Phú Quốc: Đảo ngọc của thế giới hay thị trấn Tây cho người Việt?

Phương Anh - 08:46, 22/05/2022

TheLEADERTừ một địa điểm vốn được xem là hòn đảo thiên đường với khung cảnh thiên nhiên mê hoặc, Phú Quốc giờ đây ngày càng giống châu Âu thu nhỏ, với các dự án phát triển không khác gì các điểm đến vui chơi thương mại khác.

Khi Chủ tịch của Grant Thornton Việt Nam – ông Ken Atkinson đến Phú Quốc lần đầu tiên vào năm 2003, vẻ đẹp của hòn đảo này khiến ông rất ấn tượng, liên tưởng đến Phuket hay Samui thời kỳ đầu.

Trong mắt ông lúc ấy, Phú Quốc là một viên kim cương thô với tiềm năng phát triển thành nơi cảnh sắc ngoạn mục ở Việt Nam.

Hòn đảo gần 600 km2 được bao phủ với hệ sinh thái động thực vật đa dạng, làn nước trong vắt như pha lê với những rạn san hô màu sắc. Ở thời điểm đó, dân số của Phú Quốc chưa đến 45.000 người, với công việc chủ yếu là đánh cá, trồng tiêu, nuôi ngọc trai, chế biến hải sản, nước mắm.

Năm 2006, UNESCO đã công nhận khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, bao gồm cả Phú Quốc, là khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhờ sự phát triển đa dạng của thiên nhiên nơi đây.

Rất nhanh, hòn đảo lớn nhất của Việt Nam đã khoác lên một diện mạo mới, nhưng lại là diện mạo chẳng thể nghĩ tới.

Phát triển Phú Quốc: Thành công hay sai lầm?
Bãi biển Phú Quốc năm 2009. Ảnh: Andia/ Getty Images.

Trước đây, Phú Quốc thường được nhắc đến và so sánh với Bali hay Jeju với đặc điểm thúc đẩy văn hóa địa phương khi làm du lịch. Nhưng Phú Quốc ngày nay đã dần trở thành Las Vegas hay đảo Hải Nam.

Sự phát triển nhanh như vũ bão trên Phú Quốc đang khiến hòn đảo này có khả năng đánh mất hình ảnh thiên đường đầy quyến rũ như từng có.

Giờ đây, khắp nơi trên Phú Quốc là hàng nghìn phòng khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng cho thuê, hàng loạt căn nhà phố thương mại giống hệt nhau, cùng các căn biệt thự, khu dân cư chạy dài.

Ông Ken Atkinson cho biết Phú Quốc còn có nhiều phòng hơn cả Sydney, với số lượng lên tới 40.000 phòng khách sạn nếu tính cả các condotel, biệt thự và nhà ở.

Không chỉ có ông Ken Atkinson, James Clark – nhà sáng lập bản tin Future Southeast Asia, người đã sống tại TP.HCM từ năm 2012, cũng ngỡ ngàng với sự thay đổi của Phú Quốc khi ông đến thăm hòn đảo này vào tháng 3/2020, 5 năm sau lần đầu tiên đặt chân đến đây. Hòn đảo từng ngủ yên giờ đây đang trở thành một thành phố không ngủ.

Hình hài mới của Phú Quốc

Tính đến nay, khoảng 16,5 tỷ USD tiền đầu tư đã đổ vào Phú Quốc, phần lớn từ các nhà phát triển tên tuổi của Việt Nam, đáng chú ý là Vingroup và Sun Group.

Năm 2014, Vingroup bắt đầu khởi công một số dự án trong siêu quần thể Phú Quốc United Center có tổng mức đầu tư 66.000 tỷ đồng – khoảng 2,8 tỷ USD. Quần thể này bao gồm các thương hiệu khách sạn từ nhỏ đến 5 sao, công viên chủ đề lớn nhất Việt Nam, Vinpearl Safari, sân gofl 18 hố, Corona Casino 5 sao, thành phố mua sắm giải trí không ngủ Grand World, bệnh viện.

Phát triển Phú Quốc: Thành công hay sai lầm? 1
Khắp nơi trên Phú Quốc là hàng nghìn phòng khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng cho thuê, hàng loạt căn nhà phố thương mại giống hệt nhau, cùng các căn biệt thự, khu dân cư chạy dài.

Trong khi đó, Sun Group chiếm ưu thế ở khu vực phía Nam với công viên giải trí, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, công viên nước và cáp treo vượt biển dài nhất thế giới.

“Tôi chưa từng thấy nơi nào ở Đông Nam Á có thể so sánh được với những gì đang diễn ra ở Phú Quốc”, Clark nói.

