Cuộc đua khốc liệt hút nhân tài khoa học công nghệ

Nhật Hạ - 15:13, 16/05/2024

TheLEADERCạnh tranh thu hút nhân tài khoa học công nghệ đang là một cuộc chạy đua khốc liệt ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có đột phá trong chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học tài năng, Thủ tướng nhận định.

Tại lễ chào mừng Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam 15/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, trong thế giới ngày nay, dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khoa học công nghệ đã phát triển bùng nổ trên tất cả các lĩnh vực, đang làm thay đổi sâu sắc thế giới.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung đang theo hướng thông minh và hiệu quả hơn, với tốc độ nhanh hơn và biến động khó lường.

Các bài học kinh nghiệm thành công trên thế giới, nhất là ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Phần Lan..., cho thấy vai trò to lớn của khoa học công nghệ đối với sự phát triển và vượt lên của các quốc gia.

Mặt khác, những bài học kinh nghiệm thất bại, rơi vào bẫy thu nhập trung bình của nhiều quốc gia trên thế giới cũng cho thấy sự thất bại của chính sách khoa học công nghệ ở những nơi này, theo Thủ tướng.

Tại Việt Nam, đội ngũ những người làm khoa học đang ngày càng lớn mạnh. Nhiều nhà khoa học Việt Nam có tầm ảnh hưởng khu vực, quốc tế, trong đó có các nhà khoa học xuất sắc đi đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu.

"Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, nhưng hào kiệt về khoa học công nghệ lúc nào cũng có", Thủ tướng phát biểu.

Thu hút nhân tài khoa học công nghệ đang là cuộc chạy đua khốc liệt trên thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ chào mừng Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam, kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và công nghệ, lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024. Ảnh: Nhật Bắc

Xếp hạng quốc tế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam không ngừng được cải thiện.

Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46, tăng 2 bậc so với năm trước đó. Trong một thập kỷ qua, thứ hạng đã tăng 30 bậc. Việt Nam liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) coi là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn, nhất là trong thế hệ trẻ.

Đến nay, Việt Nam đã có bốn "kỳ lân" khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ (MoMo, Sky, Mavis, VNLIFE), xếp thứ ba trong khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh những kết quả trên, Thủ tướng cho rằng nền khoa học công nghệ ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Nhận thức của các cấp, các ngành và các địa phương về vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chưa đầy đủ.

Cơ chế, chính sách quản lý khoa học công nghệ còn nhiều điểm chưa phù hợp.

Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút nhân tài khoa học công nghệ đang là một cuộc chạy đua khốc liệt ở nhiều nơi trên thế giới, Việt Nam chưa có đột phá trong chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học tài năng.

Kinh phí đầu tư còn hạn hẹp; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị dành cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Thị trường khoa học công nghệ phát triển còn chậm; chưa xây dựng được sàn giao dịch công nghệ hiệu quả; kết nối cung cầu hạn chế; cơ chế thương mại hoá sản phẩm khoa học công nghệ chưa đột phá.

Đội ngũ các nhà khoa học, người làm khoa học công nghệ chưa nhiều, chưa đồng đều. Việc đào tạo nhà khoa học và tổ chức hoạt động nghiên cứu và phát triển chưa được chú trọng ở cả cấp độ cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý…

Thủ tướng nhắc lại văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: "Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để tăng trưởng kinh tế" và "đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo".

Có thể nói, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là một yếu tố nền tảng của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu. Đây cũng là nền tảng phát triển đất nước nhanh, bền vững, là yêu cầu khách quan, lựa chọn khôn ngoan và cần có ưu tiên về nguồn lực (thể chế, cơ chế, chính sách, hạ tầng, con người…).

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, nếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, trở nên ngày càng khan hiếm, thì khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 khẳng định, phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong ba đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu cho phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Đây chính là một động lực rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; là một yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với quá trình vươn lên "bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên" trong thế giới ngày nay.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển bao trùm, toàn diện; đầu tư thích đáng về hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khoa học xã hội và nhân văn.

Bên cạnh đó, tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường các hình thức hợp tác công tư tham gia đào tạo nhân lực khoa học công nghệ.

Các bộ, ngành, địa phương cần kiên trì, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chính sách vượt trội cho khoa học công nghệ về thể chế, cơ sở vật chất, nhân lực. Trong đó có các chính sách ưu đãi, trọng dụng, khen thưởng cho người trong ngành.

Thủ tướng yêu cầu cần có chính sách phù hợp tăng cường thu hút các nhà khoa học Việt Nam, quốc tế có uy tín đang làm việc ở các nước thông qua các cơ chế hợp tác đa dạng như: tham gia giảng dạy, nghiên cứu, nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh Việt Nam...