Sony nghiên cứu công nghệ chống vi phạm bản quyền

Minh Nhật - 10:21, 26/02/2023

TheLEADERKhi phát hiện ra những ứng dụng vi phạm bản quyền cài trên máy, phần mềm của Sony sẽ tự động thực hiện các thao tác nhằm ngăn những ứng dụng này hoạt động.

Sony nghiên cứu công nghệ chống vi phạm bản quyền
Sony vừa nhận được bằng sáng chế cho công nghệ chống vi phạm bản quyền trên các trình phát đa phương tiện và TV thông minh (Ảnh: Lowyat)

Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là vi phạm bản quyền trên nền tảng trực tuyến rất dễ xảy ra. Bất cứ tác phẩm truyền thông từ truyền thống cho đến đa phương tiện đều có thể được sao chép một cách hết sức dễ dàng. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các doanh nghiệp phải liên tục đấu tranh chống những hành vi vi phạm bản quyền.

Và Sony là một trong những công ty công nghệ điển hình trong số đó. Qua nhiều thập kỷ, công ty phải thực hiện các hoạt động chống vi phạm bản quyền trên cả ba mặt trận: âm nhạc, phim ảnh và trò chơi điện tử.

Với những nỗ lực của mình, gần đây, Công ty đã được cấp bằng sáng chế cho một công nghệ chống vi phạm bản quyền nhắm trực tiếp vào những trình phát đa phương tiện và TV thông minh.

Theo báo cáo của TorrentFreak, bằng sáng chế của Sony có tên “Kiểm soát những hành vi vi phạm bản quyền dựa vào chức năng danh sách đen”. Theo đó, bản miêu tả sáng chế mô tả một “ứng dụng giám sát” với “những đặc quyền của hệ thống như: kiểm tra mã và tự động thực hiện các hoạt động chống vi phạm bản quyền đối với các ứng dụng của bên thứ ba được cài đặt trên thiết bị điện tử”.

Ứng dụng nói trên có một danh sách đen. Công nghệ của Sony sẽ so sánh những đoạn code (mã tin học) của các ứng dụng thuộc bên thứ ba cũng như những tài nguyên mạng mà những ứng dụng này truy cập với danh sách đen.

Nếu ứng dụng đó xuất hiện trong danh sách đen hoặc lấy nội dung từ những tài nguyên mạng vi phạm bản quyền, phần mềm giám sát của Sony sẽ thực hiện một trong số hoạt động nhằm ngăn chặn những hành vi đó.

Thứ nhất, phần mềm này có thể chặn hoàn toàn ứng dụng của bên thứ ba. Thứ hai, phần mềm này cũng có thể phát và tạm dừng nội dung vi phạm bản quyền một cách ngẫu nhiên. Thứ ba, phần mềm này có thể đơn giản chỉ là cắt giảm băng thông mạng dành cho ứng dụng đó.

Khi phần mềm của Sony thực hiện những hoạt động này, người dùng có thể sẽ không nhận ra rằng đâu đó có một phần mềm giám sát vi phạm bản quyền đang hoạt động. Thay vào đó, họ có thể cho rằng đây là lỗi ứng dụng hoặc tài nguyên mạng của bên thứ ba.

Hiện tại, vẫn chưa rõ Sony sẽ đưa công nghệ này vào thiết bị thương mại của mình như thế nào. Nhìn bề ngoài, đây có vẻ là một công nghệ hoàn toàn thiện chí, tuy nhiên mọi việc có thể đi sai hướng theo nhiều cách.

Đối với tính ứng dụng của phần mềm này, chúng ta vẫn cần phải xem xét liệu phần mềm giám sát này đã được đưa vào hệ điều hành của những trình phát đa phương tiện hay chưa bởi những phần mềm giám sát này sẽ tiêu tốn một lượng tài nguyên hệ thống lớn so với tầm quan trọng hoặc chức năng của nó.

Những game thủ có những trải nghiệm tiêu cực khi sử dụng những loại máy móc hay ứng dụng bị quản lý quyền nội dung số trong trò chơi điện tử (DRM - một chuỗi những công nghệ có khả năng kiểm soát tất cả mọi truy cập vào tài liệu có bản quyền dựa vào mã hoá để hạn chế các hành động có dấu hiệu vi phạm bản quyền nội dung số) có thể sẽ hoàn toàn hiểu được điều này.

Ngoài ra, trong trường hợp công nghệ đã đi quá xa so với danh nghĩa ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền, công nghệ này cũng có thể đi sai hướng. Trước đây, Sony cũng đã từng thực hiện một số hoạt động ngăn chặn vi phạm bản quyền theo cách đầy “bất ổn”.

Cụ thể, Sony đã giấu rootkit (một bộ công cụ phần mềm thường do kẻ xâm nhập đưa vào máy tính nhằm mục đích cho phép quay lại xâm nhập máy tính đó và dùng nó cho các mục đích xấu mà không bị phát hiện, bộ công cụ này cho phép truy nhập vào hoạt động của máy tính ở mức căn bản nhất) vào đĩa CD của mình để ngăn chặn việc sao chép đĩa CD.

Tuy nhiên, hành động này cũng tạo ra những lỗ hổng bảo mật đối với những PC chịu ảnh hưởng. Kết quả, các lỗ hổng này đã bị các phần mềm độc hại khác lợi dụng.