Thủ tướng yêu cầu siết chặt các biện pháp chống dịch

Nhật Hạ - 17:04, 06/08/2021

TheLEADERCác địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, thực chất, hiệu quả hơn việc giãn cách, theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình.

Thời gian qua, một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã đạt một số kết quả ban đầu tích cực. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện có nơi, có lúc vẫn còn “chưa nghiêm, chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao". Trong khi đó, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân, gây tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ hơn việc giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” để thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo quy định.

Các tỉnh thành triển khai ngay, thần tốc việc xét nghiệm tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, người có nguy cơ lây nhiễm cao, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng để kịp thời phát hiện và phân loại, đưa các ca F0 vào các cơ sở thu dung, điều trị hoặc hướng dẫn điều trị phù hợp với tình trạng bệnh và điều kiện của địa phương; tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất, tiện lợi nhất.

Về điều trị, Thủ tướng nêu rõ chủ trương giảm tối đa các trường hợp tử vong. Địa phương chuẩn bị các phương án cao nhất cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất; đưa vào sử dụng nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình tháp nhiều tầng của Bộ Y tế.

Đồng thời tổ chức tốt việc quản lý, điều phối các nguồn lực để kịp thời tiếp nhận, điều trị người nhiễm Covid-19 nhằm giảm tỷ lệ diễn biến nặng hơn ở tất cả các tầng.

Các đơn vị đặc biệt lưu ý phân biệt những người bị nhiễm chưa có triệu chứng với những người có triệu chứng (bệnh nhân) để tổ chức quản lý, theo dõi và trợ giúp y tế phù hợp, giảm tỷ lệ người chưa có triệu chứng diễn biến thành có triệu chứng; huy động nguồn lực y tế của các ngành và tư nhân.

Về tiêm vắc-xin, các tỉnh thành, phố cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin; tổ chức nhiều điểm tiêm cố định và lưu động; tiêm ngay cho lực lượng y tế, người làm nhiệm vụ tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền và thứ tự ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hệ thống kho bảo quản vắc-xin được chuẩn bị đầy đủ. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định nhóm được ưu tiên tiêm phù hợp với yêu cầu chống dịch trên địa bàn.

Các địa phương kêu gọi người dân chia sẻ, thông cảm với những khó khăn, phức tạp trong phòng chống dịch; huy động mọi nguồn lực cho công tác này.

Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện quy định và hướng dẫn định mức kinh tế - kỹ thuật trong xét nghiệm. Trên cơ sở này, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành quyết định giá đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị xét nghiệm.

Các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 phải đặc biệt quan tâm đảm bảo lưu thông, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm; được dùng ngân sách và các nguồn lực khác để phát miễn phí lương thực, thực phẩm cho người dân gặp khó khăn; đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế, sức khỏe cho người dân ở mọi lúc, mọi nơi khi cần thiết.

Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch bệnh. Bộ Giao thông vận tải huy động lực lượng vận tải chuyên dụng của nhân dân và doanh nghiệp, kết nối với Tổng tài của Trung tâm cấp cứu 115 và Trung tâm hỗ trợ người dân các địa phương, tham gia chở bệnh nhân đến bệnh viện.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến sáng ngày 6/8, Việt Nam ghi nhận 186.162 ca Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 kể từ ngày 27/5, trong đó có 55.266 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 486 ca và số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 20 ca.

Số bệnh nhân Covid-19 tử vong kể từ khi bùng dịch vào đầu năm 2020 đến nay là 2.720, trong đó riêng TP.HCM đã 2.105 ca. Ngày 5/8 ghi nhận số ca tử vong kỷ lục trong ngày là 393 ca.

Thủ tướng yêu cầu siết chặt hơn các biện pháp chống dịch
Thủ tướng nêu rõ chủ trương giảm tối đa các trường hợp tử vong.

Ngày 5/8, Thủ tướng cũng đã có văn bản chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục ưu tiên cấp vắc-xin Covid-19 cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam, đồng thời xây dựng phương án phân bổ các lô tiếp theo.

