Lý do Việt Nam chưa có trung tâm kinh tế - tài chính đô thị biển?

An Chi - 10:36, 21/08/2022

TheLEADERTheo nhiều chuyên gia, đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn chưa có trung tâm kinh tế - tài chính đô thị biển theo đúng nghĩa và tương xứng với tiềm năng.

Lý do Việt Nam chưa có trung tâm kinh tế - tài chính đô thị biển?
Các thành phố ven biển của Việt Nam chưa phát triển xứng với tiềm năng để trở thành toạ độ chiến lược, động lực lôi kéo sự phát triển cho cả vùng kinh tế

Nếu như ở Trung Quốc có rất nhiều những đô thị biển, trung tâm kinh tế - tài chính đô thị biển phát triển, nổi tiếng toàn thế giới thì tại Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn chưa có các trung tâm kinh tế, đô thị biển theo đúng nghĩa. 

Các thành phố ven biển của Việt Nam chưa phát triển xứng với tiềm năng để trở thành toạ độ chiến lược, động lực lôi kéo sự phát triển cho cả vùng kinh tế.

Theo ông Thiên, nguyên nhân là do tầm nhìn phát triển đô thị biển của Việt Nam chưa rõ ràng. Từ trong quá khứ, các thương cảng như Hội An, Vân Đồn cũng chưa được định vị để phát triển một cách cụ thể.

Phải đến thời gian gần đây, trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, tư duy mới đang dần thay đổi. Việt Nam mới bắt đầu có tư duy hướng biển trong thời gian gần đây. Song, việc phát triển đô thị biển vẫn gặp một số tồn tại. Thứ nhất, Việt Nam có khoảng 20 khu kinh tế ven biển đang phát triển nhưng chưa thể trở thành nền tảng phát triển đô thị biển chiến lược.

Cách tư duy phát triển khu kinh tế ven biển chưa được ưu tiên xứng tầm. Chính sách ưu tiên phát triển các khu kinh tế biển, cửa khẩu chưa thực sự phát huy hiệu quả. Chính phủ chưa nhìn lại và đánh giá các khu kinh tế ven biển gắn với đô thị biển một cách rõ ràng.

Thứ hai, Việt Nam hiện đang thiếu nguồn lực để phát triển, thiếu cơ chế đặc thù cho phát triển và thứ tư là vẫn còn những xung đột lớn trong cách thức phát triển đô thị biển. Cách thức phát triển của tỉnh hiện đang có nhiều xung đột với vùng hay quốc gia, ông Thiên nhấn mạnh. 

Nói rõ hơn về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, các thành phố biển của Việt Nam hiện chưa thể đáp ứng đủ các tiêu chí để trở thành trung tâm tài chính, kinh tế, đô thị biển. 

Theo đó, các thành phố cần đáp ứng 10 điều kiện cơ bản nếu muốn tiến đến mục tiêu này. Một là, vị thế địa lý, kinh tế, chính trị của quốc gia và múi giờ phù hợp. Điển hình như Singapore, TP. HCM, Đà Nẵng có múi giờ phù hợp để kết nối 2 thị trường tài chính lớn là Mỹ và châu Âu, tạo thành một thị trường toàn cầu hoạt động 24 giờ.

Hai là môi trường kinh doanh, chính sách điều tiết của Nhà nước cởi mở, khuyến khích thị trường tự do; chính sách tiền tệ, sức mạnh đồng tiền nội tệ, cơ chế tỷ giá phù hợp với cơ chế thị trường; chính sách thuế cạnh tranh; tình trạng tham nhũng thấp, xã hội minh bạch; tình hình chính trị, xã hội ổn định; hòa bình và ổn định trong khu vực lân cận.

Ba là danh tiếng. Những thành phố/quốc gia đã xây dựng được danh tiếng về quy mô thị trường, môi trường luật pháp, tính minh bạch… sẽ dễ dàng thu hút nhà đầu tư và các định chế tài chính để phát triển trung tâm tài chính.

Bốn là tự do chuyển đổi đồng nội tệ. Đồng nội tệ có khả năng chuyển đổi tự do ở trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu thương mại, tài chính, đầu tư… của doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Năm là tự do hóa tài khoản vốn gồm: cán cân thương mại và tài khoản vốn (tài khoản vốn gồm các hoạt động về chuyển giao, chuyển vốn, đầu tư gián tiếp...); tự do hóa tài khoản vốn là mọi giao dịch đầu tư, chuyển vốn qua biên giới đều sẽ không bị kiểm soát và hạn chế, điều này sẽ thu hút được nhiều định chế tài chính cũng như nhà đầu tư nước ngoài đến giao dịch, đầu tư.

Sáu là môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch và dễ dự đoán; công bằng trong với đối xử với các doanh nghiệp, định chế tài chính cũng như cá nhân trong và ngoài nước; hỗ trợ sự đổi mới, sáng tạo; chi phí tuân thủ hợp lý.

