Từ ‘chợ đồ si’ đến thị trường tỷ đô

Hồng Ánh - 09:42, 26/10/2023

TheLEADERThị trường kinh doanh hàng thời trang đã qua sử dụng dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh khi thời trang nhanh không còn chỗ đứng, nhường chỗ cho xu thế tuần hoàn trong ngành may mặc.

Từ ‘chợ đồ si’ đến thị trường tỷ đô

Từ chợ “đồ si”

Tranh thủ sau giờ tan làm để chọn một chiếc áo khoác gió ở chợ “đồ si” Đông Tác (Đống Đa, Hà Nội), bà Linh cho biết, thường xuyên mua quần áo đã qua sử dụng cho cả gia đình để tiết kiệm chi phí.

“Nhiều món đồ còn tốt mà giá rẻ hơn nhiều so với chất lượng”, bà Linh cho biết.

Cách chợ đồ si Đông Tác chưa đầy 1km là chợ Đặng Văn Ngữ, một địa điểm cũng được mệnh danh là “thiên đường quần áo cũ” của Hà Nội. Một chủ cửa hàng ở chợ Đông Tác cho biết, khách hàng ở đây phần nhiều là các bạn sinh viên, với khả năng tài chính không cao nhưng rất “giàu” về thời gian, sẵn sàng bỏ vài tiếng đồng hồ để lựa vài món đồ ưng ý trong hàng nghìn chiếc quần, áo được bày bán.

Cũng là một “khách hàng thân thiết” của các chợ bán quần áo đã qua sử dụng, tuy nhiên đối với anh Nam, việc mua “đồ si” không chỉ vì mục đích tiết kiệm mà còn để phục vụ phong cách thời trang cá nhân.

Theo đuổi phong cách Y2K thịnh hành những năm đầu thế kỷ, anh Nam khó chọn được những món đồ hợp ý ở những cửa hàng quần áo truyền thống hay các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng.

Không chỉ ở Hà Nội, các chợ “đồ si” xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Khái niệm đồ si – quần áo “sida” xuất phát từ những thùng quần áo cũ do Tổ chức Hợp tác và phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) viện trợ cho Việt Nam.

Sau này, không còn quần áo viện trợ từ SIDA nhưng dòng chữ “SIDA” được viết trên các thùng quần áo đã trở thành tên gọi chung cho những món đồ thời trang được giặt sạch và ép kiện.

Tới startup công nghệ

Năm 2022, startup SSSMarket, một nền tảng mua bán quần áo qua sử dụng đã nhận được gói đầu tư trị giá 450 nghìn USD của Thinkzone và Goodwater Capital tại vòng tiền hạt giống.

Từ ‘chợ đồ si’ đến thị trường tỷ đô
Những KOLs tham gia SSSMarket

Thành lập năm 2020, startup này nhanh chóng được nhiều người biết đến nhờ chiến lược tập trung vào giới trẻ, thông qua mời những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội hợp tác quảng bá.

Những người nổi tiếng và có ảnh hưởng này cũng trở thành người dùng thân thiết của SSSMarket để bán lại những món đồ được các nhãn hàng thời trang gửi tặng để quảng cáo.

2 nhà sáng lập SSSMarket là ông Trần Vũ Anh và ông Lê Võ Mạnh Hưng, với chuyên môn về công nghệ thông tin, đã tạo ra một trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng phối đồ cho khách hàng tùy theo độ tuổi và phong cách, từ đó tối ưu hóa trải nghiệm mua hàng trên nền tảng.

Cùng chung ý tưởng kết nối người mua và người bán sản phẩm thời trang cũ qua nền tảng trực tuyến, Piktina được sáng lập vào năm 2022 bởi cựu CEO Be Group Nguyễn Hoàng Phương và cộng sự là bà Trịnh Thanh Huyền, cũng là một cựu nhân viên của Be Group.

Chỉ sau chưa đầy nửa năm thành lập, Piktina đã huy động được 1 triệu USD đầu tư trong vòng hạt giống từ quỹ Touchstone Partners. Số vốn được hai nhà sáng lập cho biết sẽ đầu tư vào thử nghiệm công nghệ và tăng trưởng người dùng.