Đồng thời Bộ Y tế báo cáo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho ý kiến trước khi phân bổ; hướng dẫn các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

Chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ đưa ra sau khi xét đề nghị cấp 5,5 triệu vắc-xin của TP.HCM từ 5/8 và theo tiến độ liên tục đến ngày 31/8. Trong khoảng thời gian này, thành phố cần trung bình mỗi ngày 210.000 liều. Đề xuất này nhằm đạt mục tiêu tiêm cho 7 triệu người từ 18 tuổi tại TP.HCM.  

Trước đó ngày, 1/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An chủ động phối hợp với Bộ Y tế điều chỉnh quy trình tiêm vắc-xin cho phù hợp với tình hình thực tế; xây dựng kế hoạch và thông báo cho Bộ Y tế về nhu cầu vắc-xin. Bộ Y tế phân bổ vắc-xin đảm bảo tiến độ tiêm theo đề nghị của các địa phương này; trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng.

Đến nay, TP.HCM nhận nhiều vắc-xin nhất cả nước với hơn 4 triệu liều. Tỷ lệ phân bổ trên dân số từ 18 tuổi đạt 29%. Chiến dịch tiêm vắc-xin đợt 5 của thành phố tới nay cũng tiêm được cho 1,3 triệu người.

Trong khi đó, đến hết ngày 5/8, cả nước đã tiêm được hơn 8 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó hơn 7,2 triệu người tiêm mũi một và hơn 820.000 người tiêm đủ 2 mũi.

Quản lý tiêm chủng trên nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư

Bên cạnh đó, dựa trên đề xuất của Bộ Công an, Thủ tướng đã đồng ý triển khai hệ thống quản lý tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nền tảng này đã vận hành, khai thác từ đầu tháng 7, đến nay đang quản lý thông tin gần 100 triệu dân.

Theo Bộ Công an, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc quản lý hoạt động đi lại của người từ vùng dịch đặt ra rất cấp bách. Bên cạnh các phương pháp truyền thống thì ứng dụng công nghệ thông tin là cần thiết.

Do đó, bộ đã nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý công dân vùng dịch và quản lý tiêm chủng, trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hệ thống nhằm đảm bảo thông tin người dân kê khai qua các trạm kiểm soát được xác thực chính xác, kịp thời, phục vụ truy vết, dự báo tình hình; quản lý tập trung dữ liệu tiêm chủng của người dân.

Bộ Công an cho biết không cần xây dựng thêm hệ thống công nghệ mới, tránh lãng phí tài sản đầu tư công. Đến nay, hệ thống đã hoàn thành, có thể đưa vào hoạt động ngay mà không cần đầu tư thêm kinh phí, bố trí thêm nhân lực.

Tại TP.HCM, hai ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 có dấu hiệu giảm khi ghi nhận 3.300 ca vào ngày 4/8 và 3.800 ca vào ngày 5/8 sau hai tuần dao động trong khoảng 4.000 – 6.000 ca.

Tại cuộc họp chiều ngày 5/8, Phó bí thư TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết vẫn sẽ siết chặt biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 16, nhưng việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn vào lúc này. Điều này không có nghĩa là ngành y tế không quan tâm ca mắc mới mà tập trung vào khâu điều trị F0, ngăn chặn chuyển nặng, hạn chế thấp nhất tử vong. “Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này”.

TP.HCM đang có 2.070 F0 cần hỗ trợ hô hấp, hơn 1.300 ca nặng. Trong mô hình điều trị ‘tháp 5 tầng’, các tầng 3-4 đang chịu rất nhiều áp lực, Sở Y tế TP.HCM cho biết.

Với mục tiêu giảm ca tử vong, bên cạnh Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM công suất 1.000 giường đang vận hành, Bộ Y tế cùng TP.HCM sẽ lập thêm 4 ICU nữa, phân công lực lượng y tế của Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế và Đại học Y dược TP.HCM điều hành.

Trong đó, 300 y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cùng 8 tấn trang thiết bị y tế từ Hà Nội sẽ vào TP.HCM, cấp tốc thiết lập ICU, hỗ trợ thành phố chống dịch.

Tại Hà Nội, theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, sáng ngày 6/8, thành phố ghi nhận thêm 61 ca nhiễm Covid-19, trong đó 29 ca ngoài cộng đồng và 32 ca tại khu cách ly.

Do đó, số ca mắc trong đợt dịch thứ 4 nâng lên 1.599 ca, trong đó số ca ghi nhận ngoài cộng đồng là 953 và số ca đã được cách ly là 646.

