Khi thế giới mong manh, bất an, phi tuyến tính và khó hiểu

Hường Hoàng - 11:05, 09/01/2024

TheLEADERThế giới đang bước vào thời kỳ BANI – thời kỳ hỗn tạp và chứng kiến nhiều xáo trộn về công nghệ, nguồn nhân lực, năng lượng và sở hữu tài sản.

Theo Báo cáo đổi mới sáng tạo mở năm 2023 của nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUp, thế giới BANI (Brittle – Mong manh, dễ vỡ; Anxious – Bất an, lo lắng; Non-Linear - Phi tuyến tính và Incomprehensive – Khó hiểu) thừa hưởng mọi yếu tố của thế giới VUCA nhưng với những đặc tính nghiêm trọng hơn và sâu rộng hơn.

Để thành công trong thế giới biến đổi này, các doanh nghiệp cần điều hướng, thích nghi với sự phức tạp và không thể đoán trước.

Toàn cầu hóa suy giảm

Thế giới đang chuyển đổi từ trạng thái ổn định sang khó đoán định hơn bao giờ hết. Biến động kinh tế và căng thẳng địa chính trị đang phá vỡ kỷ nguyên ổn định trước đây. Theo đuổi chuỗi cung ứng linh hoạt, một số doanh nghiệp đa quốc gia đang có xu hướng đưa hoạt động sản xuất về nước, khiến toàn cầu hóa suy giảm.

Các xung đột địa chính trị đang làm sâu sắc thêm sự chia cắt kinh tế. Cụ thể, mối quan hệ kinh tế giữa Đông và Tây đang có nhiều thay đổi, tạo ra một trật tự thế giới hai cực. Thay đổi này làm giảm sự phụ thuộc lẫn nhau, thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng các chiến lược khu vực, tăng cường niềm tin của người tiêu dùng và hợp tác với chính phủ.

Trong làn sóng này, sự trỗi dậy của khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APAC) và châu Phi mang đến cơ hội đổi mới và cơ hội nguồn nhân tài mới. Các công ty nên đáp ứng sở thích của địa phương, dự đoán sự gián đoạn và điều chỉnh chi phí.

Trong tình hình đó, các sự kiện gần đây như đại dịch COVID-19 và xung đột Ukraine đã làm gia tăng sự ngờ vực mang tính hệ thống, sự hoài nghi sâu sắc của người dân đối với các tổ chức và hệ thống như chính phủ, doanh nghiệp và phương tiện truyền thông.

Điều này dẫn đến việc giảm hợp tác, gia tăng xung đột và hạn chế triển vọng kinh tế. Để giải quyết sự ngờ vực mang tính hệ thống, các doanh nghiệp, tổ chức, chính quyền cần phải thúc đẩy minh bạch, giải quyết các nguyên nhân cốt lõi và thúc đẩy các mối quan hệ tốt hơn để xây dựng lại niềm tin.

Công nghệ gây xáo động thị trường lao động

Chúng ta đang ở trong kỷ nguyên của Trí tuệ nhân tạo chuyển đổi (trans- formative Al), một sự chuyển dịch từ công nghệ do con người dẫn dắt sang tương tác song phương. Al mang lại khả năng tự chủ, thích ứng và ra quyết định, tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo báo cáo của công ty tư vấn thương hiệu Ogilvy, Al được dự đoán sẽ đóng góp tới 15,7 nghìn tỷ đô la cho GDP toàn cầu vào năm 2030. Mặc dù mang lại nhiều cơ hội, Al cũng đặt ra những lo ngại về đạo đức và bất ổn định. Các doanh nghiệp phải bắt kịp xu hướng Al và dự đoán vai trò ngày càng tăng của Al trong quyết định của người tiêu dùng.

Sự phát triển về công nghệ đồng thời cũng mang đến những tác động đến cung cầu thị trường và đời sống tinh thần của người lao động.

Sau thời kỳ đại dịch và sự phát triển vượt bậc của công nghệ, người lao động vẫn có xu hướng tìm kiếm sự linh hoạt, mức lương công bằng và sự đồng nhất về giá trị. Trong khi đó, Al và tự động hóa chuyển đổi vai trò của họ sang sáng tạo, chiến lược và tự động hóa các tác vụ thông thường.

Trong bối cảnh cơ cấu dân số thay đổi theo hướng già hóa, lực lượng lao động toàn cầu đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt nhân tài trầm trọng. Dự kiến, đến năm 2030, số lượng lao động thiếu hụt sẽ lên tới 85 triệu người, thúc giục việc đa dạng hóa nhân tài từ những người nghỉ hưu, người mới đến và người khuyết tật. Thích ứng với lực lượng lao động thay đổi này và khai thác tiềm năng của công nghệ là điều rất quan trọng.

Sự gia tăng của công việc kỹ thuật số (digital work) và cách làm việc kết hợp (hybrid arrangements) đã và đang khiến các nhà lãnh đạo phải xem xét lại quy trình và cách thức làm việc. Tại nhiều doanh nghiệp, khi họ phát hiện ra rằng, những quy trình, cách thức làm việc cũ đã lỗi thời, nhân viên đã phải làm việc quá sức, khiến cho việc cải thiện hiệu suất trở nên đầy thách thức.

