Hành trình đưa hạt cacao Việt Nam ra thế giới

Việt Hưng - 14:03, 02/02/2020

TheLEADERCâu chuyện thành công về thương hiệu chocolate Marou là một cuộc hành trình hoàn toàn ngẫu nhiên, được tạo nên bởi chính sự tôn trọng tính nguyên bản. Điều đáng nói, đây là thương hiệu chocolate đầu tiên "Made in Vietnam" có tên trên bản đồ các sản phẩm bánh kẹo chocolate ngon nhất thế giới.

Vincent Mourou - Giám đốc sáng tạo của một công ty quảng cáo tại San Francisco. Samuel Maruta - nhân viên một ngân hàng của Pháp. Hai người gặp nhau tại Việt Nam năm 2011 và ý tưởng cùng nhau gây dựng nên một thương hiệu chocolate "bean to bar" (là loại chocolate được cùng một nhà sản xuất thực hiện toàn bộ từ khâu xử lý hạt cacao đến khi xuất xưởng thanh chocolate thành phẩm) đầu tiên tại Việt Nam.

Câu chuyện thành công về thương hiệu chocolate cao cấp của họ lại là một cuộc hành trình hoàn toàn ngẫu nhiên, được tạo nên bởi chính sự tôn trọng tính nguyên bản. Điều đáng nói, đây là thương hiệu chocolate đầu tiên "Made in Vietnam" có tên trên bản đồ các sản phẩm bánh kẹo chocolate ngon nhất thế giới.

Ít ai biết rằng, những thanh chocolate Marou đầu tiên ra đời tại căn bếp của Samuel sau khi ông quyết định mua 2 kg hạt cacao từ một trang trại ở ngoại ô TP. HCM và sau này là một trong những doanh nghiệp sản xuất chocolate "bean to bar" đầu tiên ở châu Á với thương hiệu Marou Faiseurs de Chocolat.

Ban đầu rất nhiều người nói hai nhà sáng lập bị điên. Họ cho rằng người Việt Nam thích dùng sữa, dùng trà chứ không thích thứ đắng đắng như chocolate. Tuy nhiên, Vincent và Samuel Maruta vẫn nhìn thấy tiềm năng của ngành này và thấy đây là cơ hội lớn vì Việt Nam sở hữu vùng trồng cacao rất lớn. Hai người thực sự muốn làm điều gì đó khác biệt.

Vincent và Samuel đã lặn lội khắp 6 tỉnh của Việt Nam để làm việc trực tiếp với người nông dân, nhằm tìm được nguồn nguyên liệu chocolate tốt. Thông qua mối quan hệ sẵn có với những người trồng cà phê, họ bắt đầu kết nối được với các nông dân trồng cacao.

Hành trình đưa hạt cacao Việt Nam ra thế giới
Hai nhà sáng lập Samuel Maruta (trái) và Vincent Mourou (phải)

Với những người như ông Hồ Văn Lâu - một nông dân ở Tiền Giang, cacao được xem là loại cây mang lại sự đổi đời cho họ. Với những khoản viện trợ từ nước ngoài, những nông dân như ông Lâu có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn để trồng và mở rộng hoạt động canh tác. 10 năm trước, cacao phủ rộng trên chỉ 2.000 hecta tại Việt Nam nhưng hiện giờ con số này đã lên tới 54.000 hecta.

Về việc hợp tác cùng Marou, ông Lâu cho biết: "Phía Marou luôn muốn những hạt cacao sạch nhất và tôi khẳng định cacao của mình không có thuốc trừ sâu và chất bảo quản".

Trồng cacao đòi hỏi sự tỉ mỉ. Ở thời điểm bắt đầu, Marou gặp không ít khó khăn, thách thức về vị trí địa lý, nhân công lao động và kỹ thuật, trình độ tay nghề của nông dân bởi kỳ vọng sản xuất cacao đạt chất lượng cao nhất.

Qua nghiên cứu và xác định cắt giảm vai trò trung gian của những đầu mối thu mua cacao, Marou đã tự tổ chức quy trình, tiếp cận từ đầu vào, kiểm soát nguồn hàng cho tới từng hạt cacao thành phẩm để đảm bảo nguồn hạt đạt chất lượng tốt nhất. Sản phẩm đầu ra là nguồn chocolate hảo hạng.

