VACD và CABA bắt tay giúp doanh nghiệp vượt qua những cú sốc bất ngờ

Quỳnh Chi - 08:53, 13/10/2020

TheLEADERKý kết hợp tác giữa Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) và Liên minh kinh doanh Trung Quốc - Asean (CABA) được kỳ vọng góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập trong khu vực ASEAN thông qua các hoạt động trao đổi về thương mại và văn hoá, từ đó tạo mối liên kết vững chắc để các doanh nghiệp cùng vượt qua mọi thử thách, đồng thời tìm kiếm được nhiều cơ hội hơn.

VACD và CABA bắt tay giúp doanh nghiệp vượt qua những cú sốc bất ngờ
Ông Nguyễn Ngọc Bách, Phó chủ tịch VACD, Chủ tịch câu lạc bộ CFO Việt Nam (ngoài cùng bên phải) đại diện VACD làm việc với lãnh đạo CABA

Việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường đã giúp Việt Nam chuyển mình từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành nước có thu nhập trung bình thấp. Theo Ngân hàng thế giới, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á - Thái Bình Dương.

Đặc biệt, ông Tan Chong Huat, Chủ tịch Liên minh kinh doanh Trung Quốc - Asean (CABA) nhận định, trong khu vực, triển vọng phục hồi dường như sáng nhất đối với Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường trên toàn cầu. 

Nhờ các nỗ lực và giải pháp quyết liệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, khả năng phục hồi sẽ cao và mạnh hơn các nước khác trong khu vực.

“Việt Nam được dự báo là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á ghi nhận tăng trưởng dương trong năm nay”, ông Tan nói.

Mặc dù nhiều lần hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay nhưng trong báo cáo gần đây nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn là một con số dương, ước đạt 1,8% trong năm nay, sau đó sẽ bật trở lại và đạt mức 6,8% trong năm 2021. 

Trong khi đó, Ngân hàng thế giới và Ngân hàng UOB (Singapore) cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 2,8%, đứng thứ năm thế giới.

Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, Việt Nam đã được liệt vào danh sách những trung tâm sản xuất có chi phí cạnh tranh nhất trên thế giới. 

Dù được nhận định là sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với sự dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư nhưng rõ ràng, Việt Nam cũng có nhiều thế mạnh nội tại để khẳng định sự hấp dẫn của mình trong việc thu hút đầu tư, kinh doanh. 

Thế mạnh nội tại của Việt Nam gồm lực lượng lao động ngày càng được nâng cao tay nghề với chi phí thấp, cơ sở hạ tầng đang được đầu tư theo hướng đồng bộ và hiện đại, nền chính trị ổn định, môi trường đầu tư an toàn cùng với nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.

Tuy nhiên, ông Tan cho rằng để đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn thay vì chỉ phụ thuộc vào chi phí thấp vì điều này sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh về lâu dài. 

Việt Nam cũng cần tìm cách để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0.

Trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến bất thường trên toàn cầu khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn và vẫn chưa thể chắc chắn về thời điểm kết thúc dịch bệnh, Việt Nam sẽ cần tìm cách thúc đẩy nền tảng công nghiệp trong nước. 

Thị trường nội địa sẽ là đòn bẩy giúp nền kinh tế Việt Nam hồi phục trong ngắn hạn và góp phần phát triển lâu dài. 

Tuy nhiên, với những lợi thế có sẵn cùng niềm tin được xây dựng trong mắt nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài sau khi kiểm soát dịch bệnh thành công, việc chuẩn bị thật tốt để thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới là rất quan trọng đối với Việt Nam.

“Kết nối sâu rộng hơn nhờ vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn sẽ giúp Việt Nam nổi bật trong cuộc cạnh tranh về FDI”, ông Tan nói.

