Những xu hướng mới người làm PR không thay đổi theo sẽ mất cơ hội

Quỳnh Chi - 11:17, 17/03/2022

TheLEADERQuan hệ công chúng và truyền thông đang từng bước chuyển đổi theo hướng hiện đại, trở thành một mắt xích quan trọng trong các chiến lược truyền thông tích hợp

Những xu hướng mới người làm PR không thay đổi theo sẽ mất cơ hội
Việt Nam mở đường bay thương mại thẳng tới Mỹ - Chuyến bay lịch sử (Vietnam Airlines) đạt giải thưởng Chiến dịch quan hệ công chúng và truyền thông xuất sắc năm 2021

Theo yêu cầu của sở Y tế TP. HCM ở giai đoạn cao điểm phòng chống dịch Covid -19, Tập đoàn Mai Linh đã điều động 101 xe taxi chuyển đổi thành xe taxi cấp cứu vận chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 đến các bệnh viện dã chiến, khu điều trị cách ly để cứu chữa kịp thời. Đội xe taxi cấp cứu hoạt động 24/24 theo sự điều phối của trung tâm cấp cứu 115.

Khi dịch diễn biến phức tạp và lan rộng ra các tỉnh thành khác, Tập đoàn Mai Linh tiếp tục nhân rộng mô hình và hỗ trợ các tỉnh thành như Hà Nội, Cần Thơ để cùng tham gia phòng chống dịch.

Không hề nằm trong kịch bản hay tính toán vụ lợi mặc dù đang đối mặt với ảnh hưởng nặng nề do Covid-19, sự đóng góp của đội ngũ Mai Linh trở thành một tư liệu truyền thông rất chân thực, tử tế. Vai trò của quan hệ công chúng (PR) lúc này là thể hiện rõ, khẳng định Mai Linh là doanh nghiệp của những “người lính” đồng cam cộng khổ cùng người dân.

Cùng với hình ảnh của những chuyến xe kỳ diệu đón chào những em bé chào đời ở trên xe taxi, Mai Linh hiện lên trong tâm trí công chúng là một thương hiệu luôn đồng hành cùng người dân từ lúc họ được sinh ra cho đến lúc thập tử nhất sinh. Nhờ vậy, thương hiệu này vẫn là lựa chọn tin cậy trong mắt người tiêu dùng. 

Mai Linh cũng mở ra các mảng dịch vụ khác như tiếp vận hậu cần (logistics), bảo hiểm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Qua đó, hình ảnh thương hiệu được nâng tầm.

Theo ông Nguyễn Hải Minh, Giám đốc điều hành Mai Linh Media, marketing là sân chơi lớn và chuyên môn PR chiếm hẳn một phần công việc đáng kể. Người làm marketing nói chung và PR nói riêng phải hiểu khách hàng, đại diện cho tiếng nói của khách hàng trong toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp.

Sau 20 năm hình thành và phát triển kể từ khi Việt Nam mở cửa đón làn sóng đầu tư nước ngoài, nghề quan hệ công chúng (PR) đã có những bước phát triển và thay đổi rõ rệt. Theo xu hướng phát triển của thời đại, những người làm nghề cũng không ngừng đổi mới, tuy nhiên vẫn giữ được những giá trị mang tính cốt lõi.

“Người làm PR nếu không thay đổi thì không còn cơ hội nói chuyện trên bàn kinh doanh”, ông Nguyễn Khoa Mỹ, Chủ tịch Mạng lưới quan hệ công chúng Việt Nam (VNPR), nhấn mạnh trong hội thảo “Innovation for the future of PR” (Đổi mới vì tương lai ngành quan hệ công chúng) được tổ chức trong khuôn khổ ngày vinh danh giải thưởng VNPR 2021 (VNPR Awards 2021).

Nếu không thay đổi, người làm PR hết cơ hội ngồi bàn kinh doanh
Ông Nguyễn Khoa Mỹ, Chủ tịch Mạng lưới quan hệ công chúng Việt Nam (VNPR)

Theo ông Mỹ, mỗi người làm PR và truyền thông đều mang trong mình phẩm chất của người làm sáng tạo. Trong đó, sự đổi mới trước hết phải là thay đổi trong cách nhìn nhận tích cực về sự đóng góp giá trị của bản thân người làm nghề và công việc thực hiện trong tổ chức. Cần phải có tâm thế của một người làm nghề thực sự.

Khác với trước đây, ông Mỹ nhấn mạnh, “cái thời đứng một mình ngửa mặt lên trời hét lên mình là ai đã qua rồi. Nay PR phải là một bộ phận lớn hỗ trợ, thậm chí khiêm tốn là trợ thủ cho các bộ phận khác để cùng thành công nếu không sẽ mãi cô độc và nhận về những nhận định không công bằng. PR phải nghĩ mình là một phần của toàn bộ”.

Theo đó, quan hệ công chúng và truyền thông đang từng bước chuyển đổi theo hướng hiện đại, trở thành một mắt xích quan trọng trong các chiến lược truyền thông tích hợp.

Người làm PR thay đổi để bắt kịp xu hướng

Theo Melwater.com, 5 xu hướng cho ngành quan hệ công chúng – truyền thông trên thế giới trong năm 2022 sẽ là hệ thống và phân tích dữ liệu, tính đa dạng và bao hàm trong nhân sự của tổ chức, influencer marketing, cá nhân hóa PR pitch, và tính chân thực.

Nói về xu hướng của ngành PR 2022 ở Việt Nam, TS. Lý Lê Tường Minh, Phó trưởng khoa Quan hệ công chúng và truyền thông của đại học Văn Lang, Giám đốc điều hành EloQ Communication nhấn mạnh 5 xu hướng chính.