Dường như sự phát triển của Phú Quốc hiện nay đang hướng đến hấp dẫn tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều hơn tại Việt Nam, khi các dự án như Grand World và Grand City hướng đến cung cấp cho du khách điểm đến du lịch mang tầm cỡ quốc tế, mà không cần phải xuất ngoại, theo Marco Foerster, quản lý cố vấn kinh doanh quốc tế cho Dezan Shira & Associates tại TP.HCM.

Năm 2012, sân bay quốc tế Phú Quốc bắt đầu đi vào hoạt động, mở dòng du lịch nội địa. Dữ liệu từ Sở Du lịch Kiên Giang cho thấy năm 2019, trong số hơn 5 triệu lượt khách đến Phú Quốc, có tới hơn 85% là khách trong nước.

Marco Foerster nhận định các nhà đầu tư dường như đang chạy theo xây dựng các thị trấn và khu nghỉ dưỡng mang phong cách châu Âu tại Phú Quốc, nhưng điều này chỉ khiến hòn đảo hấp dẫn trong mắt du khách Việt Nam.

Trong khi đó, với khách quốc tế, họ chỉ muốn đến Phú Quốc để trải nghiệm Phú Quốc, chứ không phải một thị trấn châu Âu đầy màu sắc.

Jeff Redi, Giám đốc điều hành của Diethelm Travel Việt Nam, cũng có quan điểm tương tự: “Một số người có thể thấy thú vị khi nhìn thấy bản sao của Venice hay Firenze ở Phú Quốc, nhưng tôi tự hỏi liệu đó có phải là điều mà du khách quốc tế mong đợi được trải nghiệm khi ở Việt Nam”.

Vấn đề bền vững trong phát triển

Sự đối lập trong nhu cầu của khách nội địa và quốc tế không phải là vấn đề duy nhất Phú Quốc đang phải đối mặt. Sức nặng của các loại chất thải gây ô nhiễm cũng đang khiến hòn đảo này gặp nhiều vấn đề.

Phát triển Phú Quốc: Thành công hay sai lầm? 2
Du lịch phát triển "nóng" đã kéo theo vấn nạn rác thải tại Phú Quốc. Ảnh: Gundula Overmöller/ EyeEm/ Getty Images.

Bà Nguyễn Thúy Quỳnh, hiện là Giám đốc truyền thông và vận động chính sách của Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, cho biết rác thải nhựa từ khách du lịch đã gây ra sự quá tải đối với hệ sinh thái của Phú Quốc, khi hòn đảo này thiếu các bãi chôn lấp.

“Nếu không có hành động thích hợp, những núi rác này sẽ sớm trở thành mối đe dọa với ngành du lịch đang lên của Phú Quốc”, bà nói.

Trong khi sự phát triển của Phú Quốc giúp tạo ra việc làm cho người dân địa phương, thúc đẩy hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe, quá trình đô thị hóa cũng khiến gia tăng ô nhiễm tại đây.

Redi của Diethelm Travel Việt Nam cho rằng Phú Quốc thiếu sự phối hợp trong quá trình đô thị hóa, khi không có kế hoạch tổng thể rõ ràng về hình ảnh của Phú Quốc trong tương lai, và khi quá trình xây dựng ồ ạt dừng lại.

Mặt khác, Phú Quốc như ví dụ điển hình cho nền du lịch phục vụ số đông. Ông Michael Piro, Giám đốc điều hành của Indochina Capital, nhận định Việt Nam đã làm rất tốt trong việc khuyến khích du lịch số đông, nhờ các ưu đãi về thuế, miễn thị thực, giảm phí sử dụng đất hay những ưu đãi tương tự.

Tuy nhiên, thị trường du lịch số đông lại chưa bao giờ thực sự nằm trong kế hoạch phát triển, theo một kế hoạch tổng thể được công ty kiến trúc Wimberly Allison Tong & Goo (WATG) hợp tác với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia.

Theo đó, kế hoạch tổng thể năm 2030, được phê duyệt vào tháng 5/2010, thiết kế Phú Quốc trở thành “điểm đến du lịch sinh thái đẳng cấp thế giới”, phù hợp với vị thế khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Bên cạnh đó, trang web của WATG cũng khuyến nghị xem xét cẩn thận các hệ sinh thái của Phú Quốc, và tăng trưởng du lịch một cách cân đối.

Sự tham gia của người dân địa phương cũng là vấn đề. Bởi nếu coi những bãi biển, rặng dừa là giá trị duy nhất có thể mang tới cho khách du lịch và các nhà đầu tư, sự phát triển chung sẽ gạt người dân địa phương sang một bên, và không cho họ cơ hội tham gia vào việc định hình lại hòn đảo của chính họ, Foerster, Giám đốc kinh doanh tại Dezan Shira, nhấn mạnh.

Người dân bản địa là linh hồn của hòn đảo, và nếu không có văn hóa và thiên nhiên địa phương, Phú Quốc cũng chỉ như nhiều điểm đến thương mại khác.