UBND thành phố đã yêu cầu các quận, huyện rà soát kỹ F0, cách ly triệt để F1, F2 và người liên quan với mục tiêu dập nhanh nhất các ổ dịch, đặc biệt xử lý triệt để ổ dịch tại ngõ 651 Minh Khai, liên quan đến Công ty Thanh Nga.

Đồng thời, kiểm tra, rà soát, tăng cường công tác lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở... và nghi nhiễm Covid-19 khác ngoài cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao.

Các đơn vị được giao bổ sung năng lực điều trị, trang thiết bị, vật tư y tế; tổ chức mạng lưới chăm sóc điều trị F0 theo các tầng. Thành phố đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng với phương châm "vắc-xin về tới đâu phải tiêm ngay cho người dân tới đó".

Lãnh đạo thành phố cũng quyết tâm bảo vệ "vùng xanh" - nơi chưa có dịch tại từng phường, xã. Hoàng Mai là quận đầu tiên lập gần 400 chốt "vùng xanh" tại 14 phường để ngăn dịch xâm nhập vào khu dân cư. Trực chốt chủ yếu là thanh niên, dân phòng trên địa bàn. Người dân ra ngoài phải có giấy, người lạ không được vào trong. Hàng hóa giao nhận tại một điểm, được khử khuẩn.

Thủ tướng yêu cầu siết chặt hơn các biện pháp chống dịch 1
Hà Nội quyết tâm bảo vệ . Ảnh: Hoà An.

Từ 0h ngày 6/9, tỉnh Khánh Hòa cũng áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn tỉnh trong 14 ngày tới. Quyết định này đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm ở tỉnh đã tăng lên 2.967 ca và lan rộng ra 8 huyện, thị xã và thành phố.

Trước đó, TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh và huyện Vạn Ninh đã áp dụng Chỉ thị 16 với tinh thần "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh". Huyện Cam Lâm, huyện Khánh Vĩnh, huyện Khánh Sơn, TP. Cam Ranh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

Ở tỉnh giáp ranh với Khánh Hòa, Phú Yên cũng vừa quyết định kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tới ngày 15/8, thay vì kết thúc ngày 5/8. Hiện tỉnh này đã ghi nhận 1.630 ca nhiễm.

Chủ tịch UBND Phú Yên Trần Hữu Thế yêu cầu các địa phương phải đánh giá tình hình, xác định mức độ nguy cơ để có giải pháp ứng phó dịch phù hợp; tranh thủ thời gian giãn cách để sàng lọc, mở rộng các "vùng xanh", từng bước thu hẹp các vùng phong tỏa, tiến tới kiểm soát dịch bệnh.

Sau khi ghi nhận thêm 21 ca nhiễm Covid-19 mới vào hôm qua, TP. Hải Dương đã có quyết định thực hiện nhà cách ly với nhà từ 0h ngày 6/8 đến khi có thông báo mới.

Theo đó, người dân được yêu cầu ở tại nhà và chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh…; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng; không ra ngoài đường từ 21 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau; các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất bố trí phương án sản xuất ‘3 tại chỗ’ và ‘1 cung đường – 2 điểm đến’; không để lái xe đường dài về sinh hoạt tại gia đình, cộng đồng; không để công nhân, người lao động từ xã, phường, thị trấn( trong và ngoài thành phố) có dịch vào làm việc…

Trong khi đó, tỉnh Thái Bình cũng vừa có quyết định từ 12h trưa ngày 6/8 không tổ chức tiếp nhận công dân từ vùng có dịch về địa phương nhằm kiểm soát nguy cơ dịch xâm nhập vào địa bàn, tránh quá tải cho công tác điều trị...

Theo đó, sau nhiều ngày không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới, vào ngày 4/8, Thái Bình đã ghi nhận 7 trường hợp dương tính với Covid-19. Đây là những trường hợp tự tổ chức đi từ TP.HCM về.  

Đến sáng ngày 6/8, tỉnh Thái Bình tiếp tục ghi nhận thêm 8 ca nhiễm Covid-19 và cũng là những công dân trở về từ vùng dịch TP.HCM nhưng đã được cách ly tập trung nên không có khả năng lây lan ra cộng đồng.