Sản xuất tinh gọn: Động lực lớn của doanh nghiệp sản xuất

Hường Hoàng - 10:17, 21/08/2022

TheLEADERSản xuất tinh gọn là một trong những phương pháp quản trị hiện đại nhằm tinh gọn hóa sản xuất, giảm thiểu lãng phí trong doanh nghiệp, gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Sản xuất tinh gọn: Động lực lớn của doanh nghiệp sản xuất
Doanh nghiệp sản xuất là loại doanh nghiệp áp dụng LEAN hiệu quả nhất (Ảnh: Vũ Digital)

Không thể áp dụng đồng bộ mô hình sản xuất tinh gọn

Thuật ngữ “Sản xuất tinh gọn” (Lean Manufacturing) hay còn gọi tắt là LEAN xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn “The Machine that Changed the World” năm 1990. 

Mô hình này bắt nguồn từ bắt nguồn từ hệ thống sản xuất Toyota (TPS) với năng suất và chất lượng rất hiệu quả. Có thể nói Toyota là doanh nghiệp thành công nhất khi áp dụng LEAN, trở thành tấm gương hàng đầu cho các doanh nghiệp khác tại Nhật Bản noi theo trong những năm 70 của thế kỷ trước.

Với mục đích chính là giảm chi phí, loại bỏ lãng phí, tăng năng suất, sản lượng, rút ngắn thời gian sản xuất và tăng hiệu quả kinh doanh, ngày nay, mô hình LEAN đã được áp dụng rộng rãi tại các công ty hàng đầu trên thế giới, đặc biệt là tại các công ty sản xuất.

Mỗi doanh nghiệp có cách quản lý sản xuất khác nhau, quy trình khác nhau, vì thế việc sao chép nguyên bản phương pháp quản lý sản xuất của một công ty khác là điều không nên. 

Các nhà kinh doanh với đầu óc nhanh nhạy, nên chọn lọc những phương thức phù hợp để triển khai cho doanh nghiệp mình, tự tìm hướng đi riêng sẽ có khả năng thành công cao hơn.

Sản xuất tinh gọn: Động lực lớn của doanh nghiệp sản xuất
Tọa đàm về sản xuất tinh gọn trong Triển lãm công nghiệp quốc tế VME 2022 (Ảnh: Quân đội nhân dân)

Đến với VME 2022, bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, VASI có rất nhiều chương trình để hỗ trợ hoạt động sản xuất tinh gọn cho các doanh nghiệp một cách riêng lẻ. Bởi LEAN có rất nhiều công cụ, trong khi đó không phải doanh nghiệp nào cũng có thể theo đuổi được quá trình chuyển đổi này.

Về khả năng áp dụng LEAN tại một số loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam, ông Phạm Minh Thắng (Nhà sáng lập của P&Q Solutions) cho biết, các doanh nghiệp tại Việt Nam bước đầu đã tiếp cận và triển khai LEAN trong thập niên vừa qua. 

Trong giai đoạn vừa rồi, các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan liên quan cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nghiệp vụ. Trong đó, VASI cũng đã có nhiều sáng kiến, chương trình nhằm tăng cường nhận thức và hỗ trợ triển khai LEAN cho các doanh nghiệp.

Theo ông Thắng, trong những doanh nghiệp sản xuất, những doanh nghiệp gia công theo đơn đặt hàng với tiêu chuẩn theo yêu cầu của khách hàng là một trong những loại hình doanh nghiệp rất phù hợp để thực hiện sản xuất tinh gọn. Những doanh nghiệp này thường sản xuất các sản phẩm đa dạng, số lượng nhỏ, đơn hàng thay đổi liên tục… 

Đây là bối cảnh tốt nhất để thực hiện nhà máy tinh gọn, và các nguyên lý thực hiện quản trị tinh gọn sẽ phát huy tác dụng. 

Tinh gọn nhân sự - cần đi vào mục tiêu kinh doanh

Nói đến tinh gọn sản xuất, nhiều người vẫn nghĩ rằng các công ty có thể tinh gọn hệ thống nhân lực bằng cách chỉ giữ lại những vị trí chủ chốt và cắt giảm số lượng nhân lực không cần thiết và không quá quan trọng. 

