'Tôi mong muốn tất cả Tổng giám đốc khách sạn do Accor vận hành tại Việt Nam đều là người Việt'

Quỳnh Như - 08:59, 29/10/2018

TheLEADERHiện tại, AccorHotels đang quản lý 28 khách sạn tại Việt Nam nhưng mới chỉ có một Tổng giám đốc là người Việt.

'Tôi mong muốn tất cả Tổng giám đốc khách sạn do Accor vận hành tại Việt Nam đều là người Việt'
Mô hình khách sạn Hotel de la Coupole - MGallery by Sofitel sắp mở cửa ở tháng 12/2018.

Có thể nói, AccorHotels chính là người khai phá thị trường quản lý khách sạn – du lịch tại Việt Nam. Từ những năm 1991, họ đã được thuê tiếp quản vận hành khách sạn Sofitel Legend Metropole tại Hà Nội.

Hiện tại, AccorHotels đang quản lý 28 khách sạn ở 12 tỉnh thành của Việt Nam gồm: Hà Nội, TP. HCM, Nha Trang, Huế, Hội An, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hạ Long, Uông Bí, Phú Quốc, Hải Phòng, Sapa (khách sạn Hotel de la Coupole - MGallery by Sofitel sắp mở cửa ở tháng 12/2018) với các thương hiệu như Sofitel Legend, Sofitel, Pullman, MGalery, Mercure, Novotel, Angsana, Banyan Tree, Ibis và Ibis Styles.

Theo tiết lộ từ AccorHotels, trong 2 năm tới, họ sẽ khai trương thêm 19 khách sạn nữa và có thể đưa thêm các thương hiệu khách sạn hạng sang vừa mới mua lại như Raffles, Fairmont, Movenpick vào Việt Nam. 

Mục tiêu của AccorHotels là mở rộng thêm tầm ảnh hưởng của mình vào những vùng du lịch mới nổi như Vân Đồn, Quảng Bình, Phú Yên, các tỉnh miền Tây… cũng như tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với nhiều loại đối tượng.

Có 3 điều giúp tập đoàn này trụ lại được và phát triển mạnh tại Việt Nam qua các đợt khủng hoảng trong 50 năm qua: làm tốt công tác kinh doanh và quản lý khách sạn; nhưng không bỏ trứng vào một rổ mà có kinh doanh thêm các dịch vụ khác như bán vé máy bay, đặt tour, đặt nhà hàng, cho thuê xe; đồng thời luôn bám sát chuyển động của thời cuộc như ứng dụng công nghệ vào công việc quản lý khách sạn, lấn sân qua mảng căn hộ cho thuê, homestay và khách sạn chủ đề dành cho giới trẻ.

Nhân dịp ông Patrick Basset - Giám đốc Vận hành tập đoàn AccorHotels khu vực Thượng Đông Nam - Đông Bắc Châu Á và quần đảo Maldives sang thăm Việt Nam dự kỷ niệm 20 năm khai trương khách sạn hạng sang đầu tiên của AccorHotels tại TP. HCM – Sofitel Saigon Plaza, TheLEADER đã có buổi phỏng vấn ông về hành trình phát triển của doanh nghiệp này tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Thưa ông, thị trường Việt Nam có tầm quan trọng như thế nào trong việc phát triển của Accor?

Ông Patrick Basset: Việt Nam là đất nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á và đặc biệt, tốc độ tăng trưởng về du lịch cũng đứng số 1 châu Á theo một thống kê gần đây.

Còn theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2017, Việt Nam đã phục vụ 86 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tổng lượng khách du lịch vào Việt Nam đang tăng với tốc độ trung bình 20%/năm - một con số rất ấn tượng.

Về dân số, Việt Nam là nước đông dân thứ 4 châu Á và người trẻ chiếm đa số, đây là một lực lượng khách hàng hùng hậu cũng như nhân lực năng động cho ngành du lịch. Thế nên, chúng tôi luôn nhấn mạnh, thị trường khách nội địa chính là một mảng trọng tâm của Accor tại Việt Nam.

Việt Nam đang là một thị trường tiềm năng, vì ngoài các thành phố vốn đã nổi tiếng về du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, TP. HCM hiện còn có thêm nhiều địa phương mới nổi như Sapa, Quảng Bình, Vân Đồn, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long… 

Hiện tại, người Việt Nam không chỉ thích đi du lịch nội địa mà còn ra nước ngoài. Thông qua hệ thống đặt phòng của chúng tôi, người Việt có thể ngồi nhà và dễ dàng đặt phòng ở khắp thế giới, ví dụ như tại Thái Lan, Nhật Bản, Campuchia, Hàn Quốc..., đặc biệt là các du khách trẻ.

Tôi nghĩ, nguồn khách đi và đến từ Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của AccorHotels.

Đâu là lợi thế cạnh tranh của AccorHotels khi thị trường Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng thế giới?

Ông Patrick Basset: Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Accor chính là sản phẩm đa dạng, chúng tôi có tới 35 thương hiệu ở nhiều phân khúc khách hàng khác nhau và tôi có thể tự hào nói rằng, tất cả các thương hiệu này có thể thiết kế cho bất cứ khách sạn hoặc nhà đầu tư nào, hoặc bất cứ điểm đến/thị trường nào.

Ngoài ra, trong số 35 thương hiệu trên có 12 thương hiệu thuộc phân khúc hạng sang và cao cấp. Gần đây, với việc mua lại các thương hiệu như Raffles – Fairmont - Movenpick, chúng tôi có thể tự tin khẳng định mình là nhà vận hành khách sạn phân khúc này số 1 tại Việt Nam và cả thế giới.

Lãnh đạo cấp cao Tập đoàn AccorHotels: Tương lai, tất cả giám đốc khách sạn tại Việt Nam đều là người Việt
Ông Patrick Basset - Giám Đốc Vận hành tập đoàn AccorHotels khu vực Thượng Đông Nam-Đông Bắc Châu Á và quần đảo Maldives

Trong 28 khách sạn mà AccoHotels đang quản lý, có cái nào mà công ty tự đầu tư không, thưa ông?

Ông Patrick Basset: Không, chúng tôi không đầu tư cái nào, nhưng tương lai có thể khác.

AccorHotels đã đạt được những điều gì trong 27 năm kinh doanh tại Việt Nam?

Ông Patrick Basset: Thành tựu đầu tiên, hiện chúng tôi là nhà vận hành khách sạn dẫn đầu thị trường Việt Nam, chiếm 40% tổng số lượng phòng của các thương hiệu quốc tế có mặt tại đây.

AccorHotels luôn là lựa chọn hàng đầu khi các chủ đầu tư muốn chọn người quản lý khách sạn. Các đối tác của chúng tôi có thể là các công ty Nhà nước, các quỹ đầu tư và gần đây, chúng tôi còn nhận được rất nhiều lời đề nghị từ các cá nhân người Việt Nam.

Thứ hai, chúng tôi đã tạo ra một lượng lớn việc làm trong ngành du lịch cho Việt Nam khi thu nhận 10.000 nhân viên, tôi tin rằng, chính điều này đã giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của ngành khách sạn – du lịch Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong số đó, có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam nắm giữ các vị trí quản lý bộ phận ở các khách sạn và chúng tôi có một Tổng Giám đốc là người Việt.

Thưa ông, trong 28 khách sạn mà AccorHotels đang quản lý ở Việt Nam, tỷ lệ người Việt nắm giữ các vị trí cấp cao như thế nào? AccorHotels có các chương trình đào tạo để giúp các nhân sự người Việt thăng tiến hay không?

Ông Patrick Basset: Hiện tại, chúng tôi có 300 trưởng bộ phận khách sạn là người Việt Nam, chiếm 70% toàn hệ thống, trong tương lai, chúng tôi sẽ đào tạo họ dần lên vị trí quản lý cấp cao hơn như Tổng giám đốc.

Về chiến lược nhân sự, Accor hiện có 2 hướng phát triển: thứ nhất, chúng tôi muốn có nhiều phụ nữ thành công hơn nữa trong lĩnh vực này, như chị Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - CEO khách sạn Mercure Hà Nội, người vừa nhận giải Giám đốc khách sạn tiêu biểu 2017.

Thứ hai, chúng tôi đang có rất nhiều chương trình nhằm đào tạo các tài năng người Việt trẻ giúp họ từng bước đi lên vị trí cao hơn.

Mục tiêu cuối cùng: chúng tôi muốn trong tương lai, tất cả các Tổng Giám đốc khách sạn trong hệ thống của chúng tôi tại Việt Nam đều là người Việt.

Điều gì ở Accor đã thuyết phục được những nhà đầu tư lớn của Việt Nam như Sun Group?

Ông Patrick Basset: Đúng là hiện tại có nhiều công ty Việt Nam có khối lượng đầu tư vào khách sạn lớn như Sun Group, Vingroup, tuy nhiên, quản lý khách sạn là một công việc phức tạp và không phải ai cũng làm được.

Sở dĩ, AccorHotels có thể làm tốt chuyện quản lý và vận hành khách sạn là bởi chúng tôi có 3 yếu tố sau: hệ thống đặt phòng – phân phối – bán hàng hiệu quả, lượng khách hàng thân thiết khổng lồ và nhân sự chất lượng.

Năm ngoái, để bắt kịp thời cuộc, AccorHotels đã đổ rất nhiều tiền đầu tư vào hệ thống phân phối – bán hàng, nhất là mảng bán hàng trực tuyến. AccorHotels có 150 triệu khách hàng thân thiết, giúp chúng tôi dễ dàng kéo khách trung thành trên khắp thế giới đến Việt Nam. Ngoài ra, tại Trung Quốc, chúng tôi có 150.000 hội viên và còn hợp tác với tập đoàn Hoa Du – doanh nghiệp cũng có một lượng khách hàng rất lớn.

Chúng tôi có lực lượng đông đảo nhân viên tài năng nhờ các khoá đào tạo từ Học viện AccorHotels – AccorHotels Academy. Tại Việt Nam, chúng tôi có riêng một Giám đốc Đào tạo và Phát triển, người này sẽ điều phối các chương trình đào tạo cho nhân sự ở đây nhằm giúp họ có thể tự tin cạnh tranh với khu vực xung quanh và thế giới.

Để có thể đạt được những thành tựu như hiện tại, AccorHotels đã phấn đấu và xây dựng trong 50 năm!

Sun Group là đối tác lớn nhất của chúng tôi tại Việt nam, Accor đang vận hành tới 7 khách sạn của họ. Ngay từ đầu, Sun Group đã không dự tính sẽ tự mình vận hành khách sạn, họ chỉ xây là ký hợp đồng với các công ty quản lý nước ngoài để vận hành làm sao cho hệ thống khách sạn có lợi nhuận. Còn Vingroup hình như đang hướng tới tự vận hành khách sạn của mình.

Xin cảm ơn ông!