3 loại hàng hóa xuất khẩu cán mốc 30 tỷ USD

Nhật Hạ - 16:57, 29/11/2019

TheLEADERChiếm hơn 46% tổng kim ngạch xuất khẩu, 3 mặt hàng này gồm điện thoại, linh kiện; điện tử, máy tính, linh kiện; dệt may.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, cán cân thương mại 11 tháng năm nay ước tính xuất siêu 9,1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,5 tỷ USD). Riêng tháng 11 ước xuất siêu 100 triệu USD.

Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 23,5 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,6 tỷ USD.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 241 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018, với khu vực trong nước đóng góp 31% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đóng góp 69%.

Đáng chú ý, tốc độ giá trị tăng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đang tăng nhanh hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. 

Việt Nam có 3 loại hàng hóa xuất khẩu cán mốc 30 tỷ USD

Từ đầu năm đến nay, 30 mặt hàng đã đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 60%.

Kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm hàng nông sản, lâm, thủy sản tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước, một phần do giá xuất khẩu bình quân giảm.

Riêng tháng 11, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 22,6 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng trước.

Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2019 ước đạt 232 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018, với khu vực kinh tế trong nước chiếm 42% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 58%.

Việt Nam có 3 loại hàng hóa xuất khẩu cán mốc 30 tỷ USD 1

Trong 11 tháng có 35 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó có 2 mặt hàng vượt 20 tỷ USD, chiếm 35%.

Riêng tháng 11 ước đạt 22,5 tỷ USD, tăng 0,6% so với tháng trước.

Việt Nam có 3 loại hàng hóa xuất khẩu cán mốc 30 tỷ USD 2

Xét theo quy mô thị trường, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước, đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thị trường EU giảm nhẹ 2,3%; Trung Quốc giảm 0,6%; ASEAN tăng 2,4%; Nhật Bản tăng 7,6%; Hàn Quốc tăng 10%.

Ở phía ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường Hàn Quốc không thay đổi; ASEAN tăng 1,7%; Nhật Bản tăng 3,5%; EU tăng 6,1%; Hoa Kỳ tăng 11,3%.