này đòi hỏi nền kinh tế phải đa dạng hóa, bao gồm việc tăng quyền và vai trò cho phụ nữ.

Tại Ả-rập Xê-út, chỉ có 22% phụ nữ hoạt động tích cực trong lực lượng lao động. Chương trình Tầm nhìn 2030 có mục tiêu nâng con số này lên 30%. Và ở mức 33%, Tỷ lệ thất nghiệp của Ả-rập Xê-út là 12,7%, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ cao hơn nhiều so với nam giới, 33%.

Nhiều dấu hiệu tiến bộ cho phụ nữ được ghi nhận kể từ khi kế hoạch cải cách được đưa ra vào năm 2016.

Trong tháng 2/2017, ba công việc hàng đầu về tài chính, bao gồm cả người đứng đầu của thị trường chứng khoán, được phụ nữ đảm nhiệm. Vài tháng sau, quốc vương Salman đã ra lệnh xem xét lại các điều luật gây khó khăn cho phụ nữ trong vấn đề việc làm, đi lại và điều luật phụ nữ bắt buộc phải có một người đàn ông/chồng đi cùng khi làm thủ tục y tế và giáo dục.

Nhiều phụ nữ sẽ có thể làm việc

Việc chấm dứt lệnh cấm lái xe mang lại lợi ích kinh tế to lớn, và giúp chính phủ đạt được mục tiêu 65% GDP từ khu vực tư nhân.

John Sfakianakis, Giám đốc nghiên cứu kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu vùng vịnh ở Riyadh, cho biết: "Việc gỡ bỏ lệnh cấm sẽ có tác động đối với nhiều ngành kinh tế từ ngành ô tô, đến tiêu dùng bán lẻ và thậm chí gia tăng năng suất".

"Nhiều phụ nữ sẽ có khả năng làm việc, đồng thời cũng có động lực để làm việc nhiều hơn bởi họ sẽ có thể tiết kiệm nhiều hơn từ việc không phải trả tiền cho lái xe", ông nói thêm.

Nhiều phụ nữ Ả rập có việc làm phải dựa vào tài xế, xe taxi hoặc người trong gia đình để đi ra ngoài hay đi làm.

Các nhà tuyển dụng cũng sẽ được hưởng lợi. Một số công ty phải tính thêm chi phí cho lái xe vào tiền lương và thậm chí phải đặt các nhà máy và văn phòng tại các trung tâm thành phố để giúp phụ nữ dễ dàng đi đến nơi làm việc.

Bên cạnh đó, các gia đình phải thuê lái xe nước ngoài có thể tiết kiệm trung bình 3.800 riyals (1.000 USD) mỗi tháng nếu phụ nữ được phép lái xe.

Vẫn còn nhiều rào cản

Tuy nhiên, quốc gia này vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo một báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, Ả-rập Xê-út là một trong những nước có tình trạng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng thu nhập tồi tệ nhất thế giới.

Một phụ nữ muốn bắt đầu hoạt động kinh doanh riêng của mình thường phải có hai người đàn ông để làm chứng cho nhân thân của cô trước khi cô có thể được cấp một khoản vay hoặc giấy phép.

Và phụ nữ hiện vẫn không thể hợp tác làm việc với các thành viên khác giới - điều đó có nghĩa hầu hết các nơi làm việc vẫn bị tách biệt giữa hai giới. Một số ngoại lệ bao gồm các bệnh viện, ngân hàng và các trường cao đẳng y tế.