Chiến lược bản quyền: Tối ưu hóa chiến lược kinh doanh của các SME (phần II)

Trâm Nguyễn * - 09:00, 24/05/2023

TheLEADERKhi không nhận thức được tầm quan trọng của việc lập chiến lược và quản trị bản quyền, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) rất có thể sẽ phải chịu những tác động tiềm ẩn của việc không ưu tiên bảo vệ bản quyền trên những góc độ pháp lý và kinh doanh.

Chiến lược bản quyền: Tối ưu hóa chiến lược kinh doanh của các SME (phần II)
Câu chuyện kiện tụng giữa Wolfoo và Pepa Pig là một trong những vụ việc điển hình khi doanh nghiệp chưa lượng hóa được cẩn thận chiến lược sở hữu trí tuệ (Ảnh: Wolfoo)

Như đã biết về tầm quan trọng của bản quyền và chiến lược quản trị bản quyền ở phần I, chúng ta cùng đến với phần II với những tác nhân gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, quản trị và những phương pháp tối ưu hóa chiến lược bản quyền của SME.

Dưới đây là buổi trao đổi thứ hai giữa hai chuyên gia sở hữu trí tuệ: bà Trâm Nguyễn (luật sư thuộc Văn phòng luật IPCOM) và ông Nguyễn Ngô Thành Danh (chuyên gia về hợp đồng sở hữu trí tuệ độc lập) về vấn đề này.

Bài viết nằm trong khuôn khổ chuỗi bài “Câu chuyện kinh doanh tài sản trí tuệ Việt Nam” do TheLEADER và văn phòng luật IPCOM thực hiện. Đây là chuỗi bài chia sẻ những câu chuyện về quản trị và kinh doanh tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, những xu hướng và công nghệ mới nổi đang định hình bối cảnh bản quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như thế nào? Và làm thế nào để họ có thể thích ứng với những thay đổi này?

Có thể kể ra một số xu hướng và công nghệ mới nổi trong vài năm gần đây như sự xuất hiện của các trang mạng xã hội và nền tảng trực tuyến, công nghệ blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), các nền tảng kỹ thuật số… Những xu hướng này có thể tác động ít nhiều đến quá trình tạo lập, quản lý và khai thác các tài sản sáng tạo của doanh nghiệp, thậm chí là định hình cả chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Ví dụ như sự xuất hiện của các trang mạng xã hội đã làm cho việc chia sẻ nội dung và tác phẩm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Song, nó cũng đã tạo ra nhiều vấn đề liên quan đến việc vi phạm bản quyền và buộc các doanh nghiệp phải thay đổi cách quản lý và khai thác các tài sản trí tuệ của mình.

Để thích ứng với những thay đổi này, các doanh nghiệp có thể cân nhắc thực hiện một số biện pháp như: Chủ động cập nhật và nắm bắt các xu hướng và công nghệ mới, nhằm tận dụng những cơ hội mới và giảm thiểu những rủi ro. Chú trọng đầu tư vào bảo vệ bản quyền bằng cách sử dụng các công cụ công nghệ, như phần mềm quản lý bản quyền và các nền tảng kỹ thuật số khác. Và đối với các doanh nghiệp chưa đủ nguồn lực cũng như tài chính thì điều quan trọng vẫn là cần phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn phù hợp.

Những hậu quả tiềm ẩn của việc không ưu tiên bảo vệ bản quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cả từ góc độ pháp lý và kinh doanh là gì?

Việc không ưu tiên bảo vệ bản quyền thường kéo theo những hậu quả tiềm ẩn. Nó có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, khi một số đối thủ cạnh tranh có thể sao chép các sản phẩm được bảo hộ bản quyền của doanh nghiệp mà không phải trả bất kỳ khoản bồi thường nào. Điều này kéo theo các các thiệt hại về tài chính cho doanh nghiệp và làm tăng các chi phí cho việc bảo vệ quyền trong tương lai, đặc biệt là khi doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để tham gia vào các vụ kiện đòi bồi thường.

Thậm chí, trong một số trường hợp, việc thiếu quan tâm đến việc bảo vệ bản quyền cũng có thể dẫn đến việc đánh mất các tài sản trí tuệ, một khi các tài sản này được phổ biến rộng rãi và doanh nghiệp không thể chứng minh được rằng mình chính là người đầu tiên tạo ra chúng.

Đôi khi việc không ưu tiên bảo vệ bản quyền còn có thể làm ảnh hưởng đến những yếu tố nhận diện thương hiệu và hình ảnh định vị mà doanh nghiệp muốn thể hiện, truyền đạt đến công chúng. Điều này xảy ra khi các doanh nghiệp không thể kiểm soát việc sao chép sản phẩm được bảo vệ bản quyền của mình, dẫn đến việc các sản phẩm hoặc dịch vụ này được sử dụng theo một cách không đúng đắn mà doanh nghiệp hướng đến, từ đó gây ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp.