VACD và CABA 'bắt tay' giúp doanh nghiệp vượt qua những cú sốc bất ngờ
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á - Thái Bình Dương

Đại dịch Covid-19 cũng là chất xúc tác để các doanh nghiệp toàn cầu tăng cường đa dạng hoá chuỗi cung ứng với việc tìm đến các thị trường mới tiềm năng như Việt Nam. Điều này đã khiến các doanh nghiệp quốc tế tăng tốc trong việc thực hiện kế hoạch của họ nhằm giảm thiểu rủi ro khi quá tập trung/quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Ông Tan nhấn mạnh, để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn để có thể tận dụng các thoả thuận thương mại sẵn có, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh của mình. 

Mặc dù Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ở Việt Nam từ 14/1/2019 sau một thời gian dài chuẩn bị nhưng trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết vẫn còn tới 71% doanh nghiệp không biết hoặc lần đầu nghe về hiệp định này. 

Bên cạnh đó, có tới 63% doanh nghiệp dân doanh không biết hoặc lần đầu nghe nói về cộng đồng kinh tế ASEAN, con số với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu là 77%.

Sinh sống và làm việc tại Singapore, ông Tan cho rằng các công ty Singapore có thể phải đối mặt với thách thức trong việc điều hướng để phù hợp với bối cảnh kinh doanh và quy định tại Việt Nam nếu muốn tiếp cận thị trường này. 

Để khắc phục điều này, các công ty Singapore có thể cần tìm đối tác và nhân tài địa phương là những người hiểu rõ văn hóa kinh doanh và các động lực để doanh nghiệp có thể tăng trưởng ở thị trường triệu dân.

Trong bối cảnh đó, việc ký kết hợp tác giữa Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) và Liên minh kinh doanh Trung Quốc - Asean (CABA) có ý nghĩa rất quan trọng.

VACD và CABA 'bắt tay' giúp doanh nghiệp vượt qua những cú sốc bất ngờ 1
Ông Tan Chong Huat, Chủ tịch Liên minh kinh doanh Trung Quốc - Asean (CABA)

CABA là sáng kiến của Singapore nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh doanh cho các thành viên Cộng đồng Kinh doanh ASEAN cũng như giữa các doanh nghiệp ASEAN và doanh nghiệp Trung Quốc. 

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư, kinh doanh và kết nối nhân dân để thúc đẩy thực hiện Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) cũng như tìm kiếm cơ hội trong sáng kiến Một vành đai một con đường và Con đường tơ lụa trên biển mới thế kỷ 21.

Trong khi đó, Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) thông qua các hoạt động thực tiễn của mình nhằm nâng cao năng lực quản trị cho từng doanh nghiệp và hoàn thiện khuôn khổ pháp lí về quản trị doanh nghiệp.

Hội tập trung vào việc phát triển hệ thống chuẩn mực và các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam; nghiên cứu tổng kết các bài học kinh nghiệm cả thành công lẫn thất bại trong quản trị ở Việt Nam và quản trị quốc tế, từ đó từng bước xác định hệ thống chuẩn mực cũng như phương pháp quản trị mang sắc thái Việt Nam.

Hội VACD còn tạo ra các diễn đàn để các nhà quản trị Việt Nam và nước ngoài trao đổi, chia sẻ các kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm; triển khai các hoạt động đào tạo, tư vấn để góp phần tạo dựng đội ngũ quản trị viên đáp ứng được những đòi hỏi của nền quản trị mới. Đồng thời, VACD cũng đề xuất kiến nghị các chính sách với nhà nước liên quan đến quản trị doanh nghiệp.

Cả hai tổ chức đều rất chú trọng đẩy mạnh các hoạt động giao lưu kinh tế và văn hoá giữa Việt Nam và Singapore nói riêng cũng như giữa hai quốc gia và các thành viên khác trong ASEAN. 

“Đại dịch Covid-19 chỉ nhằm nhắc nhở rằng chúng ta không đơn độc và sẽ cùng nhau vượt qua những cú sốc bất ngờ một cách tốt hơn”, ông Tan nói.

Trong thời gian tới, bên cạnh tổ chức và hỗ trợ đối tác tổ chức và truyền thông cho các sự kiện, CABA và VACD sẽ tạo cơ hội cho các thành viên trao đổi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình để thấu hiểu nhau hơn, giúp nhau nâng cao năng lực và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, đặc biệt là trong thời điểm hậu dịch Covid-19.