Kim chỉ nam cho nền kinh tế thịnh vượng

Quỳnh Chi - 11:02, 26/01/2020

TheLEADERMặc dù đã để lại nhiều dấu ấn trong suốt 30 năm qua song các chuyên gia kinh tế cho rằng, tính thực chất và đồng bộ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh là điều cần xem xét nếu muốn đưa Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Kim chỉ nam cho nền kinh tế thịnh vượng
Việc cải cách của Việt Nam dù tìm lối đi riêng thì vẫn phải tuân theo quy luật của thị trường, không nằm ngoài những vấn đề mà thế giới gặp phải.

Dấu ấn ba thập kỷ

Ba thập kỷ qua chứng kiến một cuộc thay đổi lớn mang tính cách mạng về cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam, nhất là trong khu vực tư nhân. Từ chỗ không được thừa nhận thì đến nay, khu vực kinh tế tư nhân được xem là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Trong dấu ấn đó có những cột mốc quan trọng như Luật Doanh nghiệp năm 1999 đánh dấu sự ra đời chính thức của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, trả lại quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp, cho người dân mà theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan vốn là quyền cơ bản của con người. Mặc dù ra đời trước đó nhưng Luật công ty năm 1990 và Luật doanh nghiệp tư nhân năm 1991 chưa mang nhiều ý nghĩa vì các hoạt động kinh doanh vẫn còn mang tính cấm đoán, xin-cho.

Một số luật về sửa đổi môi trường kinh doanh cũng được ban hành như Luật Đầu tư năm 2005 thay Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. Luật này tiếp tục được sửa đổi vào năm 2014 và một số điều cũng được điều chỉnh trong thời gian gần đây.

Với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, một trong những điều ấn tượng nhất là từ năm 2014 đến nay là Chính phủ liên tục có các nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tiên là Nghị quyết 19, mới đây là Nghị quyết 02 với hàng trăm điều cầm tay chỉ việc cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương.

“Nhà nước cũng hiểu ra được mình có quyền làm gì, không nên làm gì, nên tự hạn chế quyền của mình như thế nào, nên trả lại quyền nào cho người dân. Nhà nước cũng đã nhận thức được yêu cầu, sự bức bách của xã hội và doanh nghiệp về sửa đổi, cải thiện môi trường kinh doanh để từ đó cố gắng luật hoá các thay đổi”, bà Lan nhìn nhận.

Tại buổi báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2019, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc chỉ ra, có hai đợt sóng cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh trong nhiệm kỳ này. Làn sóng thứ nhất diễn ra vào năm 2016 đã xoá bỏ hàng ngàn điều kiện kinh doanh, chấm dứt điều kiện kinh doanh trong các thông tư, điều kiện kinh doanh phải được quy định trong nghị định.

Làn sóng thứ hai diễn ra vào năm 2018 khi theo đề nghị của VCCI và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Chính phủ đã quyết liệt yêu cầu cắt giảm và đơn giản hoá 50% điều kiện kinh doanh. Kết quả là có 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh được cắt giảm; 6.776/9.926 thủ tục hành chính liên quan đến dòng hàng, mặt hàng kiểm tra chuyên ngành được cắt bỏ. Tuy nhiên, tính thực chất của những con số này dường như chưa có ai khẳng định được.

Nếu so sánh tương đối, Việt Nam vẫn có tăng trưởng so với chính mình nhưng nếu so sánh với các nước trước đây có mức tăng trưởng thấp hơn thì dường như Việt Nam đang chững lại. Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 (Doing Business 2020) của Ngân hàng thế giới cho thấy, mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 1,2 điểm (từ 68,6 lên 69,8 điểm), nhưng giảm một bậc xếp hạng chung (từ vị trí 69 xuống vị trí 70).

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, những nỗ lực về cải thiện môi trường kinh doanh vẫn chưa tạo kết quả thực tế chạm được mong muốn của doanh nghiệp, nhất là trong những năm gần đây với sự xuất hiện của thuật ngữ “trên nóng dưới lạnh”, trên thì sốt ruột muốn cải thiện môi trường kinh doanh nhưng từ cấp bộ đến các địa phương đều nguội lạnh và không chịu cải thiện theo. “Phải chịu thay đổi, thậm chí phải chịu đau để thay đổi, quan trọng là từ các cấp trong bộ máy của Nhà nước”, bà Lan nói.

Chủ tịch VCCI từng nhìn nhận, nếu việc cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh trong năm 2018 được ví như những “đợt sóng lớn” thì trong năm nay lại chỉ là những “gợn sóng nhỏ”. Hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh năm 2019 diễn ra khá lặng lẽ, dường như sự nhiệt tình của một số bộ đã giảm đi đáng kể hoặc có thể các bộ nhận thấy không thể cắt giảm, đơn giản hóa hơn nữa các điều kiện kinh doanh do bộ mình quản lý.

