CEO Vinasamex: 'Kinh doanh chỉ là con đường mượn tạm để tạo giá trị cho xã hội'

Đặng Hoa - 07:49, 28/03/2021

TheLEADERMột khi đã chọn phát triển bền vững, kinh doanh tạo tác động xã hội thì người lãnh đạo doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách để làm.

CEO Vinasamex: 'Kinh doanh chỉ là con đường mượn tạm để tạo giá trị cho xã hội'
CEO Vinasamex Nguyễn Thị Huyền

Còn nhớ hai năm trước vào một ngày cận Tết bước vào địa phận thôn Vàng (xã Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội), mùi quế thơm lừng bay khắp làng. Chỉ cần theo dấu mùi quế là sẽ tìm đến được văn phòng của Công ty CP Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex). Thế nhưng năm nay, nếu tìm đến văn phòng Vinasamex mà có nhỡ quên đường đi thì chẳng còn mùi quế dẫn đường. Lúc này, ứng dụng bản đồ trên chiếc điện thoại thông minh hoặc tìm người dân để hỏi đường là hai lựa chọn thông minh nhất.

Gặp CEO Vinasamex Nguyễn Thị Huyền, hỏi ra mới biết, toàn bộ máy móc sản xuất ở xưởng đã được chuyển lên nhà máy ở Yên Bái. Sau hai năm, Vinasamex với định hướng kinh doanh tạo tác động xã hội đã có những bước phát triển ấn tượng mà bền vững.

Từ cuộc gặp gỡ hai năm trước cho đến thời điểm này, Vinasamex đã có những thay đổi như thế nào, thưa chị?

Chị Nguyễn Thị Huyền: Hai năm qua, chúng tôi đã ghi nhận nhiều thay đổi. Diện tích vùng nguyên liệu hữu cơ đã tăng từ 1.000ha lên đến 4.000ha tại ba tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn và Lào Cai. Số lượng hộ dân chúng tôi làm việc cùng cũng vì thế tăng lên từ 1.000 lên 3.000 hộ. 

Trong đó, chúng tôi thực hiện hai dự án sâu là dự án chuỗi quế hữu cơ 1.200ha ở huyện Trấn Yên (Yên Bái) và dự án rộng 1.255ha ở tỉnh Lào Cai. Dự án ở Lào Cai hướng đến thúc đẩy bình đẳng giới, đề ra mục tiêu tiếp cận và đào tạo 800 chị em phụ nữ, tạo việc làm tại nhà máy cho 200 chị em ở địa phương.

Đây là những địa phương sống phụ thuộc vào cây quế, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, trình độ thấp, rất nhiều người không biết chữ. Khi thực hiện đào tạo người dân, chúng tôi thậm chí còn phải dùng son để điểm chỉ. Bên cạnh đó, dù phụ nữ là người phải làm việc nhiều hơn nhưng lại chưa có tiếng nói trong gia đình. Chúng tôi tập trung nhiều vào thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ, đặc biệt là người dân tộc Tày, Dao, Mường… để họ tự tin hơn trong cuộc sống gia đình cũng như xã hội, nâng cao nhận thức và vai trò của phụ nữ trong kinh tế.

Song song đó, chúng tôi cũng tiếp tục duy trì và mở rộng chuỗi hữu cơ, thay đổi và nâng cao nhận thức của bà con trong cách trồng, cách canh tác để hướng đến phát triển bền vững.

CEO Vinasamex: “Kinh doanh chỉ là con đường mượn tạm để tạo giá trị cho xã hội”
Một buổi đào tạo các chị em người dân tộc thiểu số của Vinasamex

Tầm nhìn của chị đối với những dự án như vậy là gì?

Chị Nguyễn Thị Huyền: Không chỉ làm bốn chứng nhận hữu cơ cho những thị trường khó tính hàng đầu thế giới, chúng tôi còn đạt được gần mười chứng nhận quốc tế, trong đó có chứng nhận về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thể hiện định hướng của Vinasamex không chỉ kinh doanh tạo lợi nhuận đơn thuần mà còn là kinh doanh hướng đến có trách nhiệm xã hội.

Trong đó, chúng tôi đặc biệt coi trọng sự công bằng với những nhân tố trong chuỗi giá trị bao gồm: người nông dân, nhân viên, công nhân và khách hàng. Họ đều được hưởng lợi từ việc hợp tác với nhau và có quyền lợi bình đẳng.

Chúng tôi chú trọng hơn vào con người, hướng đến tôn trọng quyền con người và mang lại lợi ích cho con người. Chúng tôi đảm bảo người công nhân không làm quá giờ làm thêm được phép, hướng dẫn người nông dân không sử dụng lao động trẻ em khi đi thu hái. Chúng tôi cũng tạo việc làm cho người khuyết tật, người yếu thế, người thất nghiệp. Chẳng hạn, chúng tôi tạo việc làm thời vụ cho nhiều công nhân khi nhà máy của các doanh nghiệp khác phải đóng cửa trong mùa Covid-19.