Làm cách nào để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể xác định và tận dụng các cơ hội để kiếm tiền từ các tác phẩm có bản quyền của họ và chiến lược sở hữu trí tuệ mạnh mẽ đóng vai trò gì trong quá trình này?

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể xác định và tận dụng các cơ hội để kiếm tiền từ các tác phẩm có bản quyền của họ thông qua các hoạt động như: chuyển nhượng và cấp phép cho các công ty khác sử dụng bản quyền để sản xuất, phân phối hoặc tiếp thị các sản phẩm nhất định. Doanh nghiệp cũng có thể tái sử dụng các tác phẩm của mình để tạo ra các sản phẩm phụ mới, hoặc để phát triển các sản phẩm phụ trợ hoặc phần mềm liên quan. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng các nền tảng kinh doanh trực tuyến để tiếp cận thị trường toàn cầu và tiếp cận khách hàng một cách dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, để có thể làm được những điều trên, thì việc quan trọng là doanh nghiệp cần phải xây dựng được một chiến lược, kế hoạch quản trị cụ thể, để từ đó xây dựng các quy trình thương mại hoá, khai thác các tài sản trí tuệ phù hợp với từng chiến lược kinh doanh khác nhau.

Chiến lược bản quyền: Tối ưu hóa chiến lược kinh doanh của các SME (phần II)
Ông Nguyễn Ngô Thành Danh, chuyên gia về hợp đồng sở hữu trí tuệ độc lập

Nhìn chung, chiến lược sở hữu trí tuệ mạnh mẽ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và tận dụng các cơ hội để kiếm tiền từ các tác phẩm được bảo vệ bản quyền. Một chiến lược hợp lý sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo ở doanh nghiệp từ đó góp phần tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng và phù hợp với thị trường hơn.

Đồng thời, một chiến lược phù hợp cũng góp phần củng cố lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, làm giảm các chi phí và thiệt hại cho doanh nghiệp trong việc quản lý, giám sát và xử lý các vi phạm. Một khi các tài sản trí tuệ được quản lý và khai thác hiệu quả thì nó cũng sẽ góp phần nâng cao giá trị tài sản doanh nghiệp cũng như mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới.

Chúng ta hãy thử nhìn qua một ví dụ về những doanh nghiệp sản xuất phim hoạt hình, như Thỏ bảy màu hay Sói Wolfoo chẳng hạn. Những bộ phim này bao gồm nhiều đối tượng có thể được bảo hộ bản quyền như hình ảnh các nhân vật, cốt truyện, và cả những tập phim..

Trong đó, mỗi đối tượng đều có thể được khai thác đồng thời hoặc theo các cách thức riêng biệt, chẳng hạn như: cấp phép cho bên thứ ba để phát sóng hoặc chiếu lại các tập phim trong nước và quốc tế; sử dụng hình ảnh nhân vật để sản xuất các tập phim mới, video quảng cáo sản phẩm, làm mô hình đồ chơi hoặc thú nhồi bông; chuyển thể các tập phim thành truyện tranh cho trẻ em hoặc sách phục vụ giáo dục,…

Tuy nhiên, quá trình khai thác nói trên chỉ thực hiện hiệu quả và đem lại lợi nhuận bền vững nếu doanh nghiệp xây dựng được một chiến lược sở hữu trí tuệ chặt chẽ và phù hợp. Tranh chấp về bản quyền giữa nhân vật hoạt hình Sói Wolfoo và nhân vật Peppa Pig là một minh chứng cho thấy vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng một chiến lược quản trị tài sản trí tuệ.

Trong trường hợp này, có lẽ các nhà sản xuất bộ phim Sói Wolfoo có thể đã thiếu sự đánh giá cẩn thận trong quá trình xây dựng một chiến lược sở hữu trí tuệ phù hợp. Điều này dẫn đến những dấu hiệu và cáo buộc xâm phạm bản quyền từ nhà Peppa Pig. Với tình hình này, nếu không có một chiến lược sở hữu trí tuệ phù hợp, nhà sản xuất Sói Wolfoo có thể sẽ phải chịu các hậu quả về pháp lý, tài chính và danh tiếng.

Điều này cho thấy, việc không có một chiến lược sở hữu trí tuệ phù hợp sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch kinh doanh, cản trở sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, thậm chí là gây tổn hại đến danh tiếng và hình ảnh mà doanh nghiệp đã xây dựng trong nhiều năm.

Xin chân thành cảm ơn anh!

* Bài phỏng vấn do bà Trâm Nguyễn, luật sư thuộc Văn phòng luật IPCOM, thực hiện.