Bí quyết xây dựng đội ngũ giảng viên nội bộ

Đặng Hoa - 08:00, 06/07/2021

TheLEADERKhông chỉ giúp doanh nghiệp có được sự chủ động trong các hoạt động đào tạo, đội ngũ giảng viên nội bộ còn góp phần quan trọng giúp phát triển văn hóa học tập tại tổ chức.

Bí quyết xây dựng đội ngũ giảng viên nội bộ
Giảng viên nội bộ đóng vai trò quan trọng trong đào tạo và phát triển nhân sự

Rikkeisoft – một công ty phần mềm được thành lập vào năm 2012 đang hướng đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp tỷ đô với quy mô 10.000 người từ đội ngũ hiện tại hơn 1.200 kỹ sư trẻ và tài năng cùng khả năng phát triển vô cùng nhanh và vững chắc hiện có.

Để đạt được mục tiêu đầy thách thức này đòi hỏi Rikkeisoft phải hoàn thiện hệ thống quản trị hiện đại, đặc biệt là tập trung phát triển nội lực, nâng cao năng lực đội ngũ. Trong đó, việc xây dựng đội ngũ giảng viên nội bộ đáp ứng nhu cầu đào tạo, huấn luyện nhân sự cho nhu cầu tăng trưởng nóng được doanh nghiệp này chú trọng với ba yếu tố “chìa khoá”.

Một là xây dựng đội ngũ giảng viên nội bộ E-Team đáp ứng tiêu chí 3E. Tại Rikkeisoft, mô hình lãnh đạo - nhân viên và sư phụ - đệ tử không hề tồn tại. Thay vào đó, công ty này có quan điểm xem việc học và chỉ bảo nhau như một trò chơi mà ai cũng có thể tham gia. Đội ngũ E-Team ra đời với vai trò là người dẫn dắt, là những người có chuyên môn, có kỹ năng và yêu thích công việc đào tạo, chia sẻ.

E-Team được hình thành dựa trên tiêu chí 3E. Thứ nhất, Enthusiastic là đam mê, nhiệt huyết, thích chia sẻ, lan tỏa, truyền đạt năng lượng và kiến thức tới người xung quanh. Thứ hai, Engaging là thúc đẩy được hoạt động đào tạo, phong trào học tập tại bộ phận. Thứ ba, Expert in fields là có chuyên môn giỏi, có thể chỉ bảo, truyền đạt kiến thức tới mọi người.

Hai là phát triển năng lực giảng viên nội bộ bằng các chương trình đào tạo. Với phương châm: "coi trọng và nhân bản tri thức thực chiến", Rikkeisoft rất tập trung vào việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên nội bộ. Theo đó, mỗi giảng viên nội bộ đều là một chuyên gia trong doanh nghiệp với rất nhiều trải nghiệm khác nhau.

Do đó, để nâng cao năng lực cho đội ngũ những người dẫn dắt các thành viên còn lại, Rikkeisoft đã đầu tư chuyên nghiệp hoá nền tảng đào tạo, xây dựng văn hoá học tập giúp nhân sự có thể tự chủ, có tinh thần cầu tiến.

Ba là hỗ trợ chính sách giảng viên nội bộ bằng Training Passport (tạm dịch: hộ chiếu đào tạo). Tại Rikkeisoft, E-Point là đơn vị đo lường, ghi nhận hoạt động học tập, đào tạo của từng cá nhân. Tấm hộ chiếu cho đội ngũ giảng viên nội bộ E-Team là hệ thống tích điểm cống hiến E-Point.

Đội ngũ dành thời gian tham gia học tập, đào tạo, huấn luyện hoặc đơn giản là chia sẻ kiến thức "theo nguyên tắc được quy chuẩn" sẽ được nhận E-Point. Tổng E-Point được dùng làm căn cứ để vinh danh, khen thưởng, nâng lương, đánh giá sự cống hiến, gắn kết, phù hợp với giá trị cốt lõi của công ty và phát triển cá nhân. 

Đơn giản hơn, E-Point cũng có thể đổi thành các món quà tinh thần như được tặng một cuốn sách, một khoá học yêu thích, một chuyến du lịch hay đơn giản là một bát phở/cốc cafe do đích thân chủ tịch, hay CEO mời.

6 bước xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên nội bộ 

Theo chuyên gia của Học viện quản trị HRD, giảng viên nội bộ là đội ngũ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đào tạo và phát triển tại mỗi doanh nghiệp. Không chỉ giúp doanh nghiệp có được sự chủ động trong các hoạt động đào tạo, đội ngũ giảng viên nội bộ còn góp phần quan trọng giúp phát triển văn hóa học tập tại tổ chức. Chương trình “Colearning - phát triển năng lực nghề L&D” đã gợi ý sáu bước giúp doanh nghiệp xây dựng và phát triển một đội ngũ giảng viên đào tạo vững mạnh.

Bước thứ nhất là xây dựng nền tảng bao gồm quản trị đào tạo, sự ủng hộ từ ban lãnh đạo, sự đồng hành của quản lý cấp trung, sự tuân thủ từ toàn thể cán bộ nhân viên và sự vào cuộc của truyền thông nội bộ.

