Các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam: Tranh chấp một cái tên

Hường Hoàng - 20:36, 09/09/2022

TheLEADERGần đây, với việc nới lỏng các quy định về các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam, hàng loạt các cuộc thi hoa hậu ra đời. Điều này dẫn đến việc rất nhiều cuộc thi hoa hậu có tên tương tự, gần giống hoặc giống hệt nhau dẫn đến sự tranh chấp giữa các bên và sự nhầm lẫn của công chúng. Vậy luật sở hữu trí tuệ quy định như thế nào về việc đặt tên?

Các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam: Tranh chấp một cái tên
Hoa hậu H'Hen Niê và Hoa hậu Thùy Tiên là đại diện của hai cuộc thi tranh chấp nhau với cái tên Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 (Ảnh: Saostar)

Vô vàn các cuộc thi hoa hậu

Trước đây, mỗi năm Việt Nam có từ 9 - 12 cuộc thi người đẹp, gồm 2 cuộc thi cấp quốc gia, 2 cuộc thi cấp quốc tế, 3 - 5 cuộc thi hoa khôi hoặc hơn một chút. Nhưng kể từ sau Nghị định số 144 năm 2020 của Chính phủ với quy định các cuộc thi nhan sắc sẽ không phải xin phép Cục Nghệ thuật biểu diễn mà chỉ cần được UBND cấp tỉnh nơi diễn ra cuộc thi chấp nhận, các cuộc thi sắc đẹp mọc lên như nấm sau mưa.

Trong 6 tháng đầu năm, làng giải trí đã có gần 20 cuộc thi sắc đẹp. Từ giờ đến cuối năm sẽ còn rất nhiều cuộc thi nhan sắc khác sẽ tiếp tục diễn ra: Hoa hậu Thế giới Việt Nam (12/8), Hoa hậu Biển đảo Việt Nam (22/10), Hoa hậu Việt Nam (dự kiến ngày 15/12), Miss Peace Vietnam (11/9), Miss Grand Vietnam (25/9), Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam (22/10), Hoa hậu Trái đất Việt Nam (30/12)…

Số lượng cuộc thi hoa hậu nhiều như thế đã ghi nhận nhiều cuộc thi trùng tên với nhau dẫn đến tranh chấp gay gắt, thậm chí là kiện nhau ra tòa.

Đều đã đăng ký quyềnsở hữu trí tuệ

Mới đây, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam đã trở thành cái tên được đem ra tranh chấp giữa hai đơn vị chuyên tổ chức các cuộc thi nhan sắc: Công ty cổ Sen Vàng và Công ty Minh Khang Việt Nam.

Cuộc thi Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam 2022 của Sen Vàng là cuộc thi mua bản quyền của cuộc thi Miss Grand International mà Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã giành ngôi vị quán quân vào năm 2021. Với tiêu chí “Stop the war and the violence”, ở Việt Nam cuộc thi Miss Grand International luôn được biết đến với cái tên Hoa hậu Hòa bình Quốc tế. Vì vậy, khi chính thức mua bản quyền từ Thái Lan vào năm nay, Sen Vàng sử dụng tên Hoa hậu Hòa bình Quốc tế để đặt cho cuộc thi và trở thành đơn vị duy nhất cung cấp thí sinh cho Miss Grand International ở quy mô quốc tế.

Trong khi đó, về phía công ty cổ phần Minh Khang, bà Thùy Dương (Giám đốc công ty Minh Khang) cho biết bà đã lên ý tưởng về việc tổ chức 3 format cuộc thi là: Hoa khôi Hòa bình, Hoa hậu Hòa bình và Hoa hậu Quốc tế Hòa bình. Tuy nhiên, thời điểm xin cấp phép cuộc thi, nghị quyết 79 vẫn đang có hiệu lực nên Minh Khang chưa thể đăng ký tổ chức các cuộc thi.

Các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam: Tranh chấp một cái tên
Họp báo công bố cuộc thi Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam 2022 do Công ty Minh Khang tổ chức (Ảnh: Báo Lao Động)

Vì vậy, sau khi Nghị định 144 “mở cửa”, Cty Minh Khang đã đăng ký 6 nhãn hiệu kèm hình (logo): Miss Peace Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam; Miss Peace International - Hoa hậu Hòa bình quốc tế và Hoa khôi Hòa bình Việt Nam. Năm nay, Minh Khang sẽ tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam 2022 với đại diện là hoa hậu H'Hen Niê. Minh Khang cũng khẳng định rằng cuộc thi Miss Peace Vietnam không phải là sản phẩm “ăn theo” sự nổi tiếng của đương kim Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên.

Như vậy, hai cuộc thi này có tên tiếng Anh khác nhau nhưng khi dịch sang tiếng Việt lại có tên giống nhau. Thêm vào đó, cả hai cuộc thi đều đã đăng ký nhãn hiệu và bản quyền sở hữu trí tuệ cho nội dung chương trình của mình.

Ngoài ra, mới đây, hai cuộc thi cùng có tên Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam - một do Công ty cổ phần truyền thông URA Việt Nam tổ chức và một do Hãng truyền thông Topstar tổ chức, đã nảy sinh tranh chấp tên gọi.

Về pháp lý, cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam của Hãng truyền thông Topstar và Công ty Cổ phần truyền thông URA đều được cấp phép tổ chức đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công ty Topstar đã kiện URA ra tòa vì cho rằng URA đã vi phạm bản quyền của mình.

Chuyên gia nói gì?

Trả lời báo Thanh Niên về việc các cuộc thi hoa hậu đưa ra các chứng nhận bản quyền tác phẩm viết kịch bản cuộc thi, Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền, Bộ VH-TT-DL cho biết: “Trong đối tượng tác phẩm, loại hình tác phẩm được quy định trong luật Sở hữu trí tuệ không có loại hình là tên tác phẩm. Luật bảo hộ tác phẩm tổng thể, không bảo hộ tên tác phẩm riêng. Tác phẩm viết thì bảo hộ toàn bộ tác phẩm, chứ không phải bảo hộ riêng một cái tên”.

Luật cũng quy định rõ rằng tác giả sáng tạo ra tác phẩm có quyền đặt tên cho tác phẩm, tuy nhiên tên tác phẩm không phải là một trong các loại hình được bảo hộ quyền tác giả. Cho đến hiện tại, những tranh chấp, kiện cáo giữa hai bên vẫn chưa có lời giải.

Để tránh được tình trạng trùng lắp tên gọi các cuộc thi, khi làm hồ sơ đăng ký, các công ty tổ chức các cuộc thi hoa nên tra cứu bằng nhiều cách như tìm kiếm trên Google, gửi công văn để hỏi các đơn vị quản lý… để xem đã từng có cuộc thi nào có tên như thế, từ đó tránh được sự trùng lắp trong tên gọi của các cuộc thi, dẫn đến những tranh chấp không đáng có về sau.