Bước tiến dài của khởi nghiệp Việt Nam 2019

Việt Hưng - 11:28, 09/12/2019

TheLEADERTrong 10 tháng đầu năm 2019, lượng vốn startup Việt Nam thu hút được từ 29 thương vụ có công bố đã là 751 triệu USD. Trong đó, thương vụ lớn nhất thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính có giá trị lên tới 300 triệu USD, đứng thứ nhất trong số các thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ tài chính khu vực Đông Nam Á.

Bước tiến dài của khởi nghiệp Việt Nam 2019
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Techfest VietNam 2019

Hai chỉ số quan trọng

Tham dự Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2019 - Techfest VietNam 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng năm 2019 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ phong trào startup ở Việt Nam.

Hai chỉ số được Phó Thủ tướng nêu ví dụ, đến năm 2018 ở Việt Nam có 40 quỹ đầu tư mạo hiểm thì năm 2019 đã xuất hiện thêm 21 quỹ, trong đó 11 quỹ có pháp nhân Việt Nam với 6 quỹ thuần Việt. Số lượng không gian làm việc sáng tạo chung dành cho các nhóm startup tăng từ 70 điểm (năm 2018) lên 170 điểm vào năm 2019.

"Chỉ hai con số đấy cho thấy năm 2019 lĩnh vực startup có một bước tiến rất dài, với sự vào cuộc của đông đảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước", Phó Thủ tướng bày tỏ.

Sự phát triển của cộng đồng startup không tách khỏi sự phát triển chung của đất nước khi năm 2019 các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội đều được hoàn thành, duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao.

Những chỉ số liên quan đến đánh giá quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển khoa học công nghệ, start-up… tiếp tục cải thiện tích cực. Đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng về năng lực cạnh tranh năm 2019, Việt Nam tăng 10 bậc. Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin tăng 54 bậc (đứng thứ 41). Chỉ số đổi mới sáng tạo đứng thứ 42, trong đó nhóm chỉ số tri thức và công nghệ đứng thứ 27.

Công nghệ thông tin; an ninh, an toàn thông tin của Việt Nam có bước phát triển rất tốt, tăng 50 bậc từ vị trí 100. So với năm 2018, thanh toán điện tử tăng mạnh, đặc biệt thanh toán di động tăng 187% số giao dịch với 246% giá trị trong năm 2019.

"Tất cả những điều đó cho thấy chúng ta đang có những bước đi rất đúng hướng và tích cực", Phó Thủ tướng nhìn nhận, song trong điều kiện Việt Nam đang phát triển còn rất nhiều việc phải làm để không bị lỡ "đoàn tàu cách mạng công nghiệp 4.0".

Bước tiến dài của khởi nghiệp Việt Nam 2019 1
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tại Techfest VietNam 2019

Năm tín hiệu tích cực

Cũng tại chuỗi sự kiện này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đánh giá, năm 2019, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 03 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất ASEAN.

Trong 10 tháng đầu năm 2019, lượng vốn thu hút được từ 29 thương vụ có công bố đã là 751 triệu USD. Trong đó, thương vụ lớn nhất thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính có giá trị lên tới 300 triệu USD, đứng thứ nhất trong số các thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ tài chính khu vực Đông Nam Á.

Quy mô các thương vụ đầu tư lớn ngày càng tăng cho thấy tiềm năng hình thành các kỳ lân mới - các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được định giá trên 1 tỷ USD tại Việt Nam là rất thực tế.

Minh chứng từ số liệu báo cáo ES Capital và Cento Ventures, trong năm 2019 Việt Nam đứng thứ ba trong số sáu quốc gia ASEAN về hệ sinh thái khởi nghiệp, chỉ sau Indonesia và Singapore. Ba năm qua, nhiều hoạt động xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã được triển khai.

"23 tổ chức thúc đẩy Kinh doanh với những tên tuổi lớn trên thế giới đã vào Việt Nam như 500 startup, 38 vườn ươm khởi nghiệp, và đặc biệt là trên 170 khu làm việc chung với những thương hiệu đang mở rộng ra thị trường quốc tế như Up, Toong. Hiện, 52/63 địa phương đã ban hành kế hoạch và bố trí nguồn lực hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết. 

Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo được Chính phủ giao, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ủy ban, bộ, ngành, địa phương triển khai các kế hoạch cụ thể để thúc đẩy sự hình thành và phát triển của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam. Sau hơn 3 năm triển khai, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã chứng kiến:

Thứ nhất, sự hình thành hành lang pháp lý cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Chuyển giao công nghiệp năm 2017 và các văn bản hướng dẫn; chính sách thí điểm cũng đang được các Bộ, ngành tích cực xây dựng, triển khai như: sandbox trong lĩnh vực fintech, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đưa startup tham gia các chương trình huấn luyện tại nước ngoài...

Thứ hai, hệ thống các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong phạm vi cả nước có sự phát triển nhanh về mặt số lượng: 23 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, trong đó có nhiều tổ chức thúc đẩy kinh doanh uy tín trên thế giới; 38 vườn ươm khởi nghiệp; trên 170 khu làm việc chung với những thương hiệu đang mở rộng ra thị trường quốc tế…

Thứ ba, sự lan toả mạnh của hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong toàn quốc và tiếp cận với quốc tế: 52/63 địa phương đã ban hành kế hoạch và bố trí nguồn lực hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, hơn 300 sự kiện về khởi nghiệp sáng tạo được tổ chức trong cả nước, hơn 10 chương trình truyền hình về khởi nghiệp sáng tạo được phát sóng trong cả nước;

Thứ tư, các trường đại học đã hình thành nhiều trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đặc biệt là một số trường đã đưa môn học về khởi nghiệp sáng tạo vào chương trình chính thức là cơ sở cho việc hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo năng lực tốt trong thời gian tới.

Thứ năm, số lượng các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh. Hiện có 61 quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó, đã xuất hiện các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam như Quỹ Nghiên cứu ứng dụng VinTech hay Quỹ Next100. Sự vào cuộc của các tập đoàn lớn trong nước là tín hiệu đáng mừng đối với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.