Phó tổng giám đốc KIDO Mã Thanh Danh: Khởi nghiệp tự do có cái giá của nó

Việt Hưng - 08:30, 01/08/2018

TheLEADERĐó là tự mình làm hết tất cả mọi công việc, không còn phòng này, ban nọ hỗ trợ mỗi khi cần. Tay trắng lập nghiệp tuy tự do, nhưng lúc nào cũng cô đơn, lạnh lẽo, bạn có muốn thử?

Phó tổng giám đốc KIDO Mã Thanh Danh: Khởi nghiệp tự do có cái giá của nó
Ông Mã Thanh Danh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn KIDO

Các quốc gia trên thế giới đều hình dung startup là tương lai của tăng trưởng, nhưng đây cũng đồng thời là hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi theo thống kê trong thời gian gần đây, có tới 90% các startup sẽ biến mất trong khoảng 3 - 5 năm. 

Tại Việt Nam, năm 2017 có 126.000 doanh nghiệp được thành lập, nhưng song hành với đó là 60.000 doanh nghiệp tuyên bố phá sản, đó là chưa kể những công ty được cho là sống "lay lắt" qua ngày.

Tất cả những con số trên cho thấy, khởi nghiệp không phải là cuộc chơi dành cho tất cả mọi người. Hoặc các startup sẽ phải quyết tâm, theo đuổi mục tiêu đến cùng để đạt được thành quả, hoặc sẽ phải chấp nhận mất hết tất cả những gì mà mình đang có.

Xuất thân từ ngành thực phẩm, ông Mã Thanh Danh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn KIDO (KDC), chuyên giám sát hoạt động quản lý rủi ro với hơn 10 năm kinh nghiệm trong quản lý chiến lược kinh doanh, tư vấn quản lý thương hiệu, tư vấn mua bán và sáp nhập (M&A) đã chỉ ra những rủi ro mà các startup thường gặp phải và cách để ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động xấu.

Theo ông Danh, để gia nhập sân chơi khởi nghiệp, trước hết các nhà sáng lập phải chuẩn bị một tâm thế vững vàng, dám vứt bỏ "cân đai mũ áo" mà hồi xưa đã làm cho các công ty, tập đoàn hàng đầu.

Bởi trước kia, khi thực hiện một chiến dịch, một dự án, luôn có những đội ngũ hùng hậu hỗ trợ chúng ta phía sau. Ví dụ, khi cần người sẽ luôn có phòng nhân sự tuyển dụng giúp. Khi cần một chiến dịch marketing, sẽ có phòng PR, cuảng cáo hỗ trợ, vai trò của chúng ta khi đó chỉ là thực thi chiến dịch.

Thế nhưng, khi bước ra khởi nghiệp, những công việc đó sẽ phải một mình tự làm hết tất cả, cho nên, các kinh nghiệm trước đây hầu như không thể áp dụng lại.

"Tự do có cái giá của nó", ông Danh nói trong chương trình Cà phê khởi nghiệp.

Sau khi đã chuẩn bị tâm thế của một người khởi nghiệp, Phó tổng giám đốc Tập đoàn KIDO cho rằng, các nhà sáng lập cần tự biết lượng sức mình, xác định rõ bản thân sẽ làm gì, sẽ kinh doanh trong thị trường nào. Tránh tư duy mới ra khởi nghiệp đã muốn "ôm trọn" thị trường, trong khi năng lực của startup chưa tới.

"Thị trường mấy chục ngàn tỉ cũng chưa chắc dành cho bạn, dù có khảo sát, nghiên cứu nhiều tới đâu. Nếu khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực, trước khi nghĩ tới việc làm chuỗi, cần phải lo tồn trước. Chỉ khi cảm thấy có thị trường ở đó, chúng ta mới làm. Ngoài ra, cũng đừng tham vọng bao quát hết thị trường Việt Nam, bởi chúng ta có tới 64 tỉnh thành, nếu không muốn nói là quá rộng lớn", ông Danh chia sẻ.

