Khuyến khích tiêu dùng bền vững như thế nào?

Phạm Sơn - 09:42, 27/06/2022

TheLEADERĐánh thuế túi nylon, cấm đồ nhựa dùng một lần không cần thiết… là những giải pháp quan trọng để giảm thiểu rác thải nhựa. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm thế nào để người tiêu dùng hưởng ứng những giải pháp này?

Những chiếc túi nylon khó phân hủy, lại mỏng, nhẹ, rất dễ thoát ra môi trường trong quá trình sử dụng. Nếu “may mắn” được thu gom, cách xử lý tốt nhất hiện nay đối với túi nylon là đốt hoặc chôn lấp, bởi gần như không đem lại giá trị tái chế. Chính vì vậy, túi nylon dùng một lần từ lâu đã được xem như “kẻ thù” của môi trường.

Đối với sản phẩm gây ra nhiều nguy cơ như vậy, mức thuế bảo vệ môi trường tất nhiên sẽ được đánh rất cao. Hiện tại, thuế bảo vệ môi trường cho túi nylon là 50 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, túi nylon đang được bán với giá chỉ khoảng 20 nghìn đồng/kg, tức là chưa bằng một nửa so với mức thuế bảo vệ môi trường mà sản phẩm này phải chịu.

“Rõ ràng, chúng ta đang chưa đánh thuế được túi nylon”, ông Vũ Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường, nhận xét.

Theo ông Lý, hiện tại, đối với túi nylon, thuế đang được đánh vào nhà sản xuất, tuy nhiên chỉ thu theo hình thức “thuế khoán” chứ không theo khối lượng sản xuất. Đây chính là lý do khiến túi nylon “rẻ như cho”, mà thực tế là đang được “cho” tại các cửa hàng bán lẻ, từ chợ dân sinh cho tới một số hệ thống siêu thị.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu sẽ không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, bao gồm cả túi nylon, vào năm 2025. Để thực hiện được mục tiêu này, cần phải có những giải pháp nhằm thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là người tiêu dùng sẽ phản ứng thế nào với những giải pháp đó.

Giải pháp từ doanh nghiệp

Là một nhà bán lẻ, AEON Việt Nam nhận thức được vai trò cầu nối giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất, từ đó có trách nhiệm lớn trong việc thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Bà Nguyễn Bằng Lăng, Phụ trách hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) AEON Việt Nam, cho biết, mới đây, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra yêu cầu không được phát túi nylon miễn phí cho người tiêu dùng.

Khuyến khích tiêu dùng bền vững như thế nào? 1
Bà Nguyễn Bằng Lăng, Phụ trách hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) AEON Việt Nam.

Tại nhiều cửa hàng, siêu thị, khách hàng phản ứng gay gắt với quyết định này, bởi vì cho rằng “túi nylon gói hàng là quyền lợi phải có khi mua hàng”. Tuy nhiên, tại các chi nhánh của AEON Mall, hiện tượng này hầu như không xảy ra.

Nguyên nhân là vì AEON Nhật Bản đã thực hiện chiến lược khuyến khích người tiêu dùng không sử dụng túi nylon kể từ năm 1991. Đến nay, sau 30 năm thực hiện, tỷ lệ khách hàng từ chối túi nylon tại AEON Nhật Bản lên đến 80%. Người tiêu dùng vẫn cảm thấy hài lòng với các phương pháp đóng gói thân thiện với môi trường mà không cần phải sử dụng túi nylon.

Đây là minh chứng rõ nét cho thấy vai trò của các nhà bán lẻ trong bức tranh toàn cảnh về tiêu dùng bền vững. Bà Lăng cho biết, nhà bán lẻ đóng vai trò là cầu nối giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất, do đó có trách nhiệm quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Trao đổi tại tọa đàm "Các giải pháp thay thế đồ nhựa dùng một lần nhằm thúc đẩy tiêu dùng xanh" do Báo Đầu tư tổ chức, bà Lăng cho biết, tiếp nối những kinh nghiệm từ AEON Nhật Bản, AEON Việt Nam đã và đang thực hiện định hướng hành vi của người tiêu dùng, với những sáng kiến có thể kể đến như quầy hàng ưu tiên cho khách hàng từ chối túi nylon; cho thuê túi môi trường…

Từ góc độ một nhà sản xuất, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty CP Tân Phú Việt Nam, nhìn nhận, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường nhưng vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng là phương án tối ưu để khuyến khích tiêu dùng bền vững.

Với lý do đó, doanh nghiệp này đã từ bỏ cái tên “Nhựa Tân Phú” gắn liền với doanh nghiệp suốt hàng chục năm, đổi thành Tân Phú Việt Nam. Tân Phú Việt Nam hướng mũi nhọn vào 3 chiến lược, bao gồm đa dạng hóa sản phẩm, sản xuất sản phẩm từ các vật liệu khác như sillicon, gốm, kim loại…; nâng cao chất lượng sản phẩm để kéo dài vòng đời; sản xuất đồ dùng một lần mỏng hơn để tiết kiệm tài nguyên.

Khuyến khích tiêu dùng bền vững như thế nào? 2
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty CP Tân Phú Việt Nam

Chiến lược bền vững hóa sản phẩm của Tân Phú Việt Nam bước đầu nhận được phản hồi tích cực từ phía thị trường, với minh chứng là tốc độ tăng trưởng gấp 3 lần riêng trong năm 2021. Tại thị trường quốc tế, sản phẩm bền vững của Tân Phú Việt Nam cũng được khách hàng ưa chuộng.

Kéo dài vòng đời sản phẩm cũng là mục đích hướng tới của Chợ Tốt, nền tảng thương mại điện tử cho sản phẩm đã qua sử dụng hàng đầu Việt Nam. Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc tăng trưởng và chiến lược trang điện tử Chợ Tốt, cho biết, việc mua bán đồ cũ giúp người tiêu dùng tiết giảm chi phí mua sắm nhưng vẫn thỏa mãn nhu cầu, lại làm giảm lãng phí, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, năng lượng cho việc sản xuất mới.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của giao dịch đồ cũ nằm ở niềm tin giữa người mua và người bán. Để gỡ nút thắt này, Chợ Tốt hiện đang cung cấp dịch vụ thanh toán đảm bảo thông qua các bên trung gian tài chính.

Mặt khác, với mạng lưới kết nối với người sử dụng, Chợ Tốt cũng tich cực tuyên truyền, khuyến khích tiêu dùng bền vững, sử dụng bao gói thân thiện với môi trường.

Thực tế, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đặt ra nhiều nội dung đột phá, bao gồm nâng cao trách nhiệm nhưng cũng tăng cường các biện pháp khuyến khích đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường.

Để thực hiện những quy định mới, cộng đồng doanh nghiệp đã tiến hành nhiều giải pháp, sáng kiến. Trong đó, công tác giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng được đặt làm mục tiêu tiên quyết. Theo khảo sát của Kantar vào tháng 10/2020, người tiêu dùng đóng góp 25% trong việc tạo ra tác động tích cực tới môi trường.