Tết không có phong bao lì xì

Việt Hưng - 10:00, 08/02/2024

TheLEADERNhững năm gần đây, bên cạnh lì xì truyền thống, lì xì qua ví điện tử, ứng dụng ngân hàng đang dần đi vào đời sống xã hội và được người Việt đón nhận tích cực.

Tiềm ẩn rủi ro đổi tiền mới

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, nhu cầu đổi tiền mới của người Việt lại tăng cao. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, việc nhờ cậy người quen, ra ngân hàng đổi tiền mới, tiền lẻ không còn dễ dàng đã khiến các dịch vụ đổi tiền mọc lên "như nấm sau mưa".

Trung gian, cò đổi tiền ăn phần trăm chênh lệch… khiến đổi tiền lì xì dần bị "thương mại hóa" và phát triển rầm rộ trên mạng xã hội.

Không khó để tìm thấy nhiều nhóm hội nhóm trên mạng xã hội nhận đổi tiền ở bất cứ mức giá nào, dao động từ 2%-10%. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được rằng hành động cá nhân thu đổi tiền mới là vi phạm pháp luật.

Theo Nghị định 88/2019 ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt từ 20 triệu đến 40 triệu đồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Công điện 01/CĐ-NHNN, yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tăng cường phối hợp kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong mua bán ngoại tệ, vàng và đổi tiền không đúng quy định.

Riêng với những người có nhu cầu đổi tiền mới, việc tìm đến những tài khoản không rõ danh tính, thông tin mơ hồ trên mạng cũng đi kèm nhiều rủi ro rình rập.

Một hội nhóm trên Facebook vừa qua đã báo cáo về tình trạng xuất hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ việc đổi tiền lì xì với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, như rút ruột trong xấp tiền mới, nhận đổi tiền với mức phí rẻ kèm khuyến mãi tri ân để thu hút khách hàng, sau đó dẫn dụ khách chuyển tiền cọc, đến khi nhận tiền cọc thì chặn liên lạc…

Tết không có phong bao lì xì
Tết không có phong bao lì xì

Văn minh như lì xì trực tuyến

Những năm gần đây, bên cạnh lì xì truyền thống, lì xì qua ví điện tử và ứng dụng ngân hàng đang dần đi vào đời sống xã hội, được người Việt đón nhận tích cực.

Không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, lì xì online còn giảm gánh nặng đổi tiền lẻ, tiền mới hay nguy cơ bị lừa đảo. Cùng với đó, lì xì theo phong cách 4.0 còn xóa nhòa khoảng cách địa lý, khi việc lì xì có thể trao đi mọi lúc mọi nơi.

Đặc biệt, lì xì online cũng được xem là hành động bảo vệ môi trường thiết thực khi giảm thiểu sử dụng giấy, đồng thời là một trong những bước tiến nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh, kinh tế không tiền mặt đang được Chính phủ khuyến khích.

Kể từ khi ra mắt năm 2015, cứ mỗi năm MoMo lại cải tiến tính năng lì xì bằng những ý tưởng sáng tạo, tích hợp công nghệ hiện đại, nhằm mang đến những trải nghiệm lì xì số phù hợp với xu hướng hiện hành, an toàn, tiện lợi cho người dùng. 

Năm nay, lì xì online càng trở nên thuận tiện và tối ưu hơn khi xuất hiện Mã QR đa năng từ MoMo. Chỉ một mã QR duy nhất của siêu ứng dụng này, người dùng có thể nhận lì xì từ đa nguồn, bao gồm cả MoMo, các ứng dụng ngân hàng và ví điện tử khác.

Người nhận lì xì có thể dễ dàng gửi mã QR nhận tiền đa năng dưới dạng hình ảnh đến các ứng dụng nhắn tin cho người gửi. Khi nhận hình ảnh qua ứng dụng nhắn tin, người gửi chỉ cần bấm chuyển tiền trực tiếp là lì xì được trao đi ngay tức thì.

Chưa dừng lại ở đó, MoMo còn "chiều lòng" người dùng khi phát triển tính năng tạo QR bằng ảnh AI, mang tới trải nghiệm nhận tiền lì xì sáng tạo trong dịp Tết.

Ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập MoMo chia sẻ: "Công nghệ đang tác động mạnh đến cuộc sống và thay đổi cách chúng ta tương tác với xã hội. Ngay cả những truyền thống ngàn năm cũng đã bắt đầu chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ".

Tết không có phong bao lì xì 1
Lì xì online cũng được xem là hành động bảo vệ môi trường thiết thực

Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

Không riêng MoMo, năm nay lì xì trực tuyến năm nay cũng được các bên cải tiến mang tính cá nhân hóa hơn so với năm trước. Các trò chơi và tính năng mới được lồng ghép nhằm thu hút người dùng, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.

Bản chất tính năng lì xì online chỉ là chuyển tiền giữa các người dùng với nhau. Tuy vậy, các nền tảng thêm một số tính năng như ghi lời chúc, tự thiết kế thiệp, tăng cường tính cá nhân hoá nhằm biến việc chuyển tiền thành việc truyền đi may mắn cho mọi người.

Chẳng hạn, ZaloPay phát triển tính năng lì xì cho người dùng ví này. Thế mạnh của nền tảng này là có thể lì xì trong cửa sổ chat Zalo. Bất kỳ người dùng Zalo nào cũng có thể mừng tuổi cho bạn bè qua khung chat, miễn có tài khoản ZaloPay.

Tương tự, một số ứng dụng ngân hàng của Vietinbank, Vietcombank, VPBank,… đều có mẫu thiệp chúc mừng năm mới, có lời chúc khi thực hiện chuyển tiền.

Ông Ngô Trung Lĩnh - CEO VietUnion, đơn vị sở hữu nền tảng thanh toán Payoo, đánh giá xu hướng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam tăng mạnh nhờ chính sách của Chính phủ, và sự đồng lòng của các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, thể hiện rõ qua số điểm chấp nhận thanh toán tăng lên, nhiều chương trình ưu đãi được áp dụng.

Trên thực tế, các con số thực tế lẫn khảo sát tại Việt Nam đều cho thấy nhiều tín hiệu cực kì lạc quan về thanh toán số.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ 2022, thanh toán không tiền mặt đã tăng gần 50% về số lượng, qua kênh Internet tăng hơn 62%, qua kênh điện thoại di động tăng hơn 61%, và qua QR Code tăng gần 113%.