Con đường 'làm nước Mỹ vĩ đại trở lại' vắt qua châu Á

Linh Lan - 15:03, 13/11/2017

TheLEADERBí mật để đưa 'nước Mỹ trước tiên' rất có thể nằm trong tầng lớp trung lưu đang gia tăng của châu Á.

Con đường 'làm nước Mỹ vĩ đại trở lại' vắt qua châu Á
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế tại Hà Nội, Việt Nam ngày 11/11/2017.
Ảnh: Wikipedia

Quay trở lại thời điểm khi Donald Trump còn đang bận rộn với vai trò MC của chương trình truyền hình thực tế The Apprentice (Nhân viên Tập sự), khi đó, các thương hiệu lớn trên khắp Mỹ cũng đang bận rộn thuê chương trình của ông để quảng cáo cho các sản phẩm của họ.

Danh sách các thương hiệu gồm có Pepsi, McDonald's, Cheetos, KFC, Frosted Mini-Wheats của Kellogg, Wendy, Yoplait, Subway, Visa và Ford. Trong đó, nhiều công ty sở hữu cùng một nhãn hiệu, như PepsiCo (cũng là chủ sở hữu của Cheetos) và Yum! (chủ sở hữu của KFC, Pizza Hut, và Taco Bell) chắc chắn đang theo dõi sát sao chuyến đi của ông Trump tới châu Á với sự quan tâm đặc biệt bởi vì họ hiểu được một vấn đề cơ bản đang thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu: Châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai, dựa trên tầng lớp trung lưu có nhu cầu lớn đối với hàng tiêu dùng. Theo đó, các thương hiệu Mỹ sẽ tận dụng sự tăng trưởng đó để tồn tại và phát triển.

Các thương hiệu của Mỹ có mặt khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, bài phát biểu của Tổng thống Trump về người thắng kẻ thua trong nền kinh tế toàn cầu và cam kết của ông để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại bằng cách giảm thâm hụt thương mại, một yếu tố thường bị lờ đi, đó là sự tăng trưởng của phương Đông thực chất mang lại nhiều lợi ích cho các công ty và người phương Tây. 

Chiến lược xoay trục sang châu Á của cựu tổng thống Barack Obama dựa trên ý tưởng rằng trung tâm chính trị và kinh tế thế giới đang chuyển sang phía đông. Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ cầm quyền của ông Obama, châu Á thường được xem như một chính sách nhằm ngăn chặn sự ảnh hưởng Trung Quốc.

Các công ty đa quốc gia, tuy nhiên, nhận ra rằng sự tăng trưởng của châu Á sẽ mang lại cơ hội to lớn. Các công ty từ Unilever, Nestle, đến Coca-Cola và Johnson & Johnson, đang chứng kiến mức tăng trưởng nhanh nhất tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là trong số phân khúc khách hàng trung lưu.

Hầu hết các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ đều hiểu được sự cần thiết phải khai thác các khu vực mới nổi trong làn sóng tăng trưởng tiêu dùng trên toàn thế giới, và không đâu quan trọng hơn tầng lớp trung lưu đang phát triển ở châu Á. Người tiêu dùng châu Á sẽ chiếm đa số trong chi tiêu của tầng lớp trung lưu mới trong suốt giai đoạn đến năm 2030, với mức 29 nghìn tỷ USD. Hãng Ford đã bán được hàng triệu chiếc xe tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào năm ngoái.

Ngược lại, khi tiềm năng của các thị trường châu Á ngày càng mở rộng, các công ty Mỹ lại đang chứng kiến sự sụt giảm ở quê nhà. Doanh thu tại thị trường Bắc Mỹ của các công ty như Pepsi, Subway, và Ford, đang thu hẹp lại.

Nguồn: South China Morning Post

Các công ty này sẽ nỗ lực hết sức để mở rộng ở châu Á. McDonald's sẽ tấn công thị trường Trung Quốc với 2.000 nhà hàng mới đến năm 2021, đưa tổng số lên đến 4.500 nhà hàng. Theo giám đốc điều hành McDonald's, ông Steve Easterbrook, Trung Quốc đang trên đà trở thành thị trường lớn thứ hai trên toàn cầu của công ty. 

Nếu đạt được mục tiêu này, McDonald's sẽ bỏ xa KFC, thương hiệu có hơn 5.000 nhà hàng ở Trung Quốc. Yum! Brands, công ty mẹ của KFC tại Kentucky, cũng như Pizza Hut và Taco Bell, đã kiếm được một nửa doanh thu toàn cầu từ Trung Quốc vào năm ngoái. Starbucks cũng theo đuổi tầng lớp trung lưu của Trung Quốc, với mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cửa hàng từ 2.500 đến 5.000 vào năm 2021.

CEO Tim Cook của Apple cho biết công ty có mức doanh thu 45 tỷ USD từ thị trường 'Trung Quốc lớn' (bao gồm Hồng Kông, Singapore và Đài Loan) trong năm tài chính 2017. "Chúng tôi rất lạc quan về thị trường Trung Quốc", ông nói. Apple cũng báo cáo doanh thu mạnh mẽ trong tháng này nhờ sự tăng trưởng từ thị trường Trung Quốc.

Đây là một phần của câu chuyện mà tổng thống Trump đã bỏ lỡ trong bài phát biểu về "nước Mỹ trước tiên" của ông tại Hội nghị APEC ở Việt Nam hôm thứ Sáu (10/11). "Chúng tôi sẽ không để Hoa Kỳ bị lợi dụng nữa", ông nói. 

Tổng thống Trump phát biểu tại Hội nghị APEC 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh: VTV

Ý tưởng rằng thế giới đang xoay xung quanh nước Mỹ có vẻ không hợp lý khi đề cập đến câu chuyện của các công ty Mỹ: đây là khu vực tư nhân lớn nhất, giàu nhất, sáng tạo và năng động nhất trên thế giới với những công ty có sản phẩm ở mọi ngóc ngách trên thế giới.

Chỉ có duy nhất hai quốc gia trên thế giới mà tập đoàn Coca-Cola không có hoạt động kinh doanh: Bắc Triều Tiên và Cuba. Bên cạnh đó, nếu Facebook là một quốc gia, cơ sở người dùng khổng lồ sẽ biến nó trở thành quốc gia lớn nhất trên thế giới. Một số công ty hàng đầu khác của Mỹ, từ Apple đến Walmart, có tổng mức vốn hóa thị trường ngang bằng với tài sản của một số quốc gia.

Châu Á cũng là khu vực nhập khẩu lớn nhất thế giới, chiếm 36% tổng lượng hàng nhập khẩu toàn cầu. Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, kết hợp lại, chỉ chiếm 31%. Đến năm 2020, số người sử dụng điện thoại thông minh ở Đông Nam Á sẽ nhiều hơn ở Mỹ.

Với hơn một nửa GDP toàn cầu thuộc về các thị trường mới nổi, vận mệnh của Mỹ ngày càng gắn liền với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là châu Á. Thật vậy, trong số 10,7 triệu việc làm của Mỹ được hỗ trợ bởi xuất khẩu, gần một phần ba trong số đó được hỗ trợ bởi việc xuất khẩu sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lớn hơn châu Âu và Bắc Mỹ.

Tổng thống Trump có thể không nhận ra điều đó, nhưng châu Á có thể là một điểm neo quan trọng cho công cuộc phục hưng kinh tế - "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" - mà ông theo đuổi. Mức tiêu dùng trung lưu đang tăng lên ở châu Á có thể là một nhân tố quan trọng trong việc định hình lại tầng lớp trung lưu của chính nước Mỹ.