Cộng sinh làm du lịch 'chuẩn vị' miền Tây

Phạm Sơn - 18:31, 23/10/2023

TheLEADERDu lịch miền Tây đang “cất cánh” nhưng “bay từ từ” để đảm bảo sự ổn định, hài hòa với bản sắc văn hóa, nét đẹp thiên nhiên cũng như đem lại lợi ích tối đa cho cộng đồng.

Cộng sinh làm du lịch 'chuẩn vị' miền Tây
Chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ là một trong sáu chợ nổi đẹp nhất thế giới

Trải nghiệm độc đáo

“Bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiền hòa, đáng yêu lắm, đáng yêu vô cùng” là lời nhận xét chân tình của Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh (TMG) Trần Trọng Kiên sau một thời gian dài tiên phong đầu tư khai thác du lịch miền Tây.

Khác với miền Trung, miền Tây với đặc trưng là vùng đồng bằng trẻ chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, do đó được định hướng phát triển dịch vụ, du lịch gắn liền với sinh thái, nông nghiệp và cộng đồng.

Bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa đặc trưng, sự hiền hòa, thân thiện của người dân địa phương cũng là một điểm cộng rất lớn đối với du lịch sinh thái, cộng đồng.

TMG tận dụng khá hiệu quả điểm cộng đó khi cung cấp cho du khách nghỉ tại chuỗi Victoria ở miền Tây những hành trình trải nghiệm không gian văn hóa người Chăm ở Châu Đốc, An Giang hay thăm quan miệt vườn trái cây ở Cồn Sơn, Cần Thơ.

Đại diện TMG cho biết, doanh nghiệp này chọn cách “cộng sinh” với bà con thông qua việc chủ động, tích cực quảng bá những nét đẹp thiên nhiên, con người và văn hóa địa phương.

Từ đó, khách đến đông hơn, bà con có thêm nguồn thu nhập. Đổi lại, khách hàng của TMG có thêm những trải nghiệm độc đáo và hấp dẫn không nơi nào có được.

Điểm độc đáo nhất đến từ những người cung cấp dịch vụ chính là bà con nông dân và đồng bào dân tộc, vốn chỉ quen với việc trồng rau, nuôi cá, làm thủ công. Bà con hiếu khách, nhiệt tình và dễ mến nhưng không được đào tạo về cung cách làm du lịch.

Qua mỗi lượt khách, nhân viên TMG ghi lại phản hồi rồi góp ý, bàn bạc với bà con để làm sao phục vụ khách tốt hơn, từ đó dần dần định hình một phong cách dịch vụ đặc trưng, rất chu đáo, tận tâm nhưng cũng hết sức chân tình, giản dị, không có cảm giác “công nghiệp hóa”.

Một nét độc đáo khác chính là những câu chuyện, từ vài câu tâm tình của ông chủ nhà bè về sự bấp bênh của nghề nuôi cá, sự kỳ công huấn luyện cá lóc bay của lão nông ở Cồn Sơn, cho đến những mẩu chuyện nhuốm màu thần bí như sự tích pho tượng Bà chúa Xứ núi Sam, con cá sấu mê nghe hát bội ở Cái Răng… được kể suốt chuyến hành trình khám phá sông nước.

Đó là những câu chuyện mà khi vừa được nghe tận tai, vừa được nhìn tận mắt, trải nghiệm tận tay, du khách càng thêm trân quý nét đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, của văn hóa và con người miền Tây.

“Chúng tôi xây tài sản du lịch dựa trên cơ sở kể câu chuyện. Đó là những câu chuyện “từ trăm năm kể lại” mà nếu nhìn ở những góc khác thì nó thực sự sâu sắc và văn minh”, ông Kiên nói.

Hiện tại, TMG sở hữu nhiều tài sản du lịch cao cấp hàng đầu tại Đồng bằng sông Cửu Long, với chuỗi Victoria Cần Thơ, Châu Đốc, Núi Sam và du thuyền Mekong Cruise.

Sau thương vụ trị giá 45 triệu USD mua lại chuỗi Victoria từ tay người Pháp vào năm 2011, ông Kiên quyết định thực hiện những thay đổi mang tính chiến lược nhằm đưa giá trị văn hóa, truyền thống bản địa kết hợp với dịch vụ đẳng cấp đến từ châu Âu.