Sau này, Marou đặt tên 5 loại chocolate của hãng theo 5 tỉnh cung cấp nguồn hạt cacao là Tiền Giang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bến Tre.

Những ngày đầu khởi nghiệp, Maruta nói: "Chúng tôi bắt đầu làm chocolate ở nhà. Rang hạt bằng lò nướng và nghiền bằng máy xay. Tuy nhiên chocolate luôn có sạn".

Bước ngoặt đến với thương hiệu chocolate Marou đến trong một chuyến đi tới Singapore. Tìm kiếm một loại máy xay tốt hơn, Maruta nhận ra rằng sử dụng máy xay đá là tốt nhất. "Phát hiện ra các món ăn của Ấn Độ thường sử dụng máy xay đá cho hương liệu, chúng tôi đã đến những nhà hàng ở Ấn Độ để tìm một cái. Người chủ cửa hàng chỉ chúng tôi tới Singapore ở khu Little India".

Kể từ sau đó, những thanh chocolate Marou đã được sản xuất bằng 15 máy xay đá loại công nghiệp. Mỗi máy sản xuất ra được khoảng 25 kg chocolate. Để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng, năng lực sản xuất cũng phải tăng. Maruta nói: "Nhà máy ở Thủ Đức hiện sản xuất 100 kg chocolate/ngày, tạo ra 3 tấn chocolate mỗi năm bán ra khắp thế giới".

Hành trình đưa hạt cacao Việt Nam ra thế giới 1
Marou luôn muốn những hạt cacao sạch nhất

Nguồn cung ngày càng được mở rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa Vũng Tàu với 24 nông trại thu mua và 514 đối tác trồng cacao.

Bên cạnh đó, thành công của thương hiệu Chocolate Marou hiện nay nhờ phần lớn vào những chiến lược đúng đắn, truyền thông thực sự hiệu quả và quan trọng nhất là sự nghiêm túc từ hương vị tới bao bì của sản phẩm này.

Có những câu chuyện xoay quanh về thương hiệu này, những tháng đầu hoạt động, Sam đã nỗ lực tìm kiếm nhà đầu tư cho công ty. Ông tới gặp Jonathon Waugh - một nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Baring Asset Management, Jardine Fleming và JP Morgan Chase và nói rằng có một loại Cacao cực ngon và cần được đầu tư vào đây. 

Ngay khi Waugh thử loại cacao này thì thương hiệu Chocolate Marou được "vén màn" trình làng cho thế giới thấy thế nào mới thực sự là chocolate ngon. Kể đến Marou bên cạnh hương vị được xếp vào hàng tuyệt phẩm thì không thể không kể đến bao bì mang đậm hơi hướng của đất nước ngàn năm lịch sử như Pháp.

Pháp được biết đến với những kiến trúc được xếp vào hàng tuyệt phẩm, thêm vào đó cung điện của Pháp cũng ảnh hưởng rất nhiều đến kiến trúc Việt Nam những năm đầu của thế kỷ 20. Chính vì thế, Pháp - Việt Nam có một sự liên kết rất lớn, việc thiết kế bao bì của thương hiệu Chocolate Marou được người tiêu dùng đánh giá là đẹp hơn bao giờ hết với 1 thương hiệu về sô cô la.

Marou Chocolate là sản phẩm kết hợp giữa Marou và Rice Creative, Rice Creative là một agency còn khá trẻ ở Sài Gòn nhưng đã có rất nhiều sản phẩm mang đầy tính sáng tạo và ấn tượng mạnh.

Trong năm đầu tiên hoạt động, doanh thu của Marou đạt 120.000 USD. Và năm nay họ hy vọng nâng con số này lên 1 triệu USD. Thị trường lớn nhất của họ chính là nước Pháp - quê hương của nhà sáng lập Sam.

Năm ngoái, Marou cũng đã mở một cửa hàng bánh chocolate gần chợ Bến Thành. Tại Nhật, trong khi dân số không ngừng giảm thì doanh thu từ bán lẻ chocolate vẫn tăng 7%, lên 405 tỷ Yên - tương đương 3,7 tỷ USD - trong năm 2015, theo số liệu của Euromonitor. Đối với người Nhật, chocolate là một loại đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe.