Chuyện từ chai nhựa tái sinh trên đất Mỹ

Phạm Sơn - 09:00, 13/02/2024

TheLEADERThay vì nhập khẩu phế liệu, có một doanh nghiệp đang tận dụng rác thải của Việt Nam, tái chế ngay tại Việt Nam ra sản phẩm chất lượng cao bán cho Mỹ, châu Âu.

Tự hào

Đang du ngoạn xứ sở cờ hoa, ông Lê Anh gửi cho bạn bè ở Việt Nam một bức ảnh và hào hứng giới thiệu: “Tôi đang đi xe xanh, uống nước từ chai xanh luôn nè”.

Chuyện từ chai nhựa tái sinh trên đất Mỹ
Chai nhựa tái chế, một sản phẩm đặc biệt của DTR

Xe “xanh” được nhắc tới là một chiếc Tesla, sản phẩm xe điện hàng đầu thế giới, là biểu tượng cho một cuộc cách mạng xanh của ngành giao thông vận tải. 

So với xe “xanh”, chiếc chai “xanh” dường như không có gì quá đặc biệt, bởi chỉ là một chai nhựa đựng nước khoáng. Thế nhưng đó lại là niềm tự hào lớn lao của bản thân ông Lê Anh cùng những bạn bè, đồng nghiệp và đối tác ở Việt Nam.

Lý do là chai nhựa đó được sản xuất 100% từ vật liệu tái chế đến từ Việt Nam, bởi Nhựa tái chế DUYTAN (DTR), nơi ông Lê Anh đảm nhiệm vị trí giám đốc phát triển bền vững.

“Rũ bùn tỏa sáng”

Một chiếc chai nhựa tái chế có gì đáng để chú ý? Người Việt Nam đã quen với cụm từ tái chế từ hàng chục năm nay. Chẳng phải đã có hàng nghìn làng nghề mọc lên trên khắp mọi miền đất nước, ngày ngày đang thu lượm từ vỏ chai, vỏ lon cho đến… xác máy bay để tái chế hay sao?

“Chúng tôi là nhà tái chế công nghệ cao”, ông Lê Anh lý giải, đồng thời “khoe” tờ giấy phép số 39/ĐK-VPĐK của Bộ Khoa học và công nghệ, chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao cho DTR vào ngày 30/10 vừa qua. 

Chỉ cách đó ít ngày, DTR cũng được Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vinh danh là Hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập. 

Thế là sau ngót nửa thế kỷ hình thành và phát triển, lần đầu tiên ngành công nghiệp tái chế có đơn vị được chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao và vinh danh hàng chất lượng cao.

Chuyện từ chai nhựa tái sinh trên đất Mỹ 1
Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững Nhựa tái chế DUYTAN. Ảnh: DTR

Nói cách khác, ngành tái chế, suốt nửa thập kỷ, cho đến trước khi DTR đạt được những thành tựu nói trên, luôn nằm ở vị trí “công nghệ chưa cao” và “chất lượng chưa tốt”.

Điều này có lẽ không có gì quá khó hiểu khi ngành tái chế luôn bị bủa vây bởi những bài toán khó. Đó là chất lượng phế liệu đầu vào thấp bởi không có phân loại rác tại nguồn, công nghệ thô sơ, lạc hậu do không có nguồn lực đầu tư hay khó khăn trong tìm kiếm đầu ra bởi định kiến từ phía thị trường. 

Không ít các đơn vị tái chế, do không kiểm soát được chất lượng đầu vào và không có công nghệ, quá trình hoạt động lại xả ra khí thải và nước thải, gây ô nhiễm thứ cấp. Thứ ô nhiễm ấy nhiều khi còn độc hại đến độ có thể đưa cả một làng nghề tái chế trở thành “làng ung thư”.

Giải quyết bài toán này, DTR sử dụng công nghệ tái chế “chai ra chai” (bottle to bottle) đến từ châu Âu. Hiểu theo cách đơn giản, mỗi một chai nhựa được đưa vào dây chuyền tái chế, trải qua các công đoạn, cuối cùng sẽ tạo ra hạt nhựa có chất lượng chuẩn để làm thành chai nhựa, bao bì đựng thực phẩm mới.

Nhờ đó, thay vì kết thúc vòng đời ở bãi chôn lấp, lò đốt rác hoặc thải ra môi trường, chai nhựa có thể tái chế liên tục, kéo dài vòng tuần hoàn vật liệu lên đến khoảng 50 lần.

Công nghệ này giúp hạt nhựa tái sinh của DTR đạt được hơn 20 chứng nhận về chất lượng như chứng nhận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), các chứng nhận ISO.

Và thế là thay vì nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài về để tái chế ra bán cho người Việt, DTR sử dụng chính nguồn phế thải ở Việt Nam, tái chế ngay tại Việt Nam và bán cho những thị trường lớn trên thế giới, không chỉ Mỹ mà còn cả các nước châu Âu.

Tại thị trường Việt Nam, hạt nhựa tái sinh của DTR đang được nhiều doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh sử dụng cho bao bì, có thể kể đến như Unilever, Coca Cola, Nestlé hay La Vie.

Bài toán ô nhiễm thứ cấp cũng được DTR mạnh tay chi tiền để giải quyết, với hệ thống xử lý nước thải công suất lên đến 900 nghìn m3/ngày, đưa toàn bộ nước thải quay về tái sản xuất và sử dụng để bài trí cảnh quan, dễ thấy như hồ cá koi được đặt ngay kế bên khu xử lý nước thải.