Đó là thay đổi từ thực đơn với những món ăn “chuẩn vị” địa phương nhưng vẫn đảm bảo phục vụ nhanh, thuận tiện và có tinh chỉnh cho vừa miệng du khách, cho đến việc làm sao để nhân viên nói tiếng Việt với du khách sao cho hay hơn, chuẩn hơn.

Những thay đổi ấy đem lại hiệu quả tích cực. Chuỗi khách sạn Victoria đạt được mức tăng trưởng gấp đôi chỉ sau hai năm về tay TMG. 

Phát triển du lịch miền Tây nhìn từ một doanh nghiệp tiên phong 1
Khách sạn Victoria Cần Thơ

Phát triển “từ từ”

Thực hiện hóa các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như quy hoạch vùng 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, hạ tầng giao thông miền Tây đang được dồn nguồn lực đầu tư phát triển.

Đó là cơ hội lớn cho du lịch miền Tây “cất cánh”. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch TP. Cần Thơ, thông tin, bên cạnh TMG, cũng đang có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu và tiến hành mở các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn.

Cần Thơ đang có kế hoạch mời gọi các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư có tiềm lực để phát triển các sản phẩm du lịch ở nhiều phân khúc.

Ông Tuấn cho biết, thực tế, du lịch Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đã “cất cánh” nhưng đi một cách từ từ, không phát triển theo “điểm nóng” để đảm bảo tính lâu dài và bền vững.

“Chúng tôi đang xây dựng và đưa ra tiêu chí về sản phẩm du lịch bền vững, phối hợp với các bên liên quan để kiểm nghiệm, đánh giá từng cơ sở, khách sạn, khu du lịch”, ông Tuấn nói với TheLEADER.

Thực tế, với quan điểm đó, du lịch miền Tây vẫn “sống ổn” qua giai đoạn biến động vừa qua, trong khi các điểm nóng về du lịch thể hiện sự kiệt quệ nặng nề.

Cũng nhìn ra được những cơ hội đến với du lịch miền Tây, ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang, bổ sung, để tận dụng được cơ hội này, cần phải xây dựng thêm các sản phẩm du lịch.

Mục đích cuối cùng của du lịch không phải là kiếm lợi nhuận cho chủ đầu tư mà là xây dựng sự thịnh vượng cho cộng đồng
Ông Trần Trọng Kiên
Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Thiên Minh

Đây là điều được An Giang chú trọng triển khai trong thời gian qua, đơn cử như mở tour trekking (đi bộ đường dài) núi Cấm giúp du khách lần đầu được khám phá vùng núi rừng Thất Sơn huyền bí, làng bè nuôi cá ba sa bảy sắc cầu vồng ở Châu Đốc hay đẩy mạnh quảng bá những lễ hội độc đáo như lễ hội đua bò, lễ hội Bà chúa Xứ, tết của người Khmer.

Văn hóa truyền thống được thổi hồn vào xu thế của thời đại, tạo ra những dịch vụ du lịch mới mẻ, hấp dẫn như du lịch thể thao, du lịch chữa lành.

Đồng quan điểm với ông Hiếu, ông Tuấn mong muốn miền Tây có những sản phẩm du lịch thực sự độc đáo và không thể thay thế. Muốn làm được điều này, phải xác định rõ quan điểm không can thiệp trực tiếp vào những nét đẹp văn hóa.

Tiêu biểu như đối với chợ nổi Cái Răng, một trong sáu chợ nổi đẹp nhất thế giới, ông Tuấn cho rằng, cần bảo tồn theo cách tự nhiên nhất, để du khách đến và trải nghiệm chân thực cuộc sống thương hồ sông nước thay vì thương mại hóa để bán hàng cho du khách.

Đồng quan điểm với đại diện từ Cần Thơ và An Giang, ông Kiên nhìn nhận, giá trị lớn hơn của du lịch là sự lan tỏa. Các sản phẩm độc đáo, giữ được nét đẹp tự nhiên, ban sơ nhất có thể không khiến du khách phải bỏ nhiều tiền trải nghiệm nhưng sẽ là yếu tố giúp du khách ở lại lâu hơn, chi trả thêm cho nhiều dịch vụ khác tại địa phương.

Chủ tịch TMG cũng lưu ý, mục đích cuối cùng của du lịch không phải là kiếm lợi nhuận cho chủ đầu tư mà là xây dựng sự thịnh vượng cho cộng đồng. Do đó, xây dựng sản phẩm du lịch, tổ chức các sự kiện, lễ hội, yếu tố đầu tiên và trên hết là cần phải phục vụ được lợi ích của người dân và cộng đồng.