Kinh nghiệm thúc đẩy đầu tư của các địa phương tiêu biểu

Phạm Sơn - 11:16, 06/01/2023

TheLEADERMức tăng trưởng GDP ấn tượng trên 8% trong bối cảnh nền kinh tế xuất hiện nhiều rủi ro, thách thức khó lường, có sự đóng góp đáng kể từ nỗ lực giải ngân đầu tư công, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội của các địa phương.

Thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với địa hình sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nền đất yếu, hiện tượng sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng, Cà Mau có suất đầu tư cao hơn tương đối so với mặt bằng chung, cũng như khó khăn trong triển khai các dự án đầu tư công.

Tuy nhiên, năm 2022, Cà Mau là một trong những địa phương đạt mức tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, tính đến hết năm 2022 đạt 77% kế hoạch. Ông Huỳnh Quốc Việt, Phó bí thư tỉnh ủy Cà Mau, cho biết, dự kiến đến hết tháng 1/2023, Cà Mau sẽ đạt tỷ lệ giải ngân đầu tư công 95% so với kế hoạch được giao.

Bên cạnh việc bám sát những chỉ đạo của Trung ương, trao đổi với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và đầu tư, theo ông Việt, một trong những giải pháp được Cà Mau thực hiện rất hiệu quả là rà soát lại việc phân bổ các dự án, tập trung tối đa nguồn lực cho những dự án quan trọng.

Đây cũng là giải pháp được Quảng Ninh lựa chọn để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022. Ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, nếu như năm 2021, tỉnh có 16 dự án thì đến năm 2022 cắt giảm chỉ còn 13 dự án.

“Kinh nghiệm của tỉnh là cơ cấu lại vốn đầu tư công, giảm bớt công trình không thực sự cần thiết”, ông Huy báo cáo với Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng tập trung làm tốt khâu chuẩn bị đầu tư. Chính quyền tỉnh giao các sở, ngành bám sát để thực hiện sớm những khâu như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng…, đồng thời phân công lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành phụ trách từng chủ đầu tư để đôn đốc, thực hiện dự án đúng tiến độ.

Kết quả, đến hết tháng 12/2022, Quảng Ninh đạt mức giải ngân vốn đầu tư công 95% so với kế hoạch và dự kiến sẽ đạt 100% đến hết tháng 1/2023.

Bên cạnh giải ngân vốn đầu tư công, Quảng Ninh cũng tích cực thúc đẩy vốn đầu tư toàn xã hội, bởi theo ông Huy, vốn đầu tư toàn xã hội là rất cần thiết trong phát triển hạ tầng. Quảng Ninh thực hiện hỗ trợ nhà đầu tư trong việc chuẩn bị mặt bằng sạch, động viên, khích lệ nhà đầu tư thực hiện các dự án.

Là quán quân của bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ nhà đầu tư trên nhiều phương diện cũng là điểm sáng của tỉnh Quảng Ninh.

Lào Cai cũng là tỉnh miền Bắc có mức giải ngân vốn đầu tư công cao, đạt gần 90% trong năm 2022. Đây là một nỗ lực đặc biệt lớn của tỉnh Lào Cai, khi hết quý III/2022, tỉnh này nằm trong top 10 địa phương có mức giải ngân đầu tư công thấp nhất cả nước.

Ngay sau khi công bố số liệu quý III/2022, tỉnh Lào Cai đã khẩn trương họp bàn, phân công chỉ đạo tất cả các bí thư cấp ủy phải báo cáo hàng tuần tiến độ công việc, tuyệt đối không được đùn đẩy trách nhiệm. “Gắn trách nhiệm và nêu gương người đứng đầu” là bài học được Lào Cai rút ra, theo ông Đặng Xuân Phong, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai.

Bên cạnh nỗ lực thúc tiến độ đầu tư công, Lào Cai cũng triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn chung cũng như khó khăn đặc thù của tỉnh. Chủ động kết nối, trao đổi là giải pháp được tỉnh Lào Cai thực hiện tương đối hiệu quả trong năm 2022, bao gồm đăng ký kết nối, làm việc với Trung ương để tháo gỡ khó khăn, chủ động kết nối với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Bình Phước cũng là một trong những địa phương luôn nỗ lực vươn lên, phấn đầu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại và trở thành địa phương tạo động lực phát triển cho vùng Đông Nam Bộ, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Năm 2022, kinh tế Bình Phước đạt được một số kết quả ấn tượng, cụ thể là tăng trưởng ở mức 8,42%; thu ngân sách đạt hơn 14 nghìn tỷ đồng, đạt 117% dự toán; GRDP bình quân đầu người đạt 84,6 triệu đồng/người/năm, tăng 11,3% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới đạt 1150 doanh nghiệp.

Bà Trần Tuệ Hiền, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết, thành tích của Bình Phước đến từ nỗ lực tập trung thực hiện mạnh nhất các giải pháp phục hồi sản xuất, đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả xúc tiền đầu tư cũng là những giải pháp được Bình Phước triển khai tích cực.