Kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu: song hành trên những nẻo đường

Trâm Nguyễn * - 11:33, 06/10/2022

TheLEADERCó một điều khá rõ ràng là trong pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT), nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp là hai khái niệm tách biệt. Tuy vậy, trong rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp cần phải đăng ký bảo hộ song hành cả nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp cho cùng một đối tượng của sản phẩm.

Kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu: song hành trên những nẻo đường
Vỏ chai Coca Cola một trong những ví dụ điển hình của việc đăng ký song song nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp (Ảnh: Sao Kim Branding)

Không chỉ tách biệt, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp (hay ở Mỹ là Design Patent) còn có bộ phận thanh tra khác nhau và quy trình thẩm định khác nhau ở các Cục SHTT ở các quốc gia. Nếu kiểu dáng công nghiệp, ở Mỹ, được coi là một hình thái đặc biệt của sáng chế, gọi là Design Patent, thì nhãn hiệu là bộ mặt mang tính thương mại của doanh nghiệp được nhà nước chấp thuận và bảo hộ.

Nhãn hiệu là một từ (hoặc các từ) và/hoặc ký hiệu dùng để xác định nguồn gốc của hàng hóa hoặc dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng. Nhãn hiệu có thể bao gồm từ ngữ và thiết kế hai chiều, cũng như thiết kế ba chiều (thương mại), màu sắc và âm thanh… Kiểu dáng công nghiệp bao gồm hình dáng trang trí của sản phẩm, không liên quan đến việc xác định nguồn gốc hàng hóa.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhãn hiệu được đăng ký trong khoảng thời gian mười năm và có thể được gia hạn cho các điều khoản mười năm tiếp theo mà không có bất kỳ giới hạn nào về số lần gia hạn. Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia quy định phải tiếp tục sử dụng nhãn hiệu trong thương mại để việc bảo hộ nhãn hiệu được duy trì và gia hạn. Mặt khác, kiểu dáng công nghiệp sẽ hết hạn sau 15 năm kể từ ngày được cấp, không thể xin gia hạn thêm nữa.

Việc kiểm tra và phát hiện vi phạm cũng khác nhau giữa nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp. Vi phạm nhãn hiệu đòi hỏi khả năng xác định sự nhầm lẫn giữa hai nhãn hiệu - tức là người tiêu dùng có thể bị nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa - trong khi vi phạm về kiểu dáng công nghiệp đòi hỏi sản phẩm bị cáo buộc phải trông giống về cơ bản với thiết kế còn lại (đã được cấp bằng sáng chế trong mắt người quan sát bình thường).

Kiểu dáng công nghiệp nghiệp và nhãn hiệu: song hành trên những nẻo đường
Ví dụ về vi phạm nhãn hiệu (Ảnh: http://www.ryancruzlaw.com/)

Hay ví dụ về vi phạm kiểu dáng công nghiệp, vụ việc vi phạm: Crocs v. ITC, 598 F.3d 1294 (Fed. Cir. 2010). 

Kiểu dáng công nghiệp nghiệp và nhãn hiệu: song hành trên những nẻo đường 1
Ví dụ về vi phạm kiểu dáng công nghiệp, vụ việc vi phạm: Crocs v. ITC, 598 F.3d 1294 (Fed. Cir. 2010) (Ảnh: USPTOUSPTO)

Hoặc một vụ việc vi phạm kiểu dáng công nghiệp khác giữa Nike và Sketcher. 

Kiểu dáng công nghiệp nghiệp và nhãn hiệu: song hành trên những nẻo đường 2
vụ việc vi phạm kiểu dáng công nghiệp khác giữa Nike và Sketcher. (Ảnh: USPTO)

Trên thực tế, doanh nghiệp có thể phân biệt tương đối dễ dàng giữa các thiết kế kiểu dáng 2D. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh tiếp theo là việc phân biệt các sản phẩm 3D. Vì nếu chỉ nhìn thoáng qua, doanh nghiệp khó có thể phân biệt được họ nên sử dụng thiết kế 3D để đăng ký kiểu dáng công nghiệp (hay chính là Design patent) hay đăng ký nhãn hiệu, nên doanh nghiệp buộc phải dựa vào các chuyên gia SHTT để quyết định giữa một trong hai hình thái và cách bảo hộ.

Doanh nghiệp có thể chọn một trong hai con đường bảo hộ với một thiết kế kiểu dáng 3D, tuy vậy, doanh nghiệp hãy lưu tâm rằng để việc bảo hộ được chắc chắn nhất, kiểu dáng 3D của sản phẩm có thể được bảo vệ ở cả hai hình thái: kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu.

Những tưởng như hai khái niệm này rất rõ ràng và tách bạch, thì trên thực tế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu thường được lồng vào nhau. Một số ví dụ có thể kể tới là chai nước Coca Cola, dép Crocs hay giầy cao gót đế đỏ của Christian Louboutin.

Kiểu dáng công nghiệp nghiệp và nhãn hiệu: song hành trên những nẻo đường 3
Các yếu tố sở hữu trí tuệ trong một sản phẩm

Không phải mọi kiểu dáng công nghiệp đều thực hiện chức năng của nhãn hiệu. Ví dụ, một số bộ phận bên ngoài ô tô được bảo hộ dưới dạng kiểu dáng công nghiệp. Chỉ vì một chiếc xe có hình dạng độc đáo của gương bên không làm cho hình dạng của gương trở thành nhãn hiệu của nhà sản xuất, bởi vì người tiêu dùng không phân biệt được xe chỉ bằng cách nhìn vào gương của xe.

Tuy nhiên, có rất nhiều nhãn hiệu 3D đạt đủ điều kiện để đăng kí kiểu dáng công nghiệp và ngược lại nếu kiểu dáng công nghiệp được tung ra thị trường và trở thành biểu tượng của hãng trong mắt người tiêu dùng, kiểu dáng công nghiệp đạt được chức năng của nhãn hiệu.

Vì vậy, việc đăng kí cả nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp xảy ra khi bạn có một sản phẩm thương mại có hình dạng hoặc thiết kế đặc biệt, hình dạng hoặc thiết kế này cho phép khách hàng phân biệt sản phẩm của bạn với các sản phẩm giống hệt hoặc tương tự của đối thủ cạnh tranh.

Đây đều những công cụ quan trọng của sở hữu trí tuệ để bảo vệ sự trang trí hoặc thiết kế riêng biệt của các sản phẩm có thể gắn liền với việc kinh doanh và bộ mặt thương mại của một công ty. Đầu tư vào việc bảo vệ như vậy có thể nâng cao lợi ích kinh tế của sản phẩm/thiết kế cho chủ sở hữu. Để có được sự bảo vệ hoành chỉnh, doanh nghiệp nên cân nhắc xin tư vấn của chuyên gia sở hữu trí tuệ trước khi thực hiện các bước đăng kí cho cả kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. 

* Bài viết trình bày quan điểm của bà Trâm Nguyễn, công tác tại văn phòng luật chuyên về sở hữu trí tuệ Gottlieb, Rackman & Reisman, P.C, trụ sở tại Manhattan, New York City.