Tuy vậy, hiện nay, nhiều công ty sản xuất vẫn có nhiều khâu chưa thể tự động hóa, vẫn cần một lượng lớn công nhân để phục vụ khâu đóng hàng và hậu mãi, nên họ vẫn đang loay hoay tìm cách tinh gọn nhân sự nhất có thể mà chưa tìm được hướng đi phù hợp.

Bình luận về vấn đề này, ông Phạm Trung Hưng, Tổng giám đốc Công ty PNA Consulting cho biết: "Tinh gọn không có nghĩa là cắt đi những thứ chưa tận dụng được hết. Trong vấn đề nhân sự, có lẽ chị Bình hay anh Thắng có thể sẽ quan tâm nhiều hơn vào việc quản trị các nhà máy, nhưng đối với tôi thì việc quản trị con người, quan trọng nhất đó là làm sao để phục vụ mục tiêu của tổ chức. Ví dụ, lúc đó doanh nghiệp đang có một đơn hàng cần sản xuất kịp thời hay đang muốn cắt giảm chi phí sao cho phù hợp”.

Việc sản xuất, bán hàng, dòng tiền, câu chuyện nhân sự sẽ phụ thuộc vào những mục tiêu của tổ chức. Tuy vậy, vẫn còn đó những chỉ tiêu khác về nhân sự mà chúng ta cần quan tâm đánh giá như: tinh gọn, hiệu quả và hiệu suất. Đôi khi một số doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tinh gọn tổ chức nhưng họ lại chưa quan tâm được tất cả những yếu tố này.

Theo ông Hưng, các doanh nghiệp cần xem xét xem bộ máy của họ đã hiệu quả chưa, có nên cắt hay không, cắt vị trí nào sẽ hiệu quả hơn, vị trí nào là vị trí quan trọng và nếu không quan trọng thì có nên giữ lại hay không, cũng như chi phí thay thế là những chi phí nào… Bằng cách này thì mới có thể giải bài toán về tinh gọn nhân sự. Để làm được điều này, các doanh nghiệp có thể tham gia vào các hiệp hội để hiểu và được định hướng thêm về hoạt động cắt giảm nhân sự trong mô hình tinh gọn sản xuất.

Về quản lý và xây dựng hệ thống nhân sự trong mô hình LEAN, ông Minh Thắng cho rằng vấn đề phát triển nhân sự trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt sự dịch chuyển thị trường lao động ở các cấp trực tiếp, cấp quản lý và kĩ thuật hiện tại là rất lớn. Sản xuất tinh gọn có nhiều cách tiếp cận và phương pháp phát triển nhân sự.

Hiện nay, trong doanh nghiệp sản xuất thì các doanh nghiệp cần phải phát triển năng lực của mình trên khía cạnh công nghệ và kĩ thuật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần bổ sung các năng lực liên quan đến quản lý, điều hành doanh nghiệp sản xuất và các năng lực về kĩ năng mềm để có thể hỗ trợ cho môi trường vận hành chung.

Tùy thuộc vào điều kiện nhân sự và năng lực hiện có, doanh nghiệp có thể đánh giá hiện trạng của doanh nghiệp để hoạch định nhu cầu và lên kế hoạch đào tạo nhân sự và các phòng ban trong trung hạn.

Ông Thắng cho biết thêm, hiện nay, công ty P&Q Solution đang cung cấp giải pháp đánh giá các hiện trạng, chẩn đoán về năng lực quản trị cho các doanh nghiệp sản xuất, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo cho các doanh nghiệp từ mảng cao cho đến mảng thấp, từ mảng thấp lao động trực tiếp, thấp giám sát ở thị trường, quản lý cấp chung và quản lý cấp cao của doanh nghiệp, đặc biệt là theo xu hướng lean manufacturing.

