Chuyên gia IMF: Các yếu tố giúp Việt Nam dẫn đầu tăng trưởng kinh tế

Kiều Mai - 07:15, 09/09/2022

TheLEADERTheo đánh giá của các chuyên gia IMF, Việt Nam có triển vọng kinh tế đầy lạc quan giữa bối cảnh chậm lại ở những nền kinh tế châu Á khác. Mức lạm phát tương đối thấp của Việt Nam cũng là một ngoại lệ.

Nửa đầu năm 2022 chứng kiến sự phục hồi kinh tế nhanh chóng của Việt Nam, nhờ vào việc nới lỏng các quy định liên quan đến phòng, chống dịch, chiến lược sống chung với Covid-19, và thúc đẩy tiêm chủng.

Các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế như lãi suất thấp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kết hợp với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã thúc đẩy tăng sản lượng ngành chế tạo, phục hồi hoạt động bán lẻ và du lịch.

Nhờ những yếu tố này, Việt Nam đã được IMF nâng mức dự báo tăng trưởng trong năm nay thêm 1% so với dự báo ba tháng trước đó, lên mức 7%, cao nhất trong nhóm ASEAN-6. Đây cũng là mức tăng trưởng đáng kể nhất trong số các nền kinh tế được xem xét tại châu Á.

Với năm 2023, IMF giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam về mức 6,7%. Tuy nhiên, đây vẫn là con số tích cực trong bối cảnh triển vọng đầy u ám chung, và có thể là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các nền kinh tế đáng chú ý ở châu Á.

a
Điều chỉnh của IMF về dự báo tăng trưởng GDP so với mức tháng 4.

Các chuyên gia Era Dabla-Norris, Federico J. Díez và Giacomo Magistretti của IMF trong bài viết mới nhất trên trang nhận định áp lực lạm phát của Việt Nam chủ yếu diễn ra trong một số nhóm hàng hóa, như nhiên liệu và các dịch vụ liên quan như vận tải.

Người tiêu dùng gần như miễn nhiễm với việc tăng giá thực phẩm trên toàn cầu, nhờ nguồn cung trong nước dồi dào, giá thịt lợn đã giảm so với mức đỉnh trong năm ngoái, và giá gạo rẻ hơn so với các loại ngũ cốc khác. Các dịch vụ như y tế, giáo dục có tăng giá, nhưng mức tăng khá nhẹ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 7 tháng đầu năm tăng, nhưng vẫn dưới ngưỡng mục tiêu 4%. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng mức lạm phát có thể tăng, khi các hoạt động kinh tế quay trở lại với tốc độ như trước, sau khi bị đình trệ và chậm chạp vào năm ngoái.

Chi phí vận tải, giá cả hàng hóa như phân bón, thức ăn chăn nuôi cao hơn có thể làm tăng giá cả các hàng hóa dịch vụ khác, từ đó càng làm tăng áp lực lạm phát.

Theo các chuyên gia IMF, quá trình hồi phục của Việt Nam phải đối mặt với thách thức từ suy giảm kinh tế trên toàn cầu.

IMF cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm về mức 3,2% trong năm nay, và 2,9% trong năm tới, do ảnh hưởng của xung đột quân sự kéo dài tại Ukraine, sự suy giảm kinh tế tại Trung Quốc.

Những điều này sẽ làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt từ các đối tác thương mại chính như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.

Cùng với đó, các điều kiện tài chính toàn cầu đang bị thắt chặt, khi Mỹ và nhiều nền kinh tế phát triển khác đang tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Điều này có thể làm tăng chi phí tài chính, và có thể dẫn đến dòng vốn chảy ra ngoài, như ở nhiều thị trường mới nổi trong khu vực.

Đáng chú ý, các thị trường tài chính và thương mại toàn cầu không ổn định có thể gây thêm khó khăn cho quá trình phục hồi do vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng. Hệ quả là Việt Nam có thể gặp trở ngại trong việc thu hút thêm FDI.

“Các yếu tố nói trên buộc các nhà hoạch định chính sách Việt Nam phải linh hoạt và đưa ra những thay đổi kịp thời”, các chuyên gia của IMF nhấn mạnh.

Theo khuyến nghị, chính sách tài khóa nên đóng vai trò chủ đạo trong việc phục hồi kinh tế, nhưng cần được điều chỉnh linh hoạt với điều kiện kinh tế thay đổi.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước nên tập trung vào các rủi ro từ việc lạm phát gia tăng, và đưa ra thông điệp rõ ràng về các hành động khi cần thiết, cũng nhu duy trì cam kết đảm bảo mục tiêu lạm phát.

Các cơ quan chức năng nên tiếp tục giải quyết tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, cùng với giám sát chặt chẽ các rủi ro tiềm năng trên thị trường bất động sản, nhằm đảm bảo ổn định tài chính.

Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, do đó, cần tiếp tục thực hiện cải cách kinh tế diện rộng để đạt được các mục tiêu phát triển.

Đơn cử, tăng trưởng kinh tế tiềm năng có thể bị suy giảm do chênh lệch hiệu suất giữa các công ty. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bị cản trở đáng kể bởi các quy định, thủ tục hành chính rườm rà, quản trị yếu kém, cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng...

Cùng với đó, mạng lưới an sinh xã hội cần được cải thiện để đạt hiệu quả cao hơn. Việt Nam cũng cần giải quyết các rủi ro về khí hậu thông qua các quyết sách về đầu tư cho thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon…

“Giải quyết tốt các thách thức sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng, và tiếp tục vững vàng trên con đường phát triển tới mốc thu nhập cao hơn. Chiến lược phát triển của Việt Nam đã bao gồm cả cải cách, và điều quan trọng là hành động quyết liệt sẽ giúp Việt Nam đạt được tăng trưởng xanh, toàn diện và bền vững”, các chuyên gia của IMF nhấn mạnh.