Tránh 'cha chung không ai khóc' trong triển khai kinh tế tuần hoàn

Phạm Sơn - 07:48, 14/06/2023

TheLEADERTS. Hoàng Dương Tùng đề xuất mỗi bộ cần có một đơn vị riêng phụ trách về kinh tế tuần hoàn để tránh trường hợp “cha chung không ai khóc” sau một vài năm nữa.

Được xác định là chủ trương lớn, là “tương lai của nền kinh tế”, thời gian gần đây, kinh tế tuần hoàn trở thành chủ đề của nhiều đối thoại chính sách cũng như các hội nghị, hội thảo, tọa đàm.

Từ đó, công chúng cũng như cộng đồng doanh nghiệp ngày càng có cái nhìn và cái hiểu đúng đắn, sâu sắc hơn. Nhiều đơn vị đang và đã sẵn sàng để áp dụng kinh tế tuần hoàn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

TS. Nguyễn Duy Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, đánh giá, tinh thần của cộng đồng doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn đang rất tốt. Nhiều doanh nghiệp, theo ông Thái, nói rằng “làm kinh tế tuần hoàn vì trách nhiệm xã hội”, thể hiện nhận thức tương đối tích cực.

“Cái gì tốt, lợi cho kinh tế, môi trường và xã hội thì doanh nghiệp tự khắc làm chứ không đợi được khuyến khích”
TS Nguyễn Duy Thái
Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam

“Cái gì tốt, lợi cho kinh tế, môi trường và xã hội thì doanh nghiệp tự khắc làm chứ không đợi được khuyến khích”, ông Thái cho biết.

Tuy nhiên, theo TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, dù được nhắc đến nhiều nhưng những hành động triển khai kinh tế tuần hoàn có tính thực tiễn cao vẫn còn “rất ít”, một phần đến từ việc chưa thực sự có một cơ chế thông thoáng để hỗ trợ và thiết lập cơ sở pháp lý cho mô hình này.

Cả hệ thống cùng chung tay

Năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) chính thức được phê duyệt, lần đầu tiên luật hóa khái niệm kinh tế tuần hoàn, đồng thời tạo khung để triển khai nhiều công cụ quan trọng hướng đến kinh tế tuần hoàn, tiêu biểu như công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Năm 2022, cùng với việc Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn cũng chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành, giao nhiệm vụ chi tiết cho 13 bộ cùng các cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam để cùng triển khai các hoạt động hướng đến kinh tế tuần hoàn.

Đề án này là bước tiến được giới chuyên gia đánh giá cao, đánh dấu nhận thức về kinh tế tuần hoàn của Nhà nước đã vượt ra khỏi phạm vi lĩnh vực tài nguyên môi trường.

Hiện tại, trên cơ sở các nhiệm vụ được giao, các bộ đang dần hoàn thiện khung chính sách, bao gồm xây dựng chiến lược kế hoạch quốc gia triển khai kinh tế tuần hoàn (Bộ Tài nguyên và môi trường); cơ chế thí điểm cho kinh tế tuần hoàn (Bộ Kế hoạch và đầu tư); hệ thống tiêu chí đánh giá kinh tế tuần hoàn (Bộ Công thương phối hợp với các bộ liên quan)...

Cần thêm sự phối hợp liên ngành

Tránh 'cha chung không ai khóc' trong triển khai kinh tế tuần hoàn 1
TS. Lại Văn Mạnh tại tọa đàm Thách thức và Giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành công thương do Báo Công thương tổ chức

Có thể nhìn thấy sự tích cực của các bộ, ngành hướng đến kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, làm thế nào để duy trì được sự tích cực ấy là một câu chuyện khác. Thực tế, có nhiều chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thời gian đầu được thực hiện hết sức rầm rộ, tuy nhiên sau đó xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”, mất rất nhiều công sức để xốc lại tinh thần triển khai, thực hiện.

Giải quyết bài toán này, TS. Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), đưa ra quan điểm, do có sự đặc trưng riêng và vai trò quản lý khác nhau, các bộ, ngành rất cần có cơ chế phối hợp một cách chặt chẽ.

Lấy đơn cử như chính sách cơ chế hỗ trợ về tài chính cần phải có tiêu chí xét duyệt do Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Công thương hoặc Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng nhưng đơn vị triển khai lại là Bộ Tài chính. Nếu không phối hợp chặt chẽ, không rõ ràng về trách nhiệm, chính sách ấy sẽ mãi chỉ nằm trên giấy.

Đồng quan điểm, ông Tùng cho rằng, các bộ cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm triển khai kinh tế tuần hoàn thông qua việc mỗi bộ xây dựng riêng một cơ quan chuyên trách về mô hình này. Cơ quan chuyên trách sẽ “chịu trách nhiệm về mọi mặt trước bộ trưởng”, đảm nhận việc xây dựng chỉ tiêu cấp ngành, xây dựng hệ thống ưu tiên, đưa ra các đề xuất, triển khai các thí điểm và xây dựng hệ thống thông tin đánh giá.

Mặt khác, chính quyền địa phương cũng cần có cơ quan chuyên trách để đảm nhận vai trò cung cấp thông tin và đề xuất cụ thể những chính sách hỗ trợ. Nguyên lãnh đạo Tổng cục Môi trường nhìn nhận, nhiều ý kiến đề xuất chỉ nói là “nên có khuyến khích về đất đai, về thuế” nhưng “khuyến khích cụ thể thế nào” thì chưa ai trả lời được.

“Phải ngồi lại với nhau để làm cho vấn đề trở nên cụ thể, rõ ràng, biết rõ trách nhiệm nào thuộc về ai thay vì chỉ nói với nhau trên lý thuyết”, ông Tùng nhấn mạnh.

Một vai trò khác cần được bộ, ngành và địa phương thực hiện quyết liệt, theo ông Mạnh, là tìm kiếm những mô hình, sáng kiến đã và đang triển khai tốt, từ đó có chính sách thúc đẩy và nhân rộng.