Ông Lộc cho rằng, việc cắt giảm đơn giản hoá điều kiện kinh doanh có thực hiện được hay không, cắt giảm được ít hay nhiều đều phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí của các bộ. Trong khi đó, bà Lan nhìn nhận, thiện chí là một thứ rất mông lung, thiện chí của mỗi bộ không chỉ dựa vào cá nhân bộ trưởng hay các thứ trưởng mà của các hệ thống bao gồm hàng nghìn người làm việc trong bộ. Chưa kể nếu bộ này thiện chí, bộ kia không thiện chí thì coi như cố gắng của một bộ nhất định làm đều bị xoá bỏ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cũng đánh giá, việc cải cách đang diễn ra không đồng đều giữa các lĩnh vực. Một số lĩnh vực liên tục có sự chuyển biến tích cực cả về xây dựng chính sách lẫn thực thi, nhưng một số lĩnh vực khác lại chưa có những cải thiện đáng kể trong nhiều năm qua. Nói cách khác, có cơ quan rất nỗ lực cải cách thực chất, nhưng cũng có những cơ quan thực hiện một cách đối phó, hình thức.

Như vậy, bà Lan cho rằng, những cố gắng của Chính phủ đã đề ra bao nhiêu năm về cải thiện môi trường kinh doanh một cách đồng bộ sẽ không thể nào đạt được khi các cơ quan nhất quyết không cùng thực hiện và chính sách không nhất quán, không đồng bộ, thực thi không nghiêm, kỷ cương kém.

Theo vị chuyên gia kinh tế này, lẽ ra tất cả các chủ trương Quốc hội thông qua thì các cơ quan Nhà nước phải thực hiện nghiêm túc nhưng chính họ lại là nơi đầu tiên không thực hiện nghiêm túc, từ đó Chính phủ phải ra các nghị quyết cầm tay chỉ việc, mà đến cầm tay chỉ việc cũng không thực hiện được.

“Đây không phải là câu chuyện của một cá nhân mà là câu chuyện của cả một hệ thống. Tôi nghĩ nhà nước không cần phải có nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh nữa mà cần có nghị quyết về cải thiện kỷ cương trong bộ máy nhà nước”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

Mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ chờ thể chế

Việc đẩy mạnh triển khai những cải cách tiếp theo cũng như tạo thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân xây dựng năng lực sản xuất kinh doanh mới cho nền kinh tế được TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM đánh giá là rất quan trọng để những cải cách đã thực hiện có hiệu lực mạnh mẽ hơn khi những tác động trên thực tế chưa bằng cải cách trên văn bản, giấy tờ. Việc cải cách của Việt Nam dù tìm lối đi riêng thì vẫn phải tuân theo quy luật của thị trường, không nằm ngoài những vấn đề mà thế giới gặp phải.

Kim chỉ nam cho nền kinh tế thịnh vượng
Việc cải cách môi trường kinh doanh cần hướng đến cộng đồng nói chung, bao gồm phần đa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đóng góp rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế.

“Tôi kiến nghị đừng để các bộ tự làm, vì nếu từng bộ thì không ai làm được cái này đâu. Đây là lĩnh vực đầy rẫy xin – cho và quyền lợi, không ai tự bỏ quyền của mình cả. Để các bộ tự làm với nhau thì chỉ ra một sản phẩm thỏa hiệp thôi, không giải quyết được vấn đề”, ông Cung từng trả lời phỏng vấn hồi cuối tháng 10/2019. Nguyên lãnh đạo CIEM kiến nghị thành lập một tổ công tác chuyên ngành, chủ yếu là người bên ngoài, đặt dưới sự chỉ đạo của một phó thủ tướng để làm.

Ông Cung cho rằng, không nên coi doanh nghiệp như một công cụ để Nhà nước quản lý mà hãy coi họ là công cụ kinh doanh. Việc cải cách, làm bừng lên hiệu quả của khu vực kinh tế tư nhân sẽ là động lực rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế ít nhất trong 5 năm tiếp theo.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc cải cách môi trường kinh doanh cần hướng đến cộng đồng nói chung, bao gồm phần đa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đóng góp rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế. Với các doanh nghiệp đã lớn mạnh, có tiếng nói hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế thì có thể cầu lên Thủ tướng Chính phủ tại một số diễn đàn.

Nhà nước cũng đã nhận thức được yêu cầu, sự bức bách của xã hội và doanh nghiệp về sửa đổi, cải thiện môi trường kinh doanh để từ đó cố gắng luật hoá các thay đổi"
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

“Nhưng như vậy, Thủ tướng chỉ có thể giải quyết cho một nhóm nhỏ chứ không thể giải quyết cho hơn 750 nghìn doanh nghiệp, mà một đất nước cũng không thể lớn mạnh chỉ dựa vào mấy doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp lớn là đầu tàu nhưng các toa tàu là doanh nghiệp nhỏ và vừa đi cùng bị bỏ lại đằng sau thì làm sao kéo cả nền kinh tế Việt Nam đi lên. Nên câu chuyện cải thiện môi trường kinh doanh phải hướng đến đông đảo doanh nghiệp trong xã hội” bà Lan chỉ ra.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải làm sao giải quyết cơ bản câu chuyện môi trường kinh doanh để mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh không còn là tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp mà phải tạo thuận lợi. Tổ chức thương mại thế giới (WTO) với hơn 160 quốc gia trên toàn cầu có thể thoả thuận được với nhau bằng một nghị quyết chung về thuận lợi hoá thương mại trong khi một quốc gia thành viên như Việt Nam vẫn còn đang loay hoay gỡ khó.

“Nếu gỡ được nút thắt về môi trường kinh doanh thì triển vọng sẽ rất tốt trong thập kỷ tới. Tôi không lo chúng ta bị lạc hậu về công nghệ bằng lạc hậu về thể chế” chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.