Trong đó, hệ thống quản trị đào tạo bao gồm các quy trình, quy chế, các quy định về tương tác giữa các phòng ban và phòng đào tạo. Quy chế có thể bao gồm một số nguyên tắc trong xây dựng giáo trình, sự dụng chi phí đào tạo, quy định khi lựa chọn đối tác thuê ngoài,.. 

Đặc biệt, quy chế bộ phận đào tạo nên lưu ý các quy định của học viên và quy định của giảng viên khi tham gia đào tạo. Các quy chế này sẽ tạo ra sự ràng buộc cho học viên và giảng viên, giúp nâng cao vị thế của phòng đào tạo trong công ty.

Bên cạnh đó, ngay từ ban đầu, bộ phận đào tạo phải kêu gọi được sự quan tâm của ban lãnh đạo công ty với công tác đào tạo. Bộ phận đào tạo cũng phải cho cán bộ quản lý cấp trung thấy được vai trò của họ trong công tác đào tạo.

Trong giai đoạn đầu, bộ phận đào tạo có thể áp dụng các quy định, quy chế để học viên tham gia đào tạo. Tuy nhiên, để duy trì và hình thành văn hóa hoc tập trong các cán bộ nhân viên, bộ phận đào tạo cần đưa ra các nội dung ứng dụng, giúp các học viên thấy được kết quả ngay; đồng thời, kêu gọi được sự vào cuộc của truyền thông nội bộ.

Bước thứ hai là xây dựng ngân hàng dữ liệu. Ngân hàng dữ liệu có thể hiểu là tập hợp các tài liệu, nội dung phục vụ cho công tác đào tạo, giúp bộ phận đào tạo quản trị dữ liệu một cách tập trung.

Trong bước xây dựng ngân hàng dữ liệu, bộ phận đào tạo có hai mảng công việc chính gồm: chuẩn hoá hệ thống tài liệu theo quy định: đóng gói bộ tài liệu theo tiêu chuẩn, đảm bảo các trainer có thể đào tạo được ngay từ các tài liệu đó; triển khai xây dựng và cập nhật các tài liệu mới.

Bước thứ ba là lựa chọn đội ngũ giảng viên. Trước hết, cần xây dựng tiêu chí đánh giá. Bộ phận đào tạo có thể ứng dụng một số mô hình như ASK (Attitude - phẩm chất hay thái độ, Skill - kỹ năng và Knowledge - kiến thức), KASH (ASK + Habit - thái độ),... để có các tiêu chuẩn lựa chọn đội ngũ. Sau đó, lựa chọn danh sách giảng viên nội bộ dựa trên các tiêu chí đánh giá.

Sau khi đã lựa chọn được danh sách giảng viên nội bộ, cần đánh giá và phân cấp giảng viên nội bộ, phân loại các giảng viên thành các nhóm gồm: nhóm có thể đứng lớp ngay, nhóm giảng viên cần được đào tạo và theo dõi thêm. Từ đó, xây dựng lộ trình huấn luyện giảng viên.

Bước thứ tư là phát triển năng lực giảng viên. Trong đó bao gồm các hoạt động như triển khai lộ trình huấn luyện các năng lực và tổ chức các chương trình giảng thử; xây dựng và đôn đốc triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo tạo của đơn vị, ví dụ như quy định quy chế yêu cầu về một số tiêu chí, kiểm soát số lượng, nội dung các buổi đào tạo,...

Bước thứ năm là triển khai đào tạo. Trong quá trình này, bộ phận đào tạo sẽ theo sát các giảng viên nội bộ ở cả các giai đoạn trước, trong và sau đào tạo.

Trước đào tạo, cần thống nhất mục tiêu và nội dung chương trình; tư vấn các hoạt động đào tạo và phương pháp triển khai; hỗ trợ xây dựng, chuẩn hoá và đóng gói tài liệu. Trong quá trình đào tạo, cần hỗ trợ hậu cần triển khai chương trình; đồng hành/dự giảng/cử cán bộ trực lớp; làm công tác truyền thông: chụp ảnh, viết bài, đưa tin... Sau đào tạo, cần thực hiện báo cáo sau đào tạo; đóng góp ý kiến, rút kinh nghiệm, cải tiến chương trình.

Bước thứ sáu là duy trì và phát triển đội ngũ giảng viên nội bộ sau khi xây dựng đội ngũ giảng viên nội bộ.

Bước này được thực hiện thông qua một số hoạt động như: theo dõi và ghi nhận kế hoạch đào tạo đã đề ra; triển khai đánh giá chất lượng và xếp hạng giảng viên để tạo ra động lực cho mỗi giảng viên; tổ chức các chương trình thi đua, tạo ra các danh hiệu thi đua; thực hiện chế độ đãi ngộ hấp dẫn, chuyên biệt, đưa ra chế độ lương phụ cấp, lương ngoài giờ, đối xử với họ một cách khác biệt, tổ chức các chương trình phát triển năng lực dành riêng cho giảng viên nội bộ.