Các yếu tố khác hướng đến phát triển bền vững cũng được đầu tư. Ngoài việc không dùng thuốc trừ sâu hay phân bón hoá học, chúng tôi thực hiện canh tác bền vững. Ví dụ, thu hoạch xong thì tái tạo chất dinh dưỡng cho đất và trồng cây mới vào ngay chứ không để trống rừng, hướng dẫn người dân không đốt rác thải nông nghiệp. Chúng tôi chú trọng bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu trong từng khâu. Rác ở nhà máy sẽ được phân loại, không dùng than đốt lò hơi mà dùng lá quế đã chưng cất tinh dầu, khí và nước trước khi thải ra môi trường phải được lọc sạch.

Chúng tôi xác định phải đi sâu hơn trong câu chuyện phát triển bền vững. Cũng vì vậy mà công tác đào tạo không chỉ dành cho cán bộ nhân viên mà cả người dân, để họ hiểu nguyên tắc và kiểm soát ngay từ mắt xích đầu tiên của chuỗi giá trị. Thị trường quốc tế rất chú trọng chất lượng, giá trị của sản phẩm. Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là đáp ứng xu hướng toàn cầu, là mô hình kinh doanh truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khác.

Tư duy hiện đại, cấp tiến này có được có phải do mô hình kinh doanh hay có yếu tố tác động nào khác, thưa chị? Và liệu rằng những doanh nghiệp phải đạt được một tầm nào đấy rồi mới có thể đầu tư cho phát triển bền vững hay câu chuyện này không dành cho riêng ai?

Chị Nguyễn Thị Huyền: Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hay startup đều làm được, quan trọng là tư duy, mô hình kinh doanh và định hướng của doanh nghiệp.

CEO Vinasamex: “Kinh doanh chỉ là con đường mượn tạm để tạo giá trị cho xã hội” 1
Nét đẹp lao động của người nữ công nhân Vinasamex

Điều mà tôi đang làm xuất phát từ cả hai yếu tố. Cây quế và hồi do người dân vùng núi phía Bắc trồng tạo thành vùng nguyên liệu. Còn việc xây dựng chuỗi giá trị với người dân, làm sản phẩm cao cấp và mô hình kinh doanh hướng đến tạo tác động xã hội nằm trong định hướng chiến lược kinh doanh của chúng tôi để phù hợp với xu hướng toàn cầu và đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Đây là con đường mà lãnh đạo doanh nghiệp lựa chọn, không ai ép buộc. Một khi đã chọn thì sẽ tìm mọi cách để làm được, không liên quan đến quy mô doanh nghiệp mà điều quan trọng là mình có muốn hay không.

Khi kinh doanh thì phải đầu tư, đầu tư ai cũng muốn thu lại, còn chưa sẵn sàng đầu tư thì làm sao có nhận lại. Tôi thấy nhiều doanh nghiệp nghĩ mình còn nhỏ, còn khó khăn, hay nghĩ phát triển bền vững vượt yêu cầu thị trường nên không sẵn sàng đầu tư. Còn với tôi, đây là chặng đường phát triển lâu dài, tôi hướng đến mục tiêu xa nên phải đầu tư, từ cơ sở vật chất, nhà máy sản xuất, trang thiết bị máy móc, hệ thống quản lý chất lượng, con người,…khiến cả chuỗi giá trị khít hơn, bền chặt hơn. Tất cả con người trong đó phải hiểu mình đang làm gì thì mới có thể đi xa.

Khi vươn ra biển lớn, nếu không thay đổi mình thì không thể tiếp tục bơi trên biển, một lúc nào đó sẽ phải chìm vì không thể đáp ứng và không theo kịp với thị trường quốc tế. Còn muốn vẫn theo kịp, vẫn bơi được thì chắc chắn phải thay đổi, từ ý chí của người lãnh đạo cho đến chiến lược kinh doanh.

Hơn nữa, hai chữ “hữu cơ” đã quá phổ biến trên thế giới trong khi Việt Nam vẫn chỉ mới biết đến, đó là thiệt thòi, đặc biệt với người tiêu dùng. Vì biết nhưng chưa đủ sâu, không biết chính xác nên cứ thấy ghi “hữu cơ” hay “organic” trên bao bì là lao vào mua mà không biết có thực sự hữu cơ hay không, không biết cách phân biệt như thế nào. Việt Nam lại không có đơn vị cấp chứng nhận hữu cơ và kiểm soát in ấn trên bao bì nên dẫn đến thực trạng toàn hữu cơ tự phong.

Nếu chị và anh Quế Anh (chồng chị) không làm với cây quế, hồi thì hai vợ chồng doanh nhân vẫn theo con đường kinh doanh bền vững này chứ?

Chị Nguyễn Thị Huyền: Chắc chắn rồi. Mỗi một người sinh ra có sứ mệnh khác nhau. Tôi vẫn nói rằng nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề, nó như cái duyên. Sản phẩm đến với mình thì mình đón nhận như thế nào, mình đã thích nó rồi thì cách làm sẽ ra sao. Từ đầu tôi đã xác định phải tạo sự khác biệt trong cách làm, mà một trong những yếu tố khác biệt là tạo tác động xã hội. Dù làm sản phẩm khác thì cũng phải có các yếu tố tạo giá trị mới tạo được sự khác biệt.

