Dấu ấn kinh tế tuần hoàn năm 2022

Phạm Sơn - 17:31, 31/12/2022

TheLEADERNăm 2022 là một năm mang tính bước ngoặt và bản lề trong tiến trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực

Luật Bảo vệ môi trường 2020, chính thức có hiệu lực vào năm 2022, lần đầu tiên luật hóa khái niệm Kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, tại điều 142, kinh tế tuần hoàn được định nghĩa là “mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

Bên cạnh điều 142, kinh tế tuần hoàn cũng được lồng ghép vào nhiều quy định, giải pháp được đưa ra trong Luật Bảo vệ môi trường 2022, ví dụ như quy định về phân loại rác thải tại nguồn, dịch vụ môi trường, trái phiếu xanh…

Chính thức thực thi công cụ EPR

Kể từ năm 2022, đối với các bao bì, sản phẩm thuộc danh mục chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý, doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu phải đóng góp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường, theo quy định của điều 55 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Như vậy, năm 2022 là năm đầu tiên chính thức thực thi một phần công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam. Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường, EPR mang hàm ý tạo động lực để doanh nghiệp thay đổi thiết kế sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường, dễ dàng thu gom, tái chế.

Phần còn lại của công cụ EPR là điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020, dự kiến sẽ chính thức được áp dụng kể từ năm 2024. Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường 2020 cho phép doanh nghiệp được lựa chọn giữa việc tự thu gom, tái chế; thuê bên thứ 3 thu gom, tái chế hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường.

Vì vậy, năm 2022 và năm 2023 cũng là thời điểm cộng đồng doanh nghiệp tích cực triển khai, đánh giá và nhân rộng các giải pháp hướng đến thực thi hiệu quả công cụ EPR. Hiện tại, thông tư về sử dụng khoản tài chính thu được từ EPR đang được xây dựng, dự kiến ban hành đầu năm 2023.

Ngành công nghiệp tái chế bắt đầu chuyển mình

Cùng với việc thực thi EPR, ngành công nghiệp tái chế, sau hơn 40 năm manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, đã bắt đầu nhìn thấy “ánh sáng phía cuối đường hầm”. Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 10 trên toàn thế giới về tái chế các loại phế liệu bao gồm kim loại, nhựa, giấy và thủy tinh. Ngành tái chế cũng tăng trưởng đạt mức hơn 11% so với năm 2021.

Nhằm tận dụng cơ hội từ EPR đem lại, các nhà tái chế Việt Nam đang tích cực đầu tư đổi mới quy trình, nâng cao công nghệ thu gom, phân loại, tái chế để đáp ứng tiêu chuẩn. Một số doanh nghiệp lớn cũng đang “lấn sân” sang lĩnh vực tái chế, có thể kể đến như nhà máy tái chế nhựa của Tân Hiệp Phát; công ty Tái chế Duy Tân…

Dấu ấn kinh tế tuần hoàn năm 2022 1

Một số doanh nghiệp, trước áp lực phải thực thi EPR, cũng đang đầu tư và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ ngành công nghiệp tái chế. Có thể kể đến như dự án hợp tác với BVRio của Tetra Pak và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam); dự án hợp tác giữa Tái chế Duy Tân, Coca Cola Việt Nam và GreenHub tại Cần Giờ…

Đáng chú ý, không chỉ hỗ trợ tái chế, các dự án này cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới chuỗi giá trị thu gom phế liệu, vốn chủ yếu được thực hiện ở khu vực phi chính thức. Qua đó, không chỉ nâng cao tỷ lệ tái chế, các dự án còn giúp nâng cao thu nhập, đảm bảo sinh kế cho người lao động yếu thế.

Bên cạnh doanh nghiệp trong nước, một số nhà đầu tư nước ngoài cũng đang bày tỏ sự quan tâm tới tiềm năng của ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam. Điển hình trong số đó là Tomra, nhà tái chế hàng đầu thế giới đến từ Na Uy. Tại một diễn đàn về tăng trưởng xanh vào đầu năm 2022, Tomra đã giới thiệu nhiều giải pháp tái chế tiên tiến dựa trên cảm biến, hứa hẹn sẽ tạo ra những bước phát triển lớn cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn

Tháng 6/2022, Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được Chính phủ phê duyệt. Đề án được xây dựng bởi Bộ Kế hoạch và đầu tư, giao nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho nhiều bộ, ngành và cơ quan liên quan.

Đề án nhấn mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn “phải dựa trên cách tiếp cận mở, hướng nhiều hơn đến tạo dựng không gian và thuận lợi cho phát huy hiệu quả kinh tế”. Đề án đặt mục tiêu ứng dụng kinh tế tuần hoàn để xây dựng lối sống xanh, tăng cường đầu tư công nghệ sạch, đi kèm với nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện thu nhập, cải thiện năng suất lao động.

