Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất thế giới về thương mại hàng hóa

Hoài An - 09:09, 29/04/2021

TheLEADERTrong 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019, theo báo cáo của WTO.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện đã tăng 37 lần so với thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995 và tăng 5 lần so với thời điểm gia nhập WTO vào năm 2007.

Thông tin trên đã được đại diện Bộ Công thương công bố tại phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2019 (Phiên TPR) trong khuôn khổ WTO diễn ra vào ngày 27/4.

Theo quy định hiện hành của WTO, Việt Nam nằm trong số các thành viên phải rà soát chính sách thương mại với chu kỳ là 7 năm/lần.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất tích cực, nổi trội kể từ Phiên TPR lần đầu vào năm 2013. Như các kết quả về xuất nhập khẩu, tăng trưởng và cải cách kinh tế, cũng như định hướng xây dựng và thực thi chính sách liên quan đến thương mại trong thời gian tới.

Báo cáo Rà soát Thống kê Thương mại Thế giới năm 2020 của WTO cũng đã ghi nhận, trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019. Những con số này cho thấy ghi nhận sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu, độ mở của nền kinh tế cũng như tính nghiêm túc trong việc thực thi các cam kết quốc tế kể từ khi gia nhập WTO.

Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất thế giới về thương mại hàng hóa
Việt Nam xuất siêu kỷ lục trên 19 tỷ USD vào năm 2020.

Kể từ năm 2006 đến nay, Việt Nam chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô.

Cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần trong 5 năm gần đây gồm 1,77 tỷ USD vào năm 2016, 2,1 tỷ USD năm 2017, 6,8 tỷ USD năm 2018, 10,9 tỷ USD năm 2019. Năm 2020, tiếp tục ghi nhận xuất siêu kỷ lục trên 19 tỷ USD.

Đáng chú ý, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực. Tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến tăng từ 80,3% kim ngạch xuất khẩu năm 2016 lên mức 85,1% năm 2019 và 85,2% trong năm 2020. 

Trong khi đó, tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 2% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 xuống còn 1% năm 2020. Số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD tăng dần, từ 28 mặt hàng năm 2016 lên 31 mặt hàng năm 2020.

Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành ký kết 15 FTA ở cấp độ song phương và khu vực (trong đó đang thực thi 14 FTA, 1 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực), và đang đàm phán 2 FTA. 

Trong số đó, nổi bật nhất là 3 FTA thế hệ mới gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA); và 1 FTA có quy mô lớn nhất thế giới trong khuôn khổ ASEAN là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Việc khai thác các hiệp định thương mại tự do cũng đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA trung bình đạt 32% - 34%/năm. Kết quả này phản ánh doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam. Hiệp định EVFTA dù mới được đưa vào thực thi từ tháng 8 năm 2020 nhưng đã có những tín hiệu tích cực trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Tính từ ngày 1/8/2020 đến 4/4/2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp hơn 127,296 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 4,78 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho gần 3.585 lô hàng với trị giá hơn 10,88 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. 

Các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp.

Nhờ đó, hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc... Năm 2020, có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó, 5 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 8 thị trường trên 5 tỷ USD.