Tuyên chiến với tẩy xanh

Phạm Sơn - 10:48, 06/08/2023

TheLEADERHành vi truyền thông, công bố thông tin về phát triển bền vững một cách thiếu cơ sở hoặc gian dối của doanh nghiệp có thể khiến người tiêu dùng đánh mất lòng tin vào những sản phẩm, dịch vụ bền vững.

Tuyên chiến với tẩy xanh
Lực lượng kiểm tra hiệu quả nhất đối với cam kết của doanh nghiệp chính là cộng đồng người tiêu dùng. Ảnh: Hoàng Anh

Tháng 6/2022, hãng thời trang H&M bị tố khi làm giả số liệu về mức độ phát thải của các sản phẩm thời trang. Sự việc chưa lắng xuống thì hãng thời trang toàn cầu đến từ Thụy Điển này lại tiếp tục bị vạch trần sự gian dối của chiến dịch tái chế quần áo cũ. 

Cụ thể, thay tìm giải pháp tái chế, H&M gửi những món đồ thời trang thu gom được tới bán rẻ lại tại các nước nghèo ở châu Phi.

Hành vi gian dối đối với việc công bố thông tin hoặc quảng cáo về tính bền vững của sản phẩm, dịch vụ, tương tự như những gì H&M đã làm, được gọi là tẩy xanh.

Cùng với xu thế tăng trưởng xanh, hành vi tẩy xanh ngày càng phổ biến. Theo một điều tra của Ủy ban châu Âu, khoảng hơn 50% số cam kết và chiến dịch truyền thông về phát triển bền vững tại các nước Liên minh châu Âu dựa trên thông tin thiếu rõ ràng, thiếu cơ sở khoa học và có dấu hiệu tẩy xanh. 

Điều này cho thấy, ngay cả ở những thị trường phát triển cũng có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tẩy xanh để lừa gạt lòng tin của người tiêu dùng.

Đưa ra con số hơn 50% nói trên tại diễn đàn Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại, bà Phạm Quế Anh, chuyên gia của Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Đức, đặt câu hỏi, người tiêu dùng chấp nhận trả giá cao hơn vì lựa chọn tiêu dùng bền vững nhưng sẽ thế nào nếu phải trả giá cao hơn cho cả những sản phẩm, dịch vụ kém bền vững?

Chuyên gia này nhìn nhận, sự thiệt hại của người tiêu dùng sẽ kéo theo việc đánh mất lòng tin vào những cam kết bền vững của doanh nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp chấp nhận bỏ chi phí cao hơn để thực hành bền vững một cách nghiêm túc sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề bởi người tiêu dùng dần không còn “mặn mà” với sản phẩm, dịch vụ xanh.

TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, viện này là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng dự thảo kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, trong đó có nội dung tập trung hướng đến việc tạo ra một thể chế bắt buộc doanh nghiệp phải tạo ra những sản phẩm, dịch vụ xanh.

Đồng tình với những lo ngại của bà Quế Anh, ông Thọ cho biết, thực tế, trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có những quy định nhằm ngăn chặn hành vi tẩy xanh của doanh nghiệp, có thể kể đến như công cụ nhãn dán sinh thái, phân loại sản phẩm xanh.

Thời gian tới, cùng với các công cụ khuyến khích kinh tế tuần hoàn, những công cụ điều chỉnh hành vi tẩy xanh cũng sẽ được đẩy mạnh triển khai. 

Theo ông Thọ, các tiêu chuẩn phân loại sẽ không chỉ là cơ sở để người tiêu dùng đưa ra quyết định mua sắm mà còn sẽ trở thành tiêu chí để doanh nghiệp nhận đầu tư, vay vốn, phát hành trái phiếu xanh hoặc nhận các ưu đãi về thuế, phí.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, dự kiến đi vào hiệu lực từ nửa cuối năm 2024, cũng đưa ra trách nhiệm của người bán là phải cung cấp thông tin chính xác liên quan đến sản phẩm, dịch vụ. Doanh nghiệp có hành vi lừa dối khách hàng sẽ chịu phạt hành chính.

Để ngăn chặn hành vi tẩy xanh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 cũng nhấn mạnh trách nhiệm của bên thứ ba, tức là các đơn vị truyền thông và người nổi tiếng có cung cấp dịch vụ quảng cáo.

Cụ thể, bên thứ ba phải nêu rõ bản thân mình đang quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ, đồng thời phải thực hiện mọi biện pháp nhằm kiểm chứng thông tin về sản phẩm, dịch vụ, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu thông tin cung cấp sai sự thật.

Khi bị phát hiện đang “gian dối”, doanh nghiệp vừa phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, vừa bị thiệt hại nặng nề do đánh mất niềm tin của khách hàng và đối tác.

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và môi trường, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, nhìn nhận, để khuyến khích tiêu dùng bền vững, điều kiện tiên quyết cần có là sự chia sẻ thông tin rõ ràng, minh bạch và đáng tin cậy.

Ông Lai gợi ý, Việt Nam hoàn toàn có thể ứng dụng blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ đó minh bạch hóa thông tin tới người tiêu dùng.

Điều này không chỉ thúc đẩy tiêu dùng bền vững trong nước mà còn hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang một số thị trường tiên tiến, trong bối cảnh các thị trường này ngày càng yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn bền vững của sản phẩm nhập khẩu.

Thực tế, một số doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ quét mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là các loại nông sản. Ông Bùi Bá Chính, Phó giám đốc Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia, cho biết, việc truy xuất cơ sở dữ liệu thông qua mã QR đang ngày càng phổ biến, được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực, là cơ sở để có thể triển khai truy xuất nguồn gốc qua mã QR một cách đồng bộ đối với tất cả các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện tượng doanh nghiệp cung cấp sai thông tin sản phẩm vẫn có thể xảy ra, trong khi các cơ quan chức năng không thể thực hiện kiểm tra, thanh tra thường xuyên bởi không đủ nguồn lực và cũng không muốn can thiệp quá sâu làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Về điều này, ông Chính nhấn mạnh, lực lượng kiểm tra hiệu quả nhất chính là cộng đồng người tiêu dùng và toàn xã hội. Thông qua tích cực nâng cao kiến thức về sản phẩm xanh và cẩn thận trong quyết định chi tiêu, người tiêu dùng cũng có thể phát hiện ra hành vi tẩy xanh của doanh nghiệp, từ đó báo cáo với cơ quan chức năng hoặc sử dụng “áp lực xã hội” để buộc doanh nghiệp phải nghiêm túc hơn trong việc công bố thông tin.

Trước đó, trao đổi với TheLEADER, TS. Quách Thị Xuân, Điều phối viên Liên minh Không rác Việt Nam, nhìn nhận, doanh nghiệp không nên thực hiện hành vi tẩy xanh bởi “cái kim trong bọc lâu ngày cũng sẽ lòi ra”. Khi bị phát hiện đang “gian dối”, doanh nghiệp vừa phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, vừa bị thiệt hại nặng nề do đánh mất niềm tin của khách hàng và đối tác.

Còn theo ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG của Quỹ đầu tư VinaCapital, doanh nghiệp không cần thiết phải “tô vẽ” quá mức các hoạt động hướng đến phát triển bền vững với mong muốn thu hút nhà đầu tư.

Ông cho biết, nhà đầu tư quốc tế hoàn toàn chấp nhận doanh nghiệp ở các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để triển khai các giải pháp bền vững, miễn là doanh nghiệp chứng minh được tầm nhìn cũng như sự quyết tâm.