Ô nhiễm khiến du khách ‘một đi không trở lại’

Minh Nhật - 13:12, 21/01/2020

TheLEADERNhiều điểm đến của Việt Nam đang phải đối mặt với những nguy cơ về môi trường, giảm sự hấp dẫn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019 tiếp tục đánh dấu thành công của du lịch Việt Nam với lượng khách quốc tế đạt trên 18 triệu lượt, cao nhất trong lịch sử.

Trong đó, số lượng khách từ Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc là tăng trưởng mạnh nhất. Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường có nhiều khách đến Việt Nam, chiếm gần 56% tổng lượng khách.

Điều này cho thấy rủi ro của du lịch Việt Nam khi phụ thuộc nhiều vào hai quốc gia trên cũng như nguy cơ môi trường bị ảnh hưởng mạnh mẽ dưới áp lực của gia tăng du lịch nhanh chóng.

Liên quan đến bền vững môi trường, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đã tăng 8 bậc từ vị trí 129/136 lên 121/140 nhờ chỉ số phê chuẩn hiệp ước môi trường tăng mạnh (tăng 24 bậc).

Tuy nhiên, các chỉ số khác đã tụt hạng, bao gồm thực thi các quy định về môi trường (giảm 23 bậc), phát triển bền vững ngành lữ hành và du lịch (giảm 12 bậc), mức độ nghiêm ngặt của các quy định về môi trường (giảm 11 bậc), thay đổi độ che phủ rừng (giảm 10 bậc ).

“Đây là tín hiệu cho thấy cần có các quy định và biện pháp thực thi mới”, ông Kenneth Atkinson, Trưởng nhóm công tác du lịch của Diễn đàn doanh nghiệp (VBF), nhấn mạnh.

Ông nhận định những thay đổi xếp hạng trên đây chứng tỏ nhiều điểm đến đang phải đối mặt với nguy cơ về môi trường, trong khi kế hoạch phát triển bền vững chưa được triển khai và các quy định pháp luật chưa thực sự phù hợp với mức độ tăng trưởng và quy hoạch tổng thể của ngành du lịch.

Một số khu vực tại Việt Nam hiện đang mất tài sản và phải đối mặt với các mối đe dọa môi trường nghiêm trọng (không có kế hoạch hoặc quy định quản lý chất thải, nguồn nước hoặc đất đai bị ô nhiễm, xây dựng phát triển quá mức) trong khi những nỗ lực thống nhất chưa được triển khai.

Ô nhiễm môi trường khiến khách du lịch ‘một đi không trở lại’
Ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn giảm sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.

Những vẫn đề này đã được đề cập, như trường hợp ô nhiễm ở Phú Quốc đã làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến này tại thị trường Nhật Bản. Tại các thành phố như TP.HCM, vận chuyển đường sông dành cho du khách và người dân rất hạn chế khi hiện chỉ có ba quận có tuyến vận hành như một phương tiện di chuyển xanh và hiệu quả, giảm bớt tắc nghẽn đường bộ và tận dụng các tuyến sông và kênh rạch.

Lượng rác thải hàng ngày quá mức, chất lượng nước và tình trạng không xử lý cũng như các chương trình tái chế kém hiệu quả là một vấn đề môi trường nghiêm trọng và Việt Nam được xác định là một nguồn xả chất thải nhựa lớn trên thế giới. 

Kết quả là ngành công nghiệp du lịch của Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ rác thải nhựa trên các bãi biển và trong các môi trường tự nhiên khác, dẫn đến việc du khách không quay trở lại.

Ngân hàng thế giới (World Bank) trong báo cáo Điểm lại hồi tháng 7 năm ngoái khuyến cáo mô hình tăng trưởng du lịch dựa trên số đông sẽ dẫn tới rủi ro là tác động của ngành đến nền kinh tế giảm dần, tài sản du lịch văn hóa và thiên nhiên bị xuống cấp, sự ủng hộ của cộng đồng địa phương với du lịch bị xói mòn.

World Bank đã đề cập tới hiện trạng về môi trường sinh thái tại một số địa danh nổi tiếng như tại Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), ô nhiễm và hủy hoại sinh vật biển hoang dã do các tàu thuyền du lịch và làng chài trong Vịnh là vấn đề tồn tại lâu nay.

Mặc dù chính quyền đã tiến hành những biện pháp quan trọng trong những năm qua, như tái định cư làng chài và thắt chặt quy định về xả thải của tàu thuyền, nhưng rủi ro vẫn tiếp diễn do lưu lượng tàu thuyền lớn và đội tàu cũ kỹ, không chỉ gây ảnh hưởng đối với môi trường địa phương mà còn ảnh hưởng đến trải nhiệm chung của du khách.

Tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (khu di sản thế giới của UNESCO), tỉnh Quảng Bình, kế hoạch xây dựng đường cáp treo mới dẫn vào hang Sơn Đoòng đã gây lo lắng về nguy cơ gây hại đến rừng xung quanh trong quá trình xây dựng và hệ sinh thái động do cáp treo sẽ làm tăng mạnh khách du lịch.

Sa Pa (Lào Cai) là thành phố cửa ngõ để đến với những thửa ruộng mang tính biểu tượng quanh vùng, đỉnh núi Fansipan, làng văn hóa Cát Cát. Tuy nhiên, việc xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các công trình du lịch khác (bao gồm cả đường cáp treo dẫn lên đỉnh Fansipan) đã dẫn đến đẩy mạnh phá rừng, ô nhiễm và ùn tắc giao thông, bắt đầu hủy hoại đặc trưng về vẻ đẹp mộc mạc trước đây của vùng này cũng như chất lượng chung về trải nghiệm của du khách.

Rủi ro của xu hướng phát triển trên không chỉ giới hạn ở những điểm du lịch văn hóa thuần túy mà tại các thành phố lớn như Hà Nội, các tòa nhà lịch sử và di sản đang dần dần bị thay thế bằng khách sạn hiện đại và công trình thương mại khác để đáp ứng lượng khách tăng lên, World Bank nhận định.

Hướng tới phát triển bền vững

Ông Kenneth Atkinson cho rằng quản lý sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải carbon và giảm phát thải, quản lý chất thải, giao thông vận tải và tác động của những hoạt động này tới sức khỏe, an toàn và việc làm cùng sự gắn kết có ý nghĩa với cộng đồng địa phương chính là chìa khóa.

Theo đó, Việt Nam cần đa dạng hóa danh sách điểm đến, giảm tải ở những khu vực tập trung đông khách du lịch, thông qua các dịch vụ du lịch sinh thái, phát triển thành phố thông minh, tái trồng rừng và quảng bá vườn quốc gia.

Chính sách bắt buộc và đầu tư từ chính quyền trung ương và địa phương là cần thiết để phát triển các cơ sở mới, hoặc thông qua mô hình đối tác công tư. Những chính sách và hoạt động đầu tư này cần được xây dựng và tổ chức để hỗ trợ tài sản hiện tại và tương lai, phù hợp với các biện pháp trách nhiệm môi trường và các chương trình quản lý chất thải đã được phát triển hoàn thiện.

Ô nhiễm môi trường khiến khách du lịch ‘một đi không trở lại’ 1
Việt Nam cần đa dạng hóa danh sách điểm đến, giảm tải ở những khu vực tập trung đông khách du lịch.

Các đơn vị quy hoạch đô thị và cơ quan quản lý du lịch cần hiểu rõ tầm quan trọng của tài sản di sản là nguồn lực kinh tế và quốc gia quan trọng đồng thời nhận thức được giá trị kinh tế và sự mong manh của những tài sản này và xây dựng các chính sách bảo vệ phù hợp.

Theo nhóm công tác du lịch, bền vững du lịch là quá trình liên tục sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên môi trường, tăng cường tôn trọng đối với cộng đồng bản xứ và đảm bảo các hoạt động kinh tế lâu dài khả thi. Phân phối công bằng lợi ích giữa các bên liên quan tới du lịch là một hoạt động gắn với nhiều thách thức về kinh tế, môi trường, xã hội và chính trị, đòi hỏi quản lý chặt chẽ và chính sách công dựa trên bằng chứng.

Chính sách bắt buộc quản lý chất thải từ chính quyền trung ương và địa phương và công tác xây dựng các cơ sở mới từ nguồn đầu tư của chính quyền địa phương hoặc thông qua PPP, cần được phát triển để hỗ trợ những tài sản hiện tại và tương lai, phù hợp với các biện pháp trách nhiệm môi trường và các chương trình xử lý chất thải toàn diện.

Các nhà quy hoạch đô thị và cơ quan quản lý du lịch cần hiểu rõ tầm quan trọng của tài sản di sản như là nguồn lực kinh tế và vật chất quan trọng đồng thời ghi nhận giá trị kinh tế cũng như tính dễ bị tổn thương.

Các địa danh như Mỹ Sơn, Đà Lạt, TP.HCM thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông do công tác bảo vệ còn nhiều hạn chế, do đó các biện pháp cần được phát triển để kiểm soát số lượng du khách, như đã được triển khai ở nhiều quốc gia.

Giảm nhu cầu đối với các loài động vật hoang dã đang bị đe dọa nghiêm trọng và hạn chế hoạt động tương tác không có kiểm soát với động vật hoang dã để bảo vệ số lượng loài hạn chế ở Việt Nam. Triển khai công tác quảng bá và thông tin tại các công viên quốc gia hoặc các khu vực tự nhiên để khuyến khích khách du lịch tôn trọng và bảo vệ các địa điểm nhạy cảm này, nhóm công tác đề xuất.