Phát thải từ nhiên liệu hóa thạch cao kỷ lục

Phương Anh - 07:28, 06/12/2023

TheLEADERLượng khí thải carbon toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch đã tăng trở lại vào năm 2023 và ghi nhận kỷ lục mới.

Tổ chức Global Carbon Budget (Ngân sách carbon toàn cầu) trong nghiên cứu mới nhất dự báo, lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch năm nay tăng hơn 1% so với năm ngoái, đạt khoảng 36,8 tỷ tấn.

Dữ liệu cho biết thêm, lượng khí thải CO2 này đang giảm ở một số khu vực, như châu Âu và Mỹ, nhưng nhìn chung vẫn tăng, nhất là tại Ấn Độ và Trung Quốc.

Các nhà khoa học nhận định, các hành động toàn cầu nhằm cắt giảm nhiên liệu hóa thạch diễn ra không đủ nhanh để ngăn chặn biến đổi khí hậu ngày càng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, phát thải từ thay đổi mục đích sử dụng đất (chẳng hạn như phá rừng) được dự đoán sẽ giảm nhẹ nhưng vẫn còn quá cao để có thể bù đắp bằng mức độ trồng rừng và trồng rừng mới (rừng mới).

Báo cáo dự đoán, tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu từ hóa thạch và thay đổi sử dụng đất sẽ đạt gần 40 tỷ tấn vào cuối năm nay.

Con số này tương đương với mức của năm 2022 và còn cách mục tiêu giảm phát thải cần thiết để đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu rất xa.

GS. Pierre Friedlingstein tại Viện Hệ thống toàn cầu thuộc Đại học Exeter (Anh), người đứng đầu nghiên cứu, đánh giá, tác động của biến đổi khí hậu đang hiện hữu xung quanh, nhưng hành động nhằm giảm lượng khí thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch vẫn còn rất chậm.

“Có vẻ như thế giới sẽ vượt quá mục tiêu 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris và do đó, các nhà lãnh đạo tại COP28 sẽ phải đồng ý cắt giảm nhanh chóng lượng phát thải từ nhiên liệu hóa thạch để duy trì mục tiêu 2 độ C”, ông đánh giá.

Ở mức phát thải hiện tại, nhóm Ngân sách carbon toàn cầu ước tính, có khoảng 50% khả năng hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ vượt quá 1,5 độ C liên tục trong khoảng 7 năm.

Tuy vậy, nhóm cũng lưu ý rằng, ước tính này còn sai số, chủ yếu là bởi thiếu chắc chắn về các tác nhân không phải CO2 đóng góp vào sự nóng lên toàn cầu.

Tuy nhiên, rõ ràng là lượng carbon còn lại so với mức carbon đề ra để đạt mục tiêu 1,5 độ C nhằm tránh những tác động tồi tệ hơn của biến đổi khí hậu và thời gian để thế giới tiến gần đến ngưỡng nóng lên toàn cầu này đang ngày càng cạn kiệt nhanh chóng.

GS. Corinne Le Quéré tại Trường Khoa học môi trường của UEA, đánh giá, dữ liệu CO2 mới nhất cho thấy những nỗ lực hiện tại không đủ sâu hoặc rộng để đưa lượng khí thải toàn cầu theo quỹ đạo giảm xuống, hướng tới phát thải ròng bằng 0.

Dù vậy, một số xu hướng phát thải đang bắt đầu cho kết quả, cho thấy các chính sách về khí hậu có thể có hiệu quả.

Nồng độ CO2 trong bầu khí quyển đang tăng nhanh, gây thêm biến đổi khí hậu và các tác động ngày càng nghiêm trọng. Do đó, các quốc gia cần phải khử carbon trong nền kinh tế nhanh hơn hiện tại để tránh những tác động tồi tệ hơn của biến đổi khí hậu.