Khí thải cũng được xử lý bằng những công nghệ tiên tiến bậc nhất. Còn đối với những phế liệu nhựa không đáp ứng tiêu chuẩn để đưa vào dây chuyền “chai ra chai”, DTR sử dụng làm đầu vào cho những loại nhựa tái sinh có chất lượng thấp hơn như pallet đóng hàng hay sợi vải nhựa.

“Nhà máy chúng tôi vận hành theo tiêu chí “3 không”, không rác thải, không khí thải, không nước thải”, ông Lê Anh tiếp tục tự hào chỉ ra một điểm mạnh của DTR.

Chung tay

Quay trở lại câu chuyện về ngành công nghiệp tái chế suốt hàng chục năm chưa thể trưởng thành, rõ ràng có thể thấy được những áp lực rất lớn đặt nặng lên ngành công nghiệp rất quan trọng này.

Tái chế đã khó, tái chế đạt chuẩn chất lượng, không gây ô nhiễm môi trường lại càng khó hơn. “Không phải chú Hy (ông Trần Duy Hy, Chủ tịch DTR) thì khó có ai làm được”, ông Lê Anh khẳng định.

Chủ tịch Trần Duy Hy cùng đội ngũ lãnh đạo, cố vấn của DTR là những doanh nhân, chuyên gia, nhà quản lý có nhiều năm trong ngành nhựa. Kinh qua sóng gió thương trường, tích lũy kinh nghiệm, họ quyết định tiếp tục “làm nhựa” một cách khác đi, đảm bảo tính bền vững và đáp ứng nhu cầu của thời đại.

Thế nhưng một nhà tái chế đạt chuẩn là chưa đủ để giải quyết bức tranh rác thải. Ở ngoài kia, vẫn còn hàng tỷ chai nhựa, hộp nhựa không được tái chế, vẫn còn hàng trăm loại phế liệu, từ giấy, cao su cho đến nhôm, đồng, sắt, thép chưa được đưa vào vòng lặp tuần hoàn.

Chuyện từ chai nhựa tái sinh trên đất Mỹ 2
Nhựa tái chế DUYTAN sử dụng công nghệ cao đến từ châu Âu. Ảnh: DTR

May mắn, bức tranh ngành công nghiệp tái chế không chỉ có duy nhất điểm sáng đến từ DTR. Những cái tên như Giấy Đồng Tiến của ông Hoàng Trung Sơn, VietCycle của ông Hoàng Đức Vượng, Tái chế cao su Long Long của ông Nguyễn Văn Thanh cùng nhiều đơn vị khác cũng đang ngày đêm tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới nhất để tái chế hiệu quả nhiều loại phế liệu.

Tuy nhiên, ông Lê Anh tin tưởng rằng, còn rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp tái chế vươn xa hơn nữa, đến từ nguồn lực của chính cộng đồng doanh nhân vốn có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất, trải qua nhiều sóng gió thương trường.

Hơn cả kinh nghiệm chuyên môn cũng như bề dày tích lũy năm tháng thương trường là tình yêu với quê hương, đất nước cùng khát vọng đóng góp phần nào công sức để Tổ quốc không chỉ giàu mạnh mà còn xanh, sạch, đẹp.

“Sẽ thật tuyệt vời nếu những doanh nhân có tâm, có tầm như vậy tham gia vào ngành công nghiệp tái chế”, ông Lê Anh kỳ vọng.

Ông Lê Anh giờ đây đã trở thành một diễn giả quen thuộc trong những diễn đàn, hội nghị bàn về kinh tế xanh và phát triển bền vững. Mỗi sự kiện, mỗi cuộc trao đổi là cơ hội để vị giám đốc phát triển bền vững này kể lại câu chuyện ngành tái chế cũng như khơi gợi những thực hành tốt từ phía cộng đồng doanh nghiệp.

Các đối tác thân thiết luôn được hiện diện trong các câu chuyện ấy, từ những đơn vị tiên phong sử dụng chai làm từ 100% nhựa tái sinh, những doanh nghiệp nâng dần tỷ lệ vật liệu tái chế lên 50%, 70% trong bao bì, cho đến những doanh nghiệp đồng hành với DTR triển khai dự án thúc đẩy thu gom, phân loại rác.

Truyền cảm hứng cho cộng đồng và bạn bè doanh nghiệp, khuyến khích người tiêu dùng đón nhận và tích cực sử dụng bao bì tái chế, thân thiện với môi trường là cách để bản thân ông Lê Anh cũng như DTR đóng góp nhiều hơn so với vai trò của một đơn vị tái chế.

Bởi lẽ, phát triển bền vững không phải là cuộc chơi riêng lẻ, mà là bài toán chung, cần huy động đa dạng các nguồn lực để giải quyết.

Thông qua những sáng kiến, thực hành tốt từ phía doanh nghiệp, những vấn đề của ngành công nghiệp tái chế cũng dần được tháo gỡ, chẳng hạn như giải pháp lựa chọn thiết kế bao bì bền vững hay thúc đẩy phân loại rác tại nguồn giúp đảm bảo nguồn đầu vào ổn định và chất lượng cao cho DTR và các đơn vị tái chế khác.