Để thích ứng với sự thay đổi và duy trì năng suất làm việc, các tổ chức cần phải suy nghĩ lại về quy trình làm việc và vai trò của nhân sự. Việc bỏ qua những thay đổi này có nguy cơ làm tiêu hao năng lượng của nhân viên và làm suy yếu sự gắn kết của họ trong thời kỳ khủng hoảng và hơn thế nữa.

Bình luận về các xu hướng công nghệ trong năm nay, theo ông Trần Bằng Việt, CEO DongA Solutions, cho đến năm 2030, tiến triển vượt bậc của công nghệ AI, dữ liệu lớn, tính toán phân tán và tự động hóa có thể sẽ lan rộng tới nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghiệp, giải trí và giao thông.

Về Việt Nam, đất nước có thể chứng kiến sự đổi mới mạnh mẽ trong kinh tế, công nghiệp và công nghệ. Việt Nam có thể trở thành trung tâm công nghiệp tiên tiến và dẫn đầu trong việc áp dụng một số công nghệ mới.

ESG trở thành yêu cầu bắt buộc

ESG đã không còn là một sự lựa chọn mà đã trở thành yếu tố sống còn cho mọi doanh nghiệp trên toàn thế giới. Các tiêu chuẩn toàn cầu đòi hỏi sự minh bạch và biến đổi khí hậu khiến tính bền vững trở thành một yêu cầu kinh tế. Việc tích hợp tính bền vững vào các quyết định và báo cáo ESG là rất quan trọng, đi kèm theo đó là việc giảm và bù đắp carbon và các chính sách phát thải ròng đang gia tăng.

Thế giới đang chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo do giá thành ngày càng giảm. Nhiên liệu hóa thạch đang trở nên lỗi thời, tạo cơ hội cho các giải pháp năng lượng phân tán (decentralized energy), các giải pháp năng lượng mới như hydro và phản ứng tổng hợp đang nổi lên. Xe điện đang thúc đẩy sự thay đổi trong vận tải. Các quốc gia đang phát triển có thể vượt qua giai đoạn sử dụng nhiều carbon, với sự hỗ trợ của các quỹ khí hậu và giả carbon.

Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng tái tạo vẫn còn gặp rào cản do những thách thức trong việc lưu trữ năng lượng và quản lý lưới điện. Mặc dù vẫn còn những thách thức trong việc hạn chế sự nóng lên và giải quyết các vấn đề môi trường, nhưng tương lai thế giới sẽ là năng lượng tái tạo.

Theo ông Việt, nhu cầu về năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường có thể thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp xanh ở nước ta. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức như quản lý tài nguyên, đô thị hóa và an ninh mạng trong quá trình phát triển.

Sự lên ngôi của người già và phụ nữ trong sở hữu tài sản xã hội

Dân số già hóa, đặc biệt là những người từ 65 đến 90 tuổi, đang định hình lại xu hướng tiêu dùng và được dự đoàn sẽ thống trị thị trường. “Nền kinh tế bạc” của những người trên 60 tuổi dự kiến sẽ chiếm 16% dân số thế giới vào năm 2030, với sức mua lên tới 15 nghìn tỷ đô la Mỹ.

Tuổi thọ và tích lũy tài sản được cải thiện thúc đẩy khả năng chi tiêu và số lượng việc làm dành cho người cao tuổi. Để nắm bắt được xu hướng này, các thương hiệu có thể lên kế hoạch điều chỉnh theo sở thích của người tiêu dùng lớn tuổi trên các lĩnh vực như công nghệ, du lịch, chăm sóc sức khỏe và tài chính để đảm bảo tăng trưởng và đổi mới.

Cũng theo công ty tư vấn Ogilvy, đến năm 2030, phụ nữ sẽ kiểm soát hàng nghìn tỷ đô la do tuổi thọ trung bình tăng lên, dẫn đến sự chuyển giao tài sản lớn nhất trong lịch sử. Khi thế hệ Baby Boomer già đi, tài sản sẽ được chuyển sang những người phụ nữ.

Thế giới BANI: Khi người già và phụ nữ sẽ sở hữu phần lớn tài sản thế giới
Cơ cấu dân số thay đổi khiến người già và phụ nữ có xu hướng trở thành những đối tượng sở hữu phần lớn tài sản trong thời gian tới. Ảnh: Vietnamwork

Hiện tại, phụ nữ sở hữu 32% nguồn lực tài chính toàn cầu với sự đóng góp 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế. Ảnh hưởng của họ đang định hình lại các ngành công nghiệp. Số liệu cho thấy, các công ty khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ thường hoạt động tốt hơn. Phụ nữ ưu tiên các mục tiêu sống, các yếu tố ESG và bảo toàn vốn trong phương pháp đầu tư độc đáo của họ.

Các rào cản như thành kiến, giáo dục không bình đẳng và công việc gia đình vẫn còn tồn tại. Thúc đẩy bình đẳng giới về tài sản và đầu tư có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đáng kể.