Một là nhu cầu các sự kiện ảo hoặc hybrid (kết hợp trực tiếp và trực tuyến) tăng cao do tác động của Covid-19 khiến việc di chuyển trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Nếu không thay đổi, người làm PR hết cơ hội ngồi bàn kinh doanh 1
TS. Lý Lê Tường Minh, Phó trưởng khoa Quan hệ công chúng và truyền thông của đại học Văn Lang chia sẻ trong sự kiện “Innovation for the future of PR”.

Hai là các định dạng (format) nội dung mới, đặc biệt là các video ngắn khi sự chú ý của mỗi người ngày càng ngắn lại, sự ra đời của marketing bằng âm thanh (như podcast) khi con người đang ngày càng trở nên đa nhiệm hơn.

Ba là áp dụng kỹ thuật số (digital) trong PR. Theo bà Minh, nhận thức về tầm quan trọng của kỹ thuật số trong PR đang ngày càng nâng cao nhưng hiệu quả áp dụng trong thực tế vẫn còn thấp. 

Vị chuyên gia này lý giải, ngành PR đang chủ yếu phát triển theo chiều ngang với việc kết hợp với các công cụ khác (như influencer marketing – marketing với người có ảnh hưởng) nhưng lại chưa khai thác theo chiều dọc là đầu tư kỹ thuật để làm nghề hiệu quả hơn.

Theo bà Minh, trí tuệ nhân tạo (AI) đứng đầu danh sách các kỹ thuật ngành PR sẽ sử dụng nhiều để lắng nghe và phân tích nhằm triển khai chiến dịch một cách hiệu quả; tự động thực hiện các tác vụ giúp tiết kiệm thời gian; theo dõi và dự đoán các khủng hoảng có thể xảy ra với thương hiệu; và cá nhân hóa trải nghiệm.

Bốn là sự lên ngôi của các kênh mạng xã hội, nổi bật là Tiktok, mà các nhãn hàng có thể cân nhắc. Cũng cần lưu ý, mặc dù tỷ lệ tin tưởng của công chúng đối với các kênh mạng xã hội chỉ xếp dưới TV nhưng lại nằm ở mức dưới trung bình.

Năm là đo lường dữ liệu. Ba thông tin mà các nhãn hàng muốn đo là: đầu ra (output – lượt xem, bình luận, chia sẻ…), thay đổi về nhận thức và thay đổi về hành động của công chúng.

Bổ sung về các xu hướng, ông Bùi Quang Tinh Tú, Giám đốc Tăng trưởng (CGO) của nền tảng việc làm JobHopin cho rằng, dù là PR hay marketing thì đều đang đối diện cùng một vấn đề là mọi thứ ngày càng đa dạng và phức tạp hơn. Mọi thứ không chỉ đơn giản ở các kênh có thể kiểm soát như TV, báo đài… 

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ và các nền tảng mới cho phép mỗi người có thể trở thành một đài phát thanh thu nhỏ. Vì vậy, quyền lực truyền thông chuyển đổi dần từ các điểm tập trung sang phi tập trung hoá, khiến cho việc quản lý khó hơn rất nhiều, thậm chí là không thể. 

Trong thế giới phẳng, dòng chảy dữ liệu vận động liên tục 24/7, tần suất các vấn đề lan toả chỉ trong vài tiếng đồng hồ khiến cho đội ngũ xử lý các vấn đề truyền thông đối diện với nhiều thách thức.

Nếu không thay đổi, người làm PR hết cơ hội ngồi bàn kinh doanh 2
Ông Bùi Quang Tinh Tú, Giám đốc Tăng trưởng (CGO) của nền tảng việc làm JobHopin.

“Nếu bạn nghĩ công nghệ giết chết PR, truyền thông thì không phải, mà là do bạn không chịu thay đổi. Trong một thế giới ngày càng phức tạp, người làm PR càng cần nhiều góc độ. Để những người làm PR có thể phát triển thì cần thích nghi và chấp nhận tư duy mới để phát triển”, ông Tú nói.

Theo đó, ông Tú cho rằng, người làm PR – truyền thông trước hết phải chấp nhận sự phức tạp và thay đổi liên tục không ngừng của thế giới, tiếp đến là chấp nhận sự đa dạng và các góc nhìn đa chiều. 

Điều tiếp đến mà người làm nghề này cần chấp nhận là tư duy về công nghệ, hiểu được ý nghĩa của nó đối với công việc và bắt đầu học hỏi và tận dụng các công cụ kỹ thuật số để phục vụ cho công việc.

Bên cạnh đó, bà Minh chỉ ra một số kỹ năng cơ bản mà người làm PR – truyền thông cần có trong bối cảnh mới gồm: khả năng nắm bắt các xu hướng không chỉ trong ngành mà còn là xu hướng của xã hội; khả năng sắp xếp thời gian để quản lý các kênh hiệu quả khi triển khai các hoạt động; sự kết nối với cộng đồng và truyền đạt thông tin một cách hiệu quả.

Ngoài ra, người làm PR phải có khả năng kể chuyện (story telling); không cần biết làm từ A-Z nhưng phải có khả năng nhìn nhận và đánh giá; hiểu về thống kê và phân tích dữ liệu; hiểu biết về các nền tảng mạng xã hội khác nhau để thấu hiểu các thị trường khác nhau.

Bà Minh cũng nhấn mạnh, người làm PR – truyền thông cần không ngừng học hỏi; tạo dựng các mối quan hệ vững chắc không chỉ với khách hàng và người có ảnh hưởng mà còn với công chúng; trau dồi khả năng làm việc nhóm và tính linh động.