Bên cạnh đó, P&Q Solution đã cùng với VASI tổ chức các chuỗi chương trình đào tạo hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm kiện toàn và phát triển đội ngũ nhân sự sau đại dịch. Trong năm 2022, VASI đã tổ chức một số chương trình đào tạo cho các nhóm chuyên môn về QA, QC cho các doanh nghiệp sản xuất, đào tạo các mảng về quản lý sản xuất.

Trong thời gian tới, P&Q Solution sẽ triển khai các chương trình liên quan đến năng lực cho các nhóm về triển khai model, phát triển sản phẩm mới, phát triển nhân sự sản xuất theo mô hình đào tạo và một số hoạt động khác. Việc áp dụng quản trị tinh gọn vào phát triển nhân sự là một bài toán rất hiệu quả.

Áp dụng tinh gọn sản xuất trong chuyển đổi số

Trong khi đó, với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, với mong muốn đầu tư vào mảng tự động hóa, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đang mong muốn tìm cách để bước đầu áp dụng mô hình LEAN vào hoạt động này.

Về vấn đề này, bà Chí Bình nhìn nhận, quyết định đầu tư là quyết định của doanh nghiệp, và đầu tư cái gì thì cũng phải nghiên cứu kỹ. Tuy nhiên, bối cảnh ngày hôm nay là bối cảnh chuyển đổi số. Đây là ưu tiên của quốc gia, vì vậy hiện tại Việt Nam đang có rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động chuyển đổi số. Đến thời điểm này, Cục phát triển doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch đầu tư, Ngân hàng Thế giới và Bộ Công thương cũng đều đang có dự án như vậy. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa nằm trong lĩnh vực chế tạo cũng đang được VASI rất quan tâm.

Theo bà Bình, để chuyển đổi số toàn diện, chúng ta cần phải hiểu sâu sắc về ngành cũng như thị trường, quy trình, hệ thống… chứ không phải cứ muốn là sẽ làm được chuyển đổi số. Điều đầu tiên doanh nghiệp sản xuất và chế tạo cần quan tâm đối với hoạt động chuyển đổi số đó là hệ thống, dây chuyền sản xuất hiệu chỉnh. Nếu không làm được điều này, doanh nghiệp sẽ không thực hiện được chuyển đổi số.

Do đó, điều đầu tiên hầu hết các doanh nghiệp sản xuất cần chú trọng đó là tự động hóa vật tư, tự động hóa kho hàng. Đó có thể nói là điều kiện đầu tiên và có thể dễ dàng nhất trong việc tự động hóa trong chuyển đổi số. 

Từ sản xuất bằng tay chuyển sang sản xuất bằng máy móc, doanh nghiệp sản xuất nào cũng sẽ cần các kho hàng và hầu hết sẽ cần phải chuyển đổi số. Đó là những bước đầu tiên chuyển đổi số trong hoạt động đầu tư tự động hóa. Tuy nhiên, để hoạt động này diễn ra hiệu quả, doanh nghiệp cần nghiên cứu kĩ lưỡng để có cách đầu tư, chuyển đổi hợp lý.

Hiện tại, một số doanh nghiệp của VASI cũng đang cung cấp những dịch vụ chuyển đổi số trong những hành trình lâu dài. Trước đây, các doanh nghiệp này thường hướng đến việc cung cấp các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực chuyển đổi số cho các tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam như Canon, Panasonic… và một số công ty đã xuất khẩu sang nước ngoài. 

Tuy nhiên, gần đây họ cũng đã hướng đến thị trường các doanh nghiệp tại Việt Nam. Khi hiểu được câu chuyện 4.0 là câu chuyện cần phải làm từ từ, dần dần, các doanh nghiệp Việt Nam bất đầu cung cấp, hỗ trợ lẫn nhau, từ đó thay thế dần hàng nhập khẩu.

Gần như ngành công nghiệp nào cũng phải thực hiện tự động hóa. Vì thị trường này rất rộng lớn nên các doanh nghiệp hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội và đầu tư, phát triển.

Sản xuất tinh gọn là một mô hình có rất nhiều công cụ và phải được đánh giá toàn diện. Do đó, doanh nghiệp cần phải có những đánh giá thật cẩn thận, kỹ lưỡng và toàn diện trước khi áp dụng mô hình này.