Cái giá đắt từ biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Phương Anh - 09:27, 11/07/2022

TheLEADERNếu không hành động, thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu có thể lên đến 14,5% GDP của Việt Nam vào năm 2050, theo World Bank.

Từ vị thế là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới vươn lên thành một thị trường mới nổi năng động, Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro ngày một nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, đe dọa mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

Tuy không đóng góp nhiều vào khí nhà kính toàn cầu với tỷ trọng chỉ 0,8% lượng phát thải của thế giới, nhưng chỉ trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên là một trong những quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tăng nhanh nhất trên thế giới.

Dữ liệu từ World Bank (Ngân hàng Thế giới) trong báo cáo về khí hậu và phát triển mới đây cho thấy trong giai đoạn 2000 – 2015, khi GDP bình quân đầu người tăng từ 390 USD lên 2.000 USD, thì lượng khí thải CO2 cũng tăng gần gấp bốn lần.

Hơn nữa, phát thải khí nhà kính của Việt Nam gắn liền với tình trạng ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe con người và năng suất lao động đang hoành hành tại nhiều thành phố, đặc biệt là Hà Nội.

Theo World Bank, hai mô hình dự báo chỉ ra tổng thiệt hại kinh tế của Việt Nam liên quan đến biến đổi khí hậu có thể chiếm 12 – 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050, đặt gánh nặng lớn lên cả tài chính công và tư.

Cái giá đắt từ biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Nếu không hành động, thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu có thể lên đến 14.5% GDP vào năm 2050.

Tổ chức này cho biết thêm, mức thiệt hại sẽ khác nhau giữa các vùng.

Cụ thể, ở miền Bắc, nhiệt độ tăng cao có thể làm giảm năng suất do căng thẳng nhiệt và giảm tuổi thọ sinh trưởng của cây trồng, với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng làm giảm sản lượng hàng năm.

Ở miền Trung, các khu vực và thành phố ven biển sẽ phải hứng chịu ngày càng nhiều lũ lụt do bão nhiệt đới.

Tại miền Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn – vựa lúa, trái cây và cá của cả nước – sẽ phải chịu nhiều rủi ro do mực nước biển dâng cao.

Theo đó, gần một nửa vùng đồng bằng sẽ bị ngập nếu mực nước biển dâng cao 75 – 100cm trên mức trung bình trong giai đoạn 1980 – 1999, đe dọa thiệt hại kinh tế do độ mặn gia tăng, và không thể sản xuất một số loại cây trồng.

Đồng thời, phát thải khí nhà kính tăng cao sẽ làm tăng ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân và năng suất lao động. Lượng phát thải gia tăng sẽ ảnh hưởng đến hai nguồn lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam là sản xuất gạo và xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo.

Cái giá đắt từ biến đổi khí hậu tại Việt Nam 1
Cường độ carbon của sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam nhiều hơn gấp hai lần của Trung Quốc.

Lượng phát thải carbon cao từ hai lĩnh vực này sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, khi các thị trường nhập khẩu chính, đơn cử là Liên minh châu Âu đang cân nhắc đánh thuế carbon tại biên giới của họ.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có thể bị ảnh hưởng. Nhiều công ty đa quốc gia, bao gồm một số công ty hoạt động tại Việt Nam, đã cam kết khử carbon trong những năm tới, và đó là dấu hiệu của xu hướng trong tương lai.

Để đối phó với những xu hướng này, Việt Nam cần áp dụng mô hình phát triển mới dựa trên hai lộ trình có sự liên kết với nhau là tăng cường khả năng chống chịu, và khử carbon, World Bank khuyến nghị.

Nếu được thiết kế hiệu quả, hai lộ trình này không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu, mà còn thúc đẩy GDP bình quân đầu người tăng hơn 5% một năm – tỷ lệ trung bình cần thiết để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.