Tiếp theo, các startup phải biết khách hàng của mình thực sự là ai? So sánh kĩ thuật có phù hợp với ngành nghề đã chọn không? Bởi trong chuỗi giá trị khởi nghiệp, đôi khi chúng ta không thể làm hết được toàn bộ chuỗi. Mà thực tế, chúng ta chỉ là phân đoạn của một phân đoạn.

Phó TGĐ KIDO Mã Thanh Danh: Khởi nghiệp tự do có cái giá của nó
Ông Mã Thanh Danh chuyên giám sát hoạt động quản lý rủi ro với hơn 10 năm kinh nghiệm

Ông Danh dẫn chứng, khi khởi nghiệp làm về công nghệ, các nhà sáng lập đừng hi vọng ra được sản phẩm ngay. Trước mắt, có thể chọn những công việc như outsource (gia công phần mềm), nắm được kĩ thuật, kinh nghiệm, và quan trọng là có dòng tiền ổn định đầu tiên.

Khi bước ra khởi nghiệp, người trẻ sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Đầu tiên là rủi ro về mặt pháp lí, như hoạt động ICO ở Việt Nam vẫn chưa được công nhận. Nếu cứ cố làm, tới lúc phạm luật, người trẻ không thể đổ lỗi cho "chuyện xui".

Rủi ro thứ hai là về mặt vận hành: Làm sản phẩm, muốn bán được hàng, startup nhất định phải hiểu về sản phẩm. Tiếp theo là quản trị và vận hành, làm không tốt, startup có thể phá sản như chơi.

Rủi ro thứ ba chính là nguồn vốn: Phần lớn người trẻ khi khởi nghiệp đều tay trắng. Cứ cho là startup có ý tưởng hay, sáng tạo, nhưng không trường vốn, thì việc ra đi là điều dễ hiểu. Nên nhớ rằng, mô hình nào cũng có thời kì lên xuống, nếu cần, startup hãy cứ gọi vốn, đóng gói lại mô hình và kêu gọi nhà đầu tư chiến lược.

Tất nhiên, không chỉ các startup, mà ngay cả những tập đoàn lớn cũng phải đối mặt với rủi ro này. Từ những kinh nghiệm "thực chiến" tại Tập đoàn KIDO, ông Danh cho rằng, càng làm lớn, càng lâu năm, doanh nghiệp lại càng phải đối mặt với rủi ro nhiều hơn, và áp lực lúc này sẽ lớn hơn nhiều lần so với thời điểm mới thành lập.

Tập đoàn KIDO khi bán đi mảng bánh cho Mondelez đã từng chịu nhiều rủi ro, cũng như áp lực về vấn đề dòng tiền từ phía cổ đông. Bởi mảng bánh luôn được xem là lĩnh vực lõi của tập đoàn.

Bỏ đi lĩnh vực cho dòng tiền ổn định nhất, lời giải của tập đoàn là trước khi rút chân khỏi ngành đó, KIDO đã chuẩn bị sẵn sàng đi vào ngành lớn hơn. Cụ thể là ngành dầu ăn với quy mô hơn 3 tỷ USD. Trong ngành này, ông Danh cảm nhận, rủi ro sẽ ít hơn, vì nhà ai, ngày nào cũng phải dùng tới dầu ăn.

Thực tế là dòng tiền của Tập đoàn KIDO sau này đã được bù đắp đáng kể. Song song với đó, KIDO còn đẩy nhanh tốc độ bù đắp dòng tiền bằng hoạt động mua bán sáp nhập. KIDO thâu tóm Vocarimex, Dầu Tường An - dựa trên những kênh phân phối có sẵn để bán ra sản phẩm và có doanh số trong thời gian ngắn.

"Các tập đoàn ngay cả khi đã lớn cũng vẫn khởi nghiệp, đó là việc họ bỏ ngành cũ, bước chân vào ngành mới. Ở đây quy mô không quan trọng, quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị mọi đường đi nước bước thật kĩ càng. Nếu thất bại trong việc chuẩn bị, thì chúng ta sẽ thất bại trong việc khởi nghiệp", ông Danh nhấn mạnh.