Thời gian gần đầy, tôi có duyên với Phật, tôi thấm rằng mình muốn gì phải cho đi thứ đó. Và đặc biệt, kinh doanh có đạo đức mang lại giá trị cho người khác chứ không phải cho bản thân.

Tôi dành thời gian đi sâu vào bản thân và đặt ra câu hỏi “rút cục khi được sinh ra trong cuộc đời này, sứ mệnh của mình là gì, mình muốn làm gì”. Sau 30 tiếng ngồi trong phòng tĩnh tâm một mình suy nghĩ để tìm câu trả lời, tôi chọn con đường này và tôi xác định cái mình hướng đến là đúng. 

Tôi nghĩ việc làm kinh doanh không phải là mục đích cuối cùng, kinh doanh chỉ là con đường mượn tạm để tạo giá trị cho xã hội bằng cách giúp cho người dân, công nhân, nhân viên… có việc làm và thu nhập, giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo. Họ thấy vui thì mình vui.

Trong đời, con người thường có nhiều mục tiêu. Đầu tiên là có tiền, sau mới đến các mối quan hệ, rồi mong có sức khoẻ. Nhưng đến lúc mong có sức khoẻ thì đã đổ hết sức khoẻ để lấy tiền. Hoặc tìm mọi cách kiếm được tiền rồi lại đánh mất các mối quan hệ. Sau khi có ba thứ này, mọi người lại mong muốn được bình an trong tâm trí nhưng khi đã dùng mọi cách để kiếm tiền và đánh mất sức khoẻ thì làm sao có thể bình an. Cuối cùng, mọi người mới mong có đóng góp cho xã hội nhưng lúc đó làm sao có thể đóng góp.

Tôi làm ngược lại, tôi đóng góp cho xã hội, tôi cho đi trước thay vì nghĩ đến việc có tiền ngay từ đầu. Người ta vui thì mình vui, bình an trong tâm trí, mình khoẻ mạnh, từ đó có được các mối quan hệ tốt vì đang cho đi. Khi có mối quan hệ tốt thì sẽ có tiền.

CEO Vinasamex: “Kinh doanh chỉ là con đường mượn tạm để tạo giá trị cho xã hội” 2
Vợ chồng chị Huyền với nhiều kế hoạch còn ấp ủ

Kế hoạch của chị cho những năm tới là gì?

Chị Nguyễn Thị Huyền: Thứ nhất là tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu hữu cơ. Kế hoạch trong 3 năm tới có thể lên đến 6.000ha với mục đích tiếp tục giúp nhiều hộ nông dân và bao tiêu sản phẩm nhiều hơn, tiếp tục mở rộng công suất hoạt động của các nhà máy. Từ nay đến năm 2023, chúng tôi sẽ hoàn thành nhà máy sản xuất sản phẩm hữu cơ cao cấp ở Lào Cai và nhà máy ở Lạng Sơn chuyên về các sản phẩm hồi làm nguyên liệu cho các hãng dược phẩm trên thế giới.

Chúng tôi cũng có nhiều kế hoạch kinh doanh khác. Nhưng quan trọng là ưu tiên phát triển sâu các sản phẩm có giá trị để cung cấp cho cả thị trường trong và ngoài nước. Chúng tôi cũng sẽ mở rộng các tầng kinh doanh, thay vì chỉ xuất khẩu sản phẩm thô, bột và tinh dầu thì sẽ có thêm các dịch vụ, sản phẩm khác có liên quan đến quế, hồi và các gia vị hữu cơ.

Năm 2020, tôi có làm đánh giá một vùng nghệ hữu cơ trên Bắc Cạn, dự kiến năm nay tiếp tục mở rộng với các sản phẩm như gừng, ớt, tỏi, mở rộng vùng nguyên liệu và sẽ làm sâu như các sản phẩm quế và hồi.

Lâu dài hơn, tôi đặt mục tiêu cho chặng đường bảy năm. Tôi muốn Vinasamex sẽ trở thành tập đoàn toàn cầu, có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, đối tác, những người quan tâm đến Vinasamex. Chúng tôi sẽ phát triển cả về tài chính lẫn thương hiệu.

Thời gian qua quả thực rất khó khăn với sự xuất hiện của Covid-19 và 2021 là năm thể hiện sự bản lĩnh của các doanh nghiệp để vượt qua khủng hoảng. Tôi nghĩ mọi thứ xảy ra đều có nguyên nhân. Tôi xác định trong khó khăn có cơ hội, khi mọi người cuồng chân mùa dịch thì lại là cơ hội để tôi ngồi nhìn lại nội tại của doanh nghiệp, xác định điểm yếu.

Cũng như cơ thể một con người, tôi dành thời gian quay về nội tâm bên trong để nuôi tâm, đợi đến khi thời điểm chín muồi sẽ đủ nội lực để bứt phá.

Xin cảm ơn chị!