'Mở cửa bầu trời mà vẫn yêu cầu cách ly thì không ai bay vào'

Phương Linh - 11:16, 11/12/2021

TheLEADERTheo nhiều chuyên gia, mở cửa hàng không quốc tế thường lệ và không cách ly là giải pháp cấp bách để cứu ngành hàng không và du lịch ngay lúc này.

'Mở cửa bầu trời mà vẫn yêu cầu cách ly thì không ai bay vào'
Cấp thiết mở cửa hàng không quốc tế thường lệ và không cách ly để cứu ngành hàng không, du lịch

Mở cửa hàng không quốc tế chưa đạt kỳ vọng

Trên một số diễn đàn, mạng xã hội, bà con người Việt Nam ở nước ngoài đang chia sẻ rất nhiều về kinh nghiệm về nước bằng cách bay qua Phnom Penh, Campuchia.

Trong khi Chính phủ Việt Nam vẫn đang tổ chức các chuyến bay giải cứu và thí điểm đón khách du lịch nước ngoài, câu chuyện tưởng như ngược đời này lại xem ra rất hợp lý khi việc đưa hành khách vào Việt Nam hiện vẫn đang gặp quá nhiều rào cản bởi các trình tự, thủ tục, quy định cách ly.

Theo nhiều người dân, các chuyến bay giải cứu về nước rất ít và bất tiện. Người muốn đi phải đăng ký, đợi chờ được xét duyệt và tự sắp xếp việc di chuyển từ nhà đến điểm tập kết. Bên cạnh đó, tổng chi phí sử dụng các chuyến bay này cũng rất tốn kém.

Đơn cử như bay từ Mỹ về Việt Nam, nếu hành khách mua được vé loại thấp nhất - khoảng 2.000 USD - thì tổng chi phí cũng trên 2.500 USD do phải trả thêm tiền vé từ nhà đến điểm tập kết và chi phí ở một đêm trước khi về đến điểm cách ly ở Việt Nam. Trái lại, từ Mỹ về Việt Nam qua Campuchia, người dân chỉ phải chi trả tổng số tiền khoảng 1.250 USD.

Một nguyên nhân quan trọng khác, đối với các chuyến bay chở khách vào Việt Nam, hành khách đã tiêm đủ liều vaccine vẫn phải thực hiện cách ly tập trung 7 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong khi đó, từ giữa tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Campuchia đã đưa thông báo rằng, tất cả các khách du lịch và doanh nhân quốc tế đã tiêm phòng đầy đủ có thể đến thăm toàn bộ đất nước Campuchia một cách tự do mà không cần thực hiện cách ly.

Không chỉ quốc gia này, hiện nay, tại nhiều nước trên thế giới, quy định cách ly sau nhập cảnh cũng đã được loại bỏ. Ngay từ 15/9, Chính phủ Hoa Kỳ đã bỏ quy định hạn chế nhập cảnh đối với khách hàng đã tiêm 2 mũi vaccine từ 33 quốc gia mà không phải thực hiện cách ly. Tại châu Âu, việc dỡ bỏ các hạn chế về nhập cảnh và cách ly cũng đã được thực hiện từ giai đoạn giữa năm 2021.

Ngay Đông Nam Á, Thái Lan là nước đầu tiên triển khai thí điểm cho khách du lịch quốc tế tiêm 2 mũi vaccine không phải cách ly. Bắt đầu từ việc thí điểm tại Phuket, đến nay quốc gia này đã đón 70 ngàn khách du lịch, sau đó mở rộng ra các tình thành khác. Ngày 1/11 vừa qua, Chính phủ Thái Lan đã chính thức mở cửa, miễn cách ly cho khách quốc tế từ 61 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Từ 19/10 Singapore cũng bắt đầu cho phép du khách đã tiêm chủng đầy đủ từ Anh, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Italy, Hà Lan và Tây Ban Nha nhập cảnh bất kể mục đích mà không cần cách ly bắt buộc theo chương trình hồi phục đi lại quốc tế có tên là "Đường bay tiêm chủng đặc biệt"

Trước đó, Singapore cũng mở lại đường bay quốc tế với Đức và Brunei. Hay như tại Indonesia, sau nhiều lần trì hoãn, đầu tháng 10 vừa qua, đất nước này cũng đã thông báo mở cửa đảo du lịch quốc tế Bali với du khách quốc tế. Từ tháng 11, Malaysia cũng sẽ thử nghiệm mở cửa đảo Langkawi với du khách nước ngoài đã tiêm đủ vaccine phòng Covid-19, du khách sẽ không phải cách ly nhưng phải ở trên đảo tối thiểu 3 ngày

Trong khi đó, tại Việt Nam, điều kiện áp dụng chung cho du khách vẫn chưa hấp dẫn, còn nhiều rào cản cũng chính là nguyên nhân kết quả đạt được sau gần một tháng mở cửa du lịch quốc tế của Việt Nam là quá khiêm tốn.

Theo nhiều chuyên gia, việc mở cửa của Việt Nam vẫn chưa rầm rộ như kỳ vọng, có chủ trương mở nhưng thực tế vẫn bị siết, vẫn ràng buộc nhiều rào cản do sự thiếu đồng bộ trong tất cả các ngành, các địa phương.

