Kinh tế tuần hoàn từ thiết kế bao bì

Hoàng Đông - 12:50, 26/09/2023

TheLEADERSử dụng nhãn dán đề can dễ tách khỏi vỏ chai, tiết giảm màu in hay sử dụng duy nhất một loại vật liệu trên bao bì là các giải pháp giúp doanh nghiệp vừa tiết kiệm chi phí, vừa hỗ trợ cho tái chế, tái sử dụng.

Kinh tế tuần hoàn từ thiết kế bao bì
Thay đổi nhỏ trên logo giúp Highland tiết kiệm được 16 tỷ đồng mỗi năm, lại giúp cốc nhựa dễ được tái chế hơn.

Năm 2022, hãng cà phê Highlands đã thực hiện một thay đổi nhỏ trên logo. Cụ thể, Highland đã thiết kế một logo tối giản hơn bằng cách tô trắng hình hạt cà phê, khiến logo in trên cốc chỉ còn màu trắng, thay vì sử dụng 4 màu là đỏ, trắng, nâu đậm và nâu sáng như trước kia.

Với thiết kế mới, hãng cà phê Việt Nam tiết kiệm được khoảng 16 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, giá trị của logo tối giản màu sắc còn cao hơn thế khi có thể giúp việc tái chế những chiếc cốc nhựa do Highlands thải ra một cách hiệu quả hơn.

Từ góc độ một doanh nghiệp tái chế, ông Trần Nhựt Hiện, Giám đốc chuỗi cung ứng Công ty Nhựa tái chế Duy Tân, khẳng định, chỉ cần một vài sự thay đổi nhỏ trên bao bì, nếu có sự cân nhắc yếu tố sinh thái trong quá trình thiết kế, sẽ tạo ra những lợi ích rất lớn cho ngành công nghiệp tái chế cũng như kinh tế tuần hoàn.

Chai nhựa màu giúp sản phẩm trở nên bắt mắt hơn nhưng lại là “cơn ác mộng” đối với nhà tái chế.

Tương tự như câu chuyện của Highland, ông Hiện lấy ví dụ về những chai nhựa nhiều màu sắc đã từng được nhiều doanh nghiệp đồ uống sử dụng rất phổ biến. Chai nhựa màu giúp sản phẩm trở nên bắt mắt hơn nhưng lại là “cơn ác mộng” đối với nhà tái chế.

Bởi lẽ, nhựa màu không thể được tái chế cùng với nhựa trong suốt do “không có thị trường nào chấp nhận chai nhựa xanh trộn lẫn chai nhựa trong để ra thành phẩn là chai nhựa tái chế có màu xanh lơ lơ”.

Việc trách riêng chai nhựa màu ra để xử lý cũng khiến nhà tái chế gặp nhiều rủi ro. “Chúng tôi thu mua chai nhựa màu vàng nhưng không có khách hàng đặt chai màu vàng là chúng tôi chịu chết”, ông Hiện lý giải.

Cùng với đó, chai nhựa màu cũng làm tăng chi phí bao bì của doanh nghiệp vì phải phát sinh thêm một khoản để “nhuộm” màu chai. Vì vậy, ngày nay, các hãng đồ uống lớn như Coca Cola, Pepsi… đã không còn sử dụng những chai nhựa màu mà chọn cách thể hiện màu sắc sản phẩm trên nhãn dán đề can.

Tuy nhiên, nhãn dán đề can lại là một vấn đề khác. Bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc phát triển thị trường Avery Dennison Việt Nam, cho biết, nhãn dán đề can cũng là một nguyên nhân khiến bao bì khó có thể tái chế.

Cụ thể, hiện nay, trên thị trường Việt Nam hiện nay vẫn xuất hiện một số loại chai nhựa có nhãn dán đề can bị dính quá chặt, khó lột bỏ khỏi chai, trở thành tạp chất trong phế liệu đầu vào, ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm tái chế.

Bà Linh cho biết, để đáp ứng các thị trường khó tính, Tập đoàn Avery Dennision toàn cầu đã xây dựng đội ngũ chuyên gia riêng để thiết kế sinh thái cho nhãn dán đề can.

Kể từ năm 2024, công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) sẽ chính thức có hiệu lực, yêu cầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm tái chế, thu gom lượng bao bì do mình thải ra.

Một số giải pháp đã được đưa ra và nhận được sự đón nhận của khách hàng, đối tác. Bà Linh lấy ví dụ như đối với chai nhựa PET, Avery Dennision áp dụng nhãn dán “clean fast” có thể dễ dàng tách khỏi chai mà không phải dùng hóa chất. Hay như đối với nhựa HDPE, tập đoàn này cho ra đời dòng nhãn dán đồng nhất, có thể được tái chế cùng chai nhựa mà không làm giảm chất lượng vật liệu tái sinh.

Các giải pháp nói trên đều được Avery Dennision cung cấp rộng rãi tại các thị trường mà không yêu cầu đối tác phải phát sinh thêm chi phí. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vẫn còn rất ít doanh nghiệp áp dụng các giải pháp này.

Bà Linh lý giải, doanh nghiệp vẫn còn dè chừng trước những sự chuyển đổi do e ngại rủi ro và cũng chưa có nhiều doanh nghiệp xác định thúc đấy tái chế hướng đến kinh tế tuần hoàn là mục tiêu ưu tiên.

Bên cạnh đó, sự hạn chế về hạ tầng thu gom và số lượng, quy mô và năng lực của các nhà tái chế cũng khiến doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào các giải pháp thúc đẩy tái chế.

Tuy nhiên, chỉ còn vài tháng nữa, kể từ năm 2024, công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) sẽ chính thức có hiệu lực, yêu cầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm tái chế, thu gom lượng bao bì do mình thải ra.

Tăng cường khả năng thu gom, tái chế của bao bì là cách để doanh nghiệp tiết giảm chi phí thực thi EPR. Do đó, đây có thể là cơ hội tốt để các giải pháp của Avery Dennision được phổ biến rộng rãi hơn tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh giải pháp nhãn dán đề can thân thiện với môi trường, ông Hiện cũng gợi ý một số cách thiết kế thuận tiện hơn cho việc thu gom, xử lý và tái chế như thiết kế miệng chai sao cho chất lỏng không bị đọng lại nhiều, sử dụng ít loại nguyên vật liệu, hạn chế in trực tiếp lên bao bì và không sử dụng mực in có chứa kim loại nặng.