Sau một năm vận hành, đã có khoảng hơn 600 nghìn khách hàng sử dụng Piktina ở khắp ba miền đất nước. Lượng người dùng này giúp phân phối lại 15 tấn quần áo cũ có thể đã bị bỏ quên trong tủ quần áo, qua đó tiết kiệm 300 triệu lít nước và 380 tấn khí thải carbon.

Bên cạnh những nền tảng startup dựa trên công nghệ số, một số người trẻ đam mê thời trang cũng lựa chọn khởi sự kinh doanh thông qua cửa hàng chuyên bán quần áo đã qua sử dụng.

Một cửa hàng second-hand khá nổi tiếng thời gian gần đây là OFC 2Hand ở Chùa Láng, Hà Nội. Không chỉ có những món đồ độc đáo, cửa hàng này cũng chiếm cảm tình của khách hàng thông qua nội dung hài hước và rất “bắt trend” được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội.

Thị trường tiềm năng

Năm 2022, thị trường thời trang cũ tăng trưởng 24% so với năm ngoái, đạt mức 119 tỷ USD. Theo báo cáo của ThredUp – nền tảng giao dịch quần áo cũ lớn nhất thế giới, thị trường thời trang cũ toàn cầu sẽ đạt mức 218 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng là 127%, cao gấp 3 lần so với thị trường thời trang truyền thống.

Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu riêng về thị trường quần áo cũ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của RedSheer Strategy Consultants, thị trường buôn bán sản phẩm đã qua sử dụng ở Việt Nam, bao gồm cả quần áo cũ và nhiều sản phẩm khác như phương tiện giao thông, đồ công nghệ, trị giá khoảng 1,1 tỷ USD tính đến hết năm 2021 và có thể sẽ đạt đến 5 tỷ USD vào năm 2026.

Từ ‘chợ đồ si’ đến thị trường tỷ đô 1
Piktina kỳ vọng đạt mốc 100 triệu người dùng trong 5 năm tới

Một trong những nguyên nhân dẫn đến mức tăng trưởng mạnh mẽ của “đồ si” là sau đại dịch Covid-19 cũng như những biến động của kinh tế toàn cầu, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng trên toàn thế giới sẽ cân nhắc tiết kiệm nhiều hơn và cắt giảm chi tiêu.

Thời trang nhanh cũng là một lựa chọn cho những khách hàng muốn đổi mới tủ đồ với chi phí nhỏ. Tuy nhiên, cùng với xu thế kinh tế tuần hoàn cũng như các chính sách siết chặt yếu tố bền vững trong sản phẩm ở nhiều nền kinh tế, thị trường thời trang nhanh sẽ dần bị thu hẹp.

Mặt khác, thời trang nhanh không phải là giải pháp tối ưu chi phí trong dài hạn, bởi những sản phẩm này dù có giá rẻ nhưng chất lượng và độ bền đều “tiền nào của nấy”.

Thực tế, xu thế thời trang nhanh lên ngôi trong suốt thời gian vừa qua xuất phát từ tâm lý của người tiêu dùng khi mong muốn có thể cập nhật tủ quần áo thường xuyên hơn mà không phải bỏ ra quá nhiều tiền cho các món đồ “xịn”.

Thời trang đã qua sử dụng có thể giải quyết tâm lý này. Cụ thể, sau một vài lần sử dụng món hàng đắt tiền, người tiêu dùng có thể lựa chọn bán lại và thu về một phần chi phí.

Điều này có thể cũng giúp người tiêu dùng có ý thức hơn trong việc bảo quản các món đồ thời trang, bởi đồ còn giữ được chất lượng càng cao, bán càng được giá. Vòng đời sản phẩm thời trang từ đó được kéo dài hơn, giúp cho vật liệu được giữ trong nền kinh tế lâu hơn.

Hai nhà sáng lập của Piktina đặt hoàn toàn niềm tin vào những dự báo này. Trả lời phỏng vấn của Retail in Asia, bà Nguyễn Hoàng Phương kỳ vọng có thể mở rộng hoạt động ra toàn châu Á vào thời điểm phù hợp và đạt được con số 100 triệu người dùng trong khoảng 5 năm tới.

Công ty truyền cảm hứng cho sự thành lập của Piktina là Depop, một nền tảng mua bán đồ thời trang đã qua sử dụng của Anh được sáng lập vào năm 2011. Công ty này có doanh thu tăng mạnh qua các năm và được một doanh nghiệp Mỹ mua lại với giá 1,6 tỷ USD vào năm 2021.