Lãnh đạo theo phong cách 'đi cày' hay rảnh tay là đánh golf?

Việt Hưng - 08:00, 29/09/2023

TheLEADERLãnh đạo doanh nghiệp nên làm việc theo phong cách "đi cày" - làm ngày làm đêm, hay làm việc theo phong cách "rảnh tay" - giao việc cho nhân viên, càng ít can thiệp vào công ty càng tốt?

Đây là câu hỏi được đặt ra tại Diễn đàn Lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Việt Nam 2023, với chủ đề "tư duy mới, hành động mới".

Một doanh nhân trẻ đã đặt câu hỏi cho Chủ tịch FPT - ông Trương Gia Bình và Chủ tịch Sunhouse - ông Nguyễn Xuân Phú về việc lãnh đạo doanh nghiệp nên làm việc theo phong cách "đi cày" - làm ngày làm đêm, hay làm việc theo phong cách "rảnh tay" - giao việc cho nhân viên, càng ít can thiệp vào công ty càng tốt.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Sunhouse cho rằng, mỗi lãnh đạo, mỗi doanh nghiệp sẽ có cách quản trị và vận hành bộ máy khác nhau, tương ứng với mỗi ngành nghề riêng biệt.

Quan điểm của ông Phú là lãnh đạo doanh nghiệp cần truyền được động lực, nhiệt huyết và ý tưởng đổi mới sáng tạo xuống cho từng cấp bậc nhân viên. Làm được điều này, nhân sự mới thực sự cống hiến cho công ty và chủ động làm việc hiệu quả ngay cả khi ông chủ vắng mặt.

Theo Chủ tịch Sunhouse, một doanh nghiệp hoạt động tốt là doanh nghiệp mà "ông chủ" ít phải đi làm. "Giờ đây mỗi tuần tôi có thể dành ra một buổi chơi golf, năm sau có thể là hai buổi mỗi tuần, năm sau nữa là ba buổi", ông Phú nói.

Vị lãnh đạo này cho rằng, doanh nghiệp không thể mãi phụ thuộc vào duy nhất người đứng đầu, mà cần vận động như một nhà máy, đó là người nào việc nấy theo đúng quy chuẩn, để nhân sự nào cũng đều biết được quyền hạn và trách nhiệm của mình.

Ông Phú kể câu chuyện, một người bán rau dù nắng dù mưa vẫn vượt hàng chục cây số để mang rau lên Hà Nội bán, chỉ để thu về số tiền 200.000 đồng. "Ít ỏi như vậy tại sao họ vẫn làm? Nếu trả lời được câu hỏi này, các bạn doanh nhân sẽ hiểu tại sao có những lãnh đạo doanh nghiệp họ bất chấp vất vả, vẫn làm việc ngày đêm", ông nói.

Lãnh đạo theo phong cách 'đi cày', hay rảnh tay là đánh golf?
Chủ tịch Sunhouse - ông Nguyễn Xuân Phú

Về phần mình, Chủ tịch FPT - ông Trương Gia Bình khẳng định, bản thân rất thích làm việc và chưa từng nghĩ tới chuyện nghỉ ngơi ở tuổi 67.

"Hiện tại, tôi vẫn trực tiếp đi bán hàng", ông Bình nói. Chủ tịch FPT cho biết, gần đây ông liên tục có những chuyến công tác Nhật Bản và Mỹ để gặp gỡ khách hàng, đàm phán và ký hợp đồng, bởi chỉ ông mới làm được.

Tất nhiên, người đứng đầu FPT không phủ nhận thực tế là rất ít lãnh đạo doanh nghiệp lớn phải trực tiếp đi bán hàng. Vì đi "bán hàng" là phải chiều khách hàng, có khi phải hạ mình thấp hơn. Nhưng ông Bình không ngại điều đó, thậm chí còn thấy khó chịu khi các cuộc "đi bán hàng" của mình thưa bớt.

"FPT giờ đây đã sản xuất được chip bán dẫn. Sắp tới tôi sẽ đi gặp tất cả các công ty sản xuất chip lớn trên thế giớiđể chào hàng, để thuyết phục họ hợp tác", ông nói.

Theo ông Trương Gia Bình, đã làm "tướng" thì phải đứng ở vị trí đầu sóng ngọn gió, thậm chí sẵn sàng hi sinh thân mình thì mới có được sự kính trọng của nhân viên.

Đặc biệt, Chủ tịch FPT nhấn mạnh vai trò làm gương, đi đầu của người lãnh đạo trong doanh nghiệp, từ kinh doanh, văn hoá đến đổi mới tư duy.

Bàn về chân dung của một lãnh đạo doanh nghiệp thời đại mới, ông Bình cho rằng mỗi doanh nhân cần trả lời ít nhất ba câu hỏi. Thời gian tới, thị trường thay đổi như thế nào? Đối thủ có hành động gì? Khách hàng mong muốn gì?

Theo ông Trương Gia Bình, người đứng đầu doanh nghiệp phải luôn đau đáu về chiến lược và tư duy đổi mới. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo phải có hành động, cũng như khát khao đưa doanh nghiệp hóa hổ, hóa rồng. Từ đó, doanh nghiệp góp phần xây dựng đất nước hùng mạnh.

Lãnh đạo theo phong cách 'đi cày', hay rảnh tay là đánh golf? 1
Chủ tịch FPT - ông Trương Gia Bình

Cùng bàn về hình ảnh người lãnh đạo doanh nghiệp trong thời kì mới, bà Nguyễn Thị Trà My - CEO Tập đoàn Pan đánh giá cao tâm huyết của ông Trương Gia Bình, đồng thời khẳng định bản thân cũng theo phong cách thích được làm việc.

Bà My cho rằng, các doanh nhân trẻ Việt Nam có thể học hỏi tinh thần làm việc người Nhật, đề cao các đức tính như: kiên trì, bền bỉ, và tập trung tối đa vào mục tiêu.

Kể về một doanh nghiệp trồng hoa do bà My làm chủ với doanh thu quy mô 100 tỷ đồng mỗi năm, CEO Tập đoàn Pan cho biết, từng có thời điểm bà rất muốn từ bỏ, nhưng sự cổ vũ về mặt tinh thần của đối tác Nhật đã giúp bà và cả công ty có thêm niềm tin.

Sau này, bà Nguyễn Thị Trà My mới biết được, đối tác Nhật có quy mô doanh thu lên tới 4 tỷ USD, nhưng liên tục cử các chuyên gia sang hỗ trợ, đồng hành cùng người dân lấy từng xô đất, thau nước, hạt giống...

"Ba năm rưỡi chúng tôi lỗ, la liệt những xô hoa phải đổ đi trong thời kì Covid-19 hoành hành. Cá nhân tôi cảm thấy nghiệt ngã tới phát khóc, muốn đóng cửa công ty. Nhưng đối tác Nhật quá kiên trì, họ đồng hành tới khi chúng tôi thoát lỗ", bà My kể lại.

Qua đó, lãnh đạo Tập đoàn Pan tin rằng, doanh nhân thời đại mới không chỉ cần có tầm, mà điều quan trọng là cần có tâm.

Nhất là với các công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề chất lượng, làm ăn bài bản không bao giờ thay đổi.

"Nhiều năm qua, chúng tôi kiên trì với mục tiêu phát triển bền vững, khi các công ty ở Việt Nam còn chưa để ý. Đó là lý do 51% sản lượng của chúng tôi là xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhất", CEO Nguyễn Thị Trà My khẳng định.