TS. Lương Hoài Nam cho rằng, trong khi các quốc gia khác đã mở cửa hàng không rất thoáng, châu Âu, Mỹ đã mở cửa hoàn toàn, ai cũng được vào miễn là đã tiêm vaccine thì tại Việt Nam, chính sách mở cửa du lịch hiện nay chưa trả lời được câu hỏi "Tiêm vắc xin để làm gì?". "Khách nước ngoài vào Việt Nam mà gặp phải quá nhiều thủ tục và yêu cầu cách ly thì sẽ không ai vào cả".

Ông Nam đề nghị Chính phủ cần tạo điều kiện ngay lập tức cho mọi công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước không cần phải thông qua bất kỳ thủ tục xét duyệt nào, bằng các chuyến bay thường lệ của các hãng hàng không nước ngoài đang bay đến Việt Nam.

Các hãng hàng không Việt Nam cần mở lại các đường bay thường lệ quốc tế thay thế các chuyến bay hồi hương vốn nhiều thủ tục, ít chuyến bay và chi phí cao. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm khách nước ngoài vào Việt Nam không vì mục đích du lịch, như khách công vụ, giới đầu tư, kinh doanh, các chuyên gia, lao động cao cấp của các tổ chức, tránh đứt gãy nguồn lao động cao cấp.

"Trong bối cảnh Tết Nguyên đán cận kề, chúng ta không còn thời gian để chần chừ mà phải có giải pháp mạnh nhằm giúp hàng không để phục hồi ngay trong mùa Tết sắp tới. Nếu không sẽ đánh mất cơ hội", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Mở cửa hàng không quốc tế thường lệ và không cách ly để cứu ngành hàng không, du lịch

Mới đây, Bộ Giao thông vẫn tải đã có đề xuất nối lại đường bay thường lệ quốc tế từ ngày 15/12 tới, đồng thời bỏ quy định cách ly với hành khách nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine khi vào Việt Nam.

Đại diện các bộ, ngành cũng bày tỏ quan điểm thống nhất chủ trương và sự cần thiết khôi phục khai thác hàng không quốc tế, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, du khách và thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19. Để các đường bay hoạt động hiệu quả, các hãng đề xuất dỡ bỏ quy định cách ly đối với hành khách đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước chuyến bay.

Trong đó, Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn nới lỏng quy định cách ly với khách nhập cảnh. Bộ Ngoại giao đang đàm phán với các đối tác để công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vaccine”.

Việc mở đường bay quốc tế định kỳ và không áp dụng cách ly với hành khách được các chuyên gia đánh giá không chỉ cứu ngành hàng không trong nước mà còn cứu cả ngành du lịch. Việc khôi phục mạng bay quốc tế tại những quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh cũng hỗ trợ nền kinh tế vốn đang rất cần được phục hồi thông qua duy trì đầu tư, du lịch và giao thương với nước ngoài.

Trong giai đoạn ngành hàng không và du lịch đang rất khó khăn hiện nay, Chính phủ không có hỗ trợ gì thiết thực hơn việc mở cửa, mang khách hàng, mang thị trường đến cho doanh nghiệp phục hồi.

Kinh nghiệm của các quốc gia phục hồi hoạt động vận tải bằng hàng không qua các chính sách mở cửa biên giới cho thấy, sau khi Hoa Kỳ mở cửa hàng không không cách ly từ giữa tháng 9, thị trường hàng không của quốc gia này đã có sự phục hồi nhanh chóng.

Từ mức chỉ đạt dưới 40% so với 2019, trong nửa đầu tháng 9/2021, đến nay, sản lượng khách quốc tế đi đến Hoa Kỳ đã đạt mức tương đương 72% so với trước đại dịch. Trong đó, sản lượng khách mua vé từ Mỹ đi Châu Âu đã tăng từ mức âm 15% lên tới 75% chỉ sau 6 tuần.

Việc mở cửa thị trường quốc tế cũng giúp cho các hoạt động khai thác nội địa được cải thiện với sản lượng khách nội địa đã đạt tương đương 93% so với trước đại dịch.

Tại châu Âu, việc dỡ bỏ các hạn chế về nhập cảnh và cách ly của hầu hết các quốc gia châu lục này cũng đã giúp thị trường hàng không tăng trưởng vượt bậc. Về lượng khách quốc tế, từ mức tương đương 10 – 15% so với năm 2019, trong tháng 6 đã đạt mức trên 60%. Nhiều hãng hàng không đang đóng băng nay đã trở lại khách thác, các hãng liên tục mở lại các đường bay, tăng dần tần suất khai thác.

Kết quả sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của các hãng được cải thiện mạnh mẽ, thậm chí hàng hàng không quốc gia của Đức Lufthansa Airway đã dừng tiếp nhận các hoãn hỗ trợ tài chính từ Chính phủ, hoàn trả các khoản cho vay của Chính phủ nhà vào tình hình sản xuất kinh doanh được cải thiện.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây chính là những kinh nghiệm lớn cho Việt Nam trong việc mở cửa bầu trời. Ngành hàng không, du lịch cần sớm có các chuyến bay thường lệ thân thiện, giảm thiểu những khó khăn, chi phí cho du khách để mang lại sự hồi phục tích cực, mạnh mẽ trong thời gian tới.