Quản lý sở hữu trí tuệ thúc đẩy xuất khẩu sang châu Phi

Hương Giang - 12:49, 22/11/2022

TheLEADERCó nhu cầu lớn và đa dạng đối với những sản phẩm lợi thế của Việt Nam, châu Phi được đánh giá là thị trường tiềm năng của các doanh nghiệp Việt. Một trong những vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng để có thể thâm nhập hiệu quả vào thị trường châu Phi là quản lý tài sản trí tuệ.

Quản lý sở hữu trí tuệ thúc đẩy xuất khẩu sang châu Phi
Giới thiệu hàng Việt tại hội chợ thương mại quốc tế tại châu Phi (Ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị)

Tiềm năng xuất khẩu sang thị trường châu Phi

Kể từ khi ra đời vào năm 2018, Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi đã tạo ra một thị trường chung duy nhất cho hàng hóa và dịch vụ, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội đầu tư và kinh doanh.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với 54/55 quốc gia ở khu vực châu Phi. Vì vậy, trao đổi thương mại hai chiều đã có mức tăng trưởng khả quan trong những năm qua.

Về tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và châu Phi trong thời gian vừa qua, bà Nguyễn Minh Phương, Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết, từ năm 2017 đến hết năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang châu Phi luôn tăng.

Tại thị trường nay, Việt Nam gần như xuất siêu tuyệt đối. Trong đó, Nam Phi là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam với kim ngạch năm 2020 đạt 681 triệu USD, tiếp đến là Ai Cập, Ga-na, Bờ Biển Ngà…

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Châu Phi đạt 2,24 tỉ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2020. Giữa Việt Nam và các nước khu vực Châu Phi, hợp tác nông nghiệp, năng lượng, giao thông và chuyên gia đang có nhiều chuyển biến tích cực.

Với quy mô dân số lớn khoảng 1,3 tỷ người, đặc biệt có nhu cầu nhập khẩu cao nhiều loại mặt hàng phù hợp với hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, châu Phi thực sự là thị trường tiêu thụ có tiềm năng đa dạng.

Theo ông Cao Minh Tú, Vụ Thị trường châu Á- châu Phi nhấn mạnh, nhóm hàng nông sản là ưu tiên hàng đầu của thị trường châu Phi. Cụ thể, năm 2020 châu Phi nhập khẩu gạo từ Việt Nam với trị giá 596,1 triệu USD.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và chiến tranh giữa Nga và Ukraine, nhu cầu về mặt hàng thực phẩm của châu Phi ngày một tăng. Tiếp đến, cà phê và hạt tiêu cũng là mặt hàng được thị trường châu Phi ưa chuộng, trong khi đó sản xuất nội khối của khu vực đối với những ngành hàng này không đủ để cung ứng.

Về thủy sản, gần đây, người dân châu Phi đang có xu hướng thay đổi từ thịt sang các loại thủy sản, từ đó đẩy nhu cầu của loại thực phẩm này tăng cao.

Ngoài ra, với thu nhập ngày càng được cải thiện, người dân châu Phi ngày càng quan tâm và ưa chuộng những nhóm hàng tiêu dùng như dệt may, giày dép với gu thẩm mỹ và sở thích thời trang đa dạng.

Bên cạnh đó, những nhóm hàng như thiết bị và vật tư y tế, xe máy và linh kiện, phụ tùng, máy phát điện… cũng là những mặt hàng mà người dân châu Phi có nhu cầu trong thời gian gần đây. 

Quản lý tài sản trí tuệ khi xuất khẩu sang thị trường châu Phi

Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng đối với những doanh nghiệp Việt Nam muốn hoạt động ở Châu Phi. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp giữ độc quyền trong việc quản lý và tiếp thị tài sản trí tuệ, ngăn những bên bắt chước hưởng lợi và tránh hành vi vô tình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

Là một trong những phương thức chính để các doanh nghiệp và các nhà sáng tạo tạo ra lợi nhuận, sở hữu trí tuệ là động lực chính cho đổi mới và tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam có đến 98% các doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp SME nào cũng biết rằng khi tiếp cận vào thị trường mới, giấy phép sử dụng bằng sáng chế sẽ tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp trong việc đàm phán các thỏa thuận kinh doanh với các nhà nhập khẩu và nhà phân phối.

Theo thống kê, với thị trường châu Âu, các doanh nghiệp đã đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, doanh thu trên mỗi nhân viên cao hơn 68% so với các công ty không sở hữu, Những công ty sở hữu ít nhất một bằng sáng chế, một văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu thương mại, trung bình doanh thu trên mỗi nhân viên cao hơn 20% so với những công ty không sở hữu bất kỳ quyền sở hữu trí tuệ nào trong số đó.

Vì vậy, khi muốn tham gia vào thị trường châu Phi, không chỉ các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cần lên kế hoạch đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu thật kỹ về tình trạng quyền sở hữu trí tuệ ở từng quốc gia châu Phi, từ đó lên kế hoạch xây dựng quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ, quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở mỗi quốc gia đó.

Thêm vào đó, thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thường phức tạp, tốn kém và là gánh nặng tài chính, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường thật kĩ càng để xem đâu là thị trường tiềm năng, phù hợp để kinh doanh.

Từ đó doanh nghiệp có thể chọn ra quốc gia và thời điểm đăng ký phù hợp, tránh được tình trạng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do đăng ký muôn, đồng thời tránh đăng ký đăng ký quyền sở hữu trí tuệ ở những thị trường không tiềm năng, dẫn đến tình trạng lãng phí không cần thiết.