Chuyển đổi số song hành chuyển đổi xanh: Kinh nghiệm quốc tế

Hường Hoàng - 20:53, 01/06/2024

TheLEADERChuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai xu hướng song hành, hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên động lực phát triển bền vững cho nền kinh tế số.

Chuyển đổi số song hành chuyển đổi xanh: Kinh nghiệm quốc tế
Các trang trại hải sản của Na Uy được áp dụng mô hình kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Những năm gần đây, yêu cầu từ môi trường kinh doanh và nhu cầu nội tại của doanh nghiệp đã thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hoặc kết hợp cả hai. 

Trên thực tế, thế giới đã có nhiều quốc gia kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh với nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển bền vững trong nền kinh tế số.

Kinh nghiệm quốc tế

Là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai thế giới, từ năm 2016, Na Uy đã triển khai chương trình kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để thúc đẩy nền kinh tế xanh dương.

Trong chương trình này, Na Uy sử dụng dữ liệu lớn và công nghệ blockchain để quản lý nguồn lợi thủy sản bền vững, giám sát từ xa và bằng vệ tinh để theo dõi môi trường biển, sử dụng robot tự động để tối ưu hóa quy trình sản xuất...

Kết quả, về mặt chuỗi cung ứng, những công nghệ này tạo ra các chuỗi giá trị hiệu quả và bền vững hơn, giúp khách hàng được tiêu dùng thực phẩm an toàn, có thể truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy quá trình thông quan trong xuất khẩu và tăng thu nhập cho ngư dân.

Những nỗ lực này không chỉ góp phần vào việc bảo vệ môi trường mà còn hỗ trợ xây dựng nền kinh tế xanh dương vững chắc thông qua việc tăng cường hiệu quả khai thác và đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng. Na Uy đã trở thành một ví dụ điển hình về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Tương tự, vào năm 2016, chính phủ đã Nhật Bản bắt đầu triển khai chương trình Xã hội 5.0, với mục tiêu tạo ra một xã hội mà con người nằm ở trung tâm, dựa trên thành quả của cuộc cách mạng 4.0 và công nghệ AI.

Nhật Bản đã kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh bằng cách áp dụng các công nghệ như AI (Trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet vạn vật) và Big Data (Dữ liệu lớn) vào các lĩnh vực y tế, giao thông, hạ tầng và tài chính. Ví dụ, AI và IoT được sử dụng để tối ưu hóa hệ thống giao thông thông minh, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế từ xa.

Công nghệ blockchain cũng được áp dụng để giảm chi phí giao dịch tài chính và tăng cường tính minh bạch. 

Kết quả, Nhật Bản đã cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, tăng hiệu suất năng lượng và đạt được những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một xã hội bền vững và hiện đại.

Theo báo cáo từ Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản, chương trình này đã giúp giảm 25% lượng khí thải CO2 và tăng 30% hiệu suất năng lượng từ năm 2016 đến năm 2023.

Chuyển đổi số song hành chuyển đổi xanh: Bài học thực tiễn trên tế giới
Nhật Bản áp dụng các công nghệ như AI, IoT và Big Data để tối ưu hệ thống giao thông

Đan Mạch cũng tiên phong trong việc xây dựng các khu công nghiệp bền vững. Trong đó, chương trình xây dựng khu công nghiệp sinh thái dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn Kalundborg năm 1960 đã trở thành một tấm gương cho thế giới về sự kết hợp hiệu quả giữa chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Tại khu công nghiệp này, các doanh nghiệp chia sẻ nguồn lực và sản phẩm phụ, tối ưu hóa năng lượng và giảm thiểu rác thải. Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và tối ưu hóa các quy trình sản xuất, đảm bảo hiệu quả và tính bền vững.

Nhờ áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số, Kalundborg đã đạt được những kết quả ấn tượng như: giảm thiểu 90% khí thải CO2, tái chế gần như toàn bộ nước thải và sản phẩm phụ, đồng thời tạo ra nhiều công việc mới và thúc đẩy kinh tế địa phương.

Cặp đôi hoàn hảo cho phát triển bền vững

Phát biểu tại tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2024 (Dx Summit), ông Nguyễn Tuấn Anh Giám đốc Tư vấn Phát triển bền vững FPT Digital, nhấn mạnh, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai xu hướng song hành, hỗ trợ lẫn nhau để tạo nên động lực phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số.

Chuyển đổi số, với tốc độ nhanh và khả năng linh hoạt, là “đòn bẩy” giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả cao hơn, minh bạch dữ liệu, dễ dàng chia sẻ và triển khai thông tin. Trong khi đó, chuyển đổi xanh tạo ra sức ép, buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi, bởi nếu không, họ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi trong vòng 10 năm tới. 

Chuyển đổi xanh cũng đề cao các giá trị cốt lõi như bền vững, quản trị và công bằng, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số phát triển. 

Sự gia tăng sức ép và quy định từ các bên liên quan, như cơ chế điều chỉnh xuyên biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu áp dụng từ tháng 10/2023, sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng, và xu hướng quản trị ro ESG đang là những động lực chính thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Hầu hết các doanh nghiệp đều đã nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để hướng đến phát triển dài hạn. Tuy nhiên, theo khảo sát của FPT Digital trên các doanh nghiệp mà họ đang tư vấn, mặc dù các doanh nghiệp có nhận thức về chuyển đổi số tốt, chỉ 22% doanh nghiệp có lộ trình rõ ràng về ESG trong 10-15 năm tới.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, FPT đã đưa ra phương thức tiếp cận và thực hành ESG dựa trên mô hình kinh doanh, với bốn bước cơ bản: Đánh giá sức khỏe ESG của doanh nghiệp, tích hợp ESG vào mục tiêu kinh doanh, xây dựng lộ trình ESG và đào tạo nguồn lực con người phục vụ cho hoạt động chuyển đổi.

Theo đó, FPT đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động chuyển đổi số và chuyển đổi xanh với bộ công cụ ESG Rank và Vert Zero, giúp đánh giá sức khỏe ESG và quản lý phát thải theo thời gian thực.

ESG Rank đánh giá tình hình thực hành ESG của doanh nghiệp dựa trên 43 tiêu chí lớn và 160 tiêu chí con, bao quát mọi yếu tố quan trọng của tổ chức. Trong khi đó, Vert Zero giúp doanh nghiệp kiểm soát và giám sát mức độ phát thải theo thời gian thực.

Với kinh nghiệm tư vấn và hỗ trợ các dự án trọng điểm về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh như siêu cảng thông minh Singapore và các dự án AI, các dự án năng lượng gió, FPT đã đúc rút ra ba điểm mấu chốt cho các doanh nghiệp, tổ chức khi áp dụng chuyển đổi số song hành với chuyển đổi xanh.

Thứ nhất, việc chuyển đổi số cần có lộ trình rõ ràng, bắt đầu từ nhận thức của lãnh đạo. Thứ hai, các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch khai thác và sử dụng hiệu quả tài sản số được tạo ra trong quá trình chuyển đổi xanh. Thứ ba, các doanh nghiệp cần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để thích ứng với chuyển đổi dài hạn, bền vững.