Không để thiếu hàng, sốt giá mùa dịch

Minh Anh - 14:38, 13/05/2021

TheLEADERBình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay trong bối cảnh thị trường hàng hoá trong nước và thế giới còn nhiều diễn biến khó lường do dịch bênh.

Không để thiếu hàng, sốt giá mùa dịch
Bộ Công thương thực hiện nhiều giải pháp, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trong dịch bệnh

Thời gian gần đây, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, có xu hướng ngày càng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng không nhỏ do sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. 

Theo nhận định từ Bộ Công thương, thị trường hàng hóa thế giới và trong nước sẽ còn nhiều diễn biến khó lường. Do đó, để bảo đảm bình ổn thị trường, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ký chỉ thị khẩn về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Theo đó, Bộ Công thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan đánh giá cung cầu các mặt hàng nhất là các mặt hàng thực phẩm, vật tư nông nghiệp, năng lượng nhằm chủ động có phương án hoặc đề xuất các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Vụ Thị trường trong nước cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong công tác điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý, sử dụng linh hoạt các công cụ, các biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ cho sản xuất và đời sống của người dân, doanh nghiệp. 

Về giá xăng dầu, trong thời điểm mặt bằng giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, để hạn chế mức giá tăng giá đột biến trong nước, Bộ Công thương yêu cầu vụ này phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính đề xuất việc điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu và tính toán, sử dụng quỹ bình ổn giá hợp lý.

Về giá điện, Cục Điều tiết điện lực cần xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; miễn giảm tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm Covid-19 theo danh sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác.

Đối với hoạt động xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại cần tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay; thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, phục hồi kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19.

Đồng thời, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần cập nhật kịp thời tình hình, diễn biến dịch bệnh Covid-19 có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước. Qua đó, đề xuất các biện pháp để duy trì, phát triển thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện là đầu vào để đảm bảo ổn định sản xuất trong nước.

Ở các tỉnh, thành địa phương, Bộ Công thương yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong tình hình hiện nay.

Mặt khác, các địa phương cần phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn tham mưu, triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt, nhằm bảo đảm tiêu thụ hàng hoá và cung ứng kịp thời nguồn hàng cho thị trường.