Bảy là sản phẩm, dịch vụ tài chính đảm bảo độ tin cậy và đa dạng. Dịch vụ tài chính phải có sự đảm bảo tuyệt đối (rất cao) về độ tin cậy, tính bảo mật và cơ hội; đồng thời có nhiều sản phẩm - dịch vụ tài chính khác nhau, độ phức tạp, tinh vi khác nhau.

Tám là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực phải có năng lực nghiệp vụ để có thể xử lý các giao dịch, dự án và nghiệp vụ phức tạp; có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu và lâu năm cho từng mảng dịch vụ cụ thể, đặc thù; có khả năng giao tiếp ngoại ngữ như tiếng Anh tốt; chính sách nhập cư cởi mở, sẵn sàng đón tiếp nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài.

Chín là cơ sở hạ tầng của nước chủ nhà và thành phố. Mười là nền tảng công nghệ thông tin, viễn thông.

Theo ông Lực, đối chiếu với 10 điều kiện trên, Việt Nam cực kỳ khó cạnh tranh với các ông lớn như New York, London, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore…

Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức như quy mô thị trường tài chính còn nhỏ so với khu vực. Số lượng định chế tài chính tại thị trường Việt Nam nói chung còn ít so với các nước trong khu vực. Đồng tiền nội tệ chưa được chuyển đổi tự do. 

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh thuận lợi chỉ ở mức trung bình - khá, phải cạnh tranh với những môi trường tốt hơn trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan…

Mặt khác, môi trường pháp lý, điều tiết còn phức tạp, chưa đồng bộ, chưa nhất quán và quy trình, thủ tục còn phiền hà, phức tạp. Việt Nam còn nhiều rào cản với nhà đầu tư ngoại quốc (lĩnh vực, hạn mức…). Cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập (hệ thống giao thông, y tế, giao thông công cộng chưa đảm bảo chất lượng…).

Nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam còn thiếu, năng suất lao động chưa cao; chưa có nhiều các trường đại học, cao đẳng được thế giới công nhận về chất lượng. Hạ tầng tài chính (tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế, xếp hạng tín nhiệm, cơ sở dữ liệu, nền tảng an ninh mạng…) chưa phát triển.

Ông Lực cho rằng, chỉ một số ít thành phố của Việt Nam có thể trở thành trung tâm kinh tế - tài chính đô thị biển. Trong đó, trung tâm Fintech khu vực (có gắn với đổi mới, sáng tạo, du lịch - nghỉ dưỡng) là hướng đi phù hợp hơn với Đà Nẵng.

Đề phát triển các trung tâm kinh tế - tài chính đô thị biển của Việt Nam trong tương lai, theo ông Thiên, có năm nhiệm vụ các cơ quan quản lý cần đẩy nhanh thực hiện. 

Trước hết, Chính phủ cần có tầm nhìn và cách tiếp cận mới về đô thị biển, phải thể hiện trong quy hoạch quốc gia. Chức năng của đô thị biển phải được định hình rõ và đảm bảo không xảy ra xung đột.

Thứ hai, đô thị biển phải trở thành toạ độ hội nhập quốc gia, mở cửa và trở thành trung tâm cạnh tranh quốc tế. Thứ ba, các đô thị biển cần được tích hợp chức năng trên tinh thần hiện đại hoá như đô thị cảng biển, hàng hoá hoặc du lịch, trung tâm công nghiệp thông minh; tổ hợp logictis kiểu mới.

Thứ tư, các cơ quan quản lý cần có cơ chế trao quyền phải gắn với chức năng đặc thù cho các đô thị biển để tăng tính chủ động, sáng tạo. Cuối cùng, theo ông Thiên, động lực phát triển của các đô thị biển cần phải dựa vào các doanh nghiệp tư nhân. 

Còn theo PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển với nhiều đô thị lớn nhỏ được hình thành và phát triển tập trung ở vùng ven biển từ khá lâu đời, tuy nhiên, về số lượng vẫn còn quá ít, về quy mô vẫn còn quá nhỏ và về chất lượng vẫn còn ở “đẳng cấp” thấp so với thế giới.

Để tiến ra biển bằng hệ thống đô thị biển để “mạnh về biển, giàu từ biển”, theo ông Hồi, đầu tiên và quan trọng nhất là phải thay đổi về tư duy và nhận thức, phải hướng ra biển, dựa vào biển, lấy biển làm động lực phát triển, để làm giàu từ biển và xây dựng một Việt Nam mạnh về biển. 

Trong đó, Việt Nam cần phải tổ chức lại không gian kinh tế biển, bao gồm kinh tế ven biển, kinh tế đảo và kinh tế thuần biển, xác định không gian đô thị biển. Hệ sinh thái đô thị biển cần được phát triển theo hướng đa chiều, đa phương diện, đa dạng và đa dụng. 

Các trung tâm kinh tế - tài chính đô thị biển cần có đầy đủ chức năng và cấu trúc. Mô hình đô thị ven biển, đô thị đảo hay đô thị trên biển vừa phải hiện đại, vừa dân tộc; bảo đảm an ninh, an toàn và an sinh và vừa có tính đặc thù vùng miền, làm động lực tăng trưởng cho kinh tế.