Bên cạnh đó, kinh tế tuần hoàn cũng được kỳ vọng trở thành một trong những động lực chủ yếu để giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ lệ che phủ của rừng. Đến năm 2030, kinh té tuần hoàn sẽ góp phần giảm ít nhất 15% cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn là minh chứng cho thấy tư duy đa ngành, đa lĩnh vực trong triển khai kinh tế tuần hoàn.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD), cũng nhận định, Đề án đã đưa ra những mục tiêu, phân công nhiệm vụ đầy đủ, kỹ càng.

Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn càng trở nên có ý nghĩa khi được ban hành cùng với thời điểm thực hiện chương trình phục hồi kinh tế. Ông Vinh lý giải, kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp cũng như cho tương lai của nền kinh tế.

Lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn kinh tế tuần hoàn quốc gia

Cuối tháng 6/2022, ngay sau khi Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn được phê duyệt, Bộ Tài nguyên và môi trường đã phối hợp với các bên liên quan, lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022 với chủ đề “Phát thải ròng bằng không – Từ cam kết đến hành động”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không, đồng thời chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.

Dấu ấn kinh tế tuần hoàn năm 2022 3
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022.

Tại Diễn đàn, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục nêu đề xuất, cần nghiên cứu khả năng xây dựng và ban hành một luật riêng về kinh tế tuần hoàn, với nội dung gắn kinh tế tuần hoàn với đổi mới sáng tạo, tạo cơ chế huy động tài chính cho kinh tế tuần hoàn cũng như cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang hướng tuần hoàn.

Xây dựng luật riêng cho kinh tế tuần hoàn là đề xuất của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, đã nhiều lần được VCCI và VBCSD nêu lên với Chính phủ và các bộ, ngành. Theo các chuyên gia, luật riêng về kinh tế tuần hoàn là điều cần thiết để tạo ra khung pháp lý đủ mạnh điều chỉnh các hoạt động liên quan, có hiệu quả cao hơn nhiều so với những đề án, nghị định.

Bên lề Diễn đàn là triển lãm về kinh tế tuần hoàn, nơi các tổ chức và doanh nghiệp giới thiệu nhiều giải pháp liên quan đến tiết giảm, tái chế, tái sử dụng. Những giải pháp có nhiều tiềm năng ứng dụng và nhân rộng cho thấy bước chuyển mình của cộng đồng doanh nghiệp hướng tới tư duy tuần hoàn.

Ra mắt Mạng lưới kinh tế tuần hoàn

Một sự kiện thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022 là Lễ khai trương Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam (CE Hub). Đây là sáng kiến của Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Na Uy, Đại sứ quán Hà Lan và Đại sứ quán Phần Lan.

CE Hub được xây dựng nhằm mục đích nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực của tất cả các bên liên quan để áp dụng hiệu quả, có hệ thống các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn.

Các hoạt động chính của CE Hub bao gồm đối thoại chính sách; chia sẻ nghiên cứu điển hình; chia sẻ thông tin tài chính hỗ trợ kinh tế tuần hoàn; chia sẻ những sáng kiến, câu chuyện truyền cảm hứng về kinh tế tuần hoàn; tạo diễn đàn để doanh nghiệp trao đổi, hợp tác nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

CE Hub đã phối hợp với các đối tác để tổ chức chương trình Tăng cường năng lực về kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp Việt Nam, với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp tại 21 tỉnh, thành trên cả nước.

Bên cạnh việc chọn ra 15 doanh nghiệp tham gia chương trình ươm tạo về kinh tế tuần hoàn, chương trình cũng thúc đẩy được sự tham gia của các bên liên quan dể trao đổi nguồn lực, xây dựng quan hệ hợp tác. Nhiều doanh nghiệp, sau khi tham gia chương trình, đã có nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu quả, không chỉ góp phần tiết giảm sử dụng tài nguyên, giảm phát thải mà còn tạo ra giá trị kinh tế.

Có thể nói, năm 2022 đánh dấu bước ngoặt lớn trong tiến trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Với một nền kinh tế suốt nhiều năm được vận hành theo triết lý tuyến tính, việc ứng dụng, triển khai kinh tế tuần hoàn sẽ gây ra nhiều khó khăn, thách thức đối với các tổ chức, doanh nghiệp cũng như toàn xã hội.

Tuy nhiên, những dấu ấn năm 2022 phần nào thể hiện được nỗ lực, quyết tâm của Nhà nước, các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước trước sự chuyển đổi mang tính xu thế của thời đại. Với nỗ lực, quyết tâm đó, không phải viển vông khi đặt niềm tin vào một Việt Nam xanh – sạch – đẹp, với mô hình kinh tế tuần